19/02/2025 15:46 GMT+7

Giống gạo đặc biệt ở làng bún 400 tuổi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia

Làng nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TP Huế) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giống gạo đặc biệt ở làng bún 400 tuổi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia - Ảnh 1.

Người làng Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TP Huế) tái hiện lại công đoạn làm bún thủ công của làng nghề truyền thống vừa được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia - Ảnh: NHẬT LINH

Điều gì đã làm nên tên tuổi đặc biệt của sợi bún Vân Cù?

Làng làm bún trăm tuổi bên dòng sông Bồ

Sáng 19-2, UBND thị xã Hương Trà (TP Huế) đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà).

Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 400 năm ở vùng đất cố đô, gắn liền với câu chuyện về "bà Bún" - người được dân làng tôn thờ như một vị thần hoàng.

Theo truyền miệng của người dân làng Vân Cù, thuở xưa có một đoàn người từ Đàng Ngoài theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, chọn làng Cổ Tháp (huyện Quảng Điền ngày nay) làm nơi sinh sống.

Trong nhóm này có một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, được mọi người yêu mến.

Trong khi dân làng chủ yếu làm nông, cô gái lại chọn cách làm bún từ những hạt gạo nơi đây. Vì làm bún rất ngon, cô được gọi thân thương là "cô Bún".

Tuy nhiên một số kẻ ghen ghét đã nhân lúc vùng này mất mùa ba năm liên tiếp để tung tin đồn rằng thần linh quở phạt dân làng vì "cô Bún" dám lấy "hạt ngọc của trời" để ngâm, chà, xát làm bún.

Giống gạo đặc biệt ở làng bún 400 tuổi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia - Ảnh 3.

Sợi bún làng Vân Cù có độ trắng, dẻo hơn so với nhiều vùng miền khác

Dân làng tức giận, buộc cô phải từ bỏ nghề hoặc rời làng ra đi. Để giữ nghề, "cô Bún" chọn cách rời đi.

Là người nhân hậu, cô được dân làng cho phép chọn hướng đi, đồng thời cử 5 chàng trai khỏe mạnh giúp cô khiêng cối đá. Đoàn người đi mãi về phía đông, đến khi chàng trai thứ năm kiệt sức, "cô Bún" nhận ra đây chính là nơi dừng chân do duyên trời sắp đặt.

Nhìn quanh thấy cây cỏ tốt tươi, lại có dòng sông Bồ mát rượi chảy qua, cô quyết định chọn Vân Cù làm nơi lập nghiệp. Cô truyền dạy nghề bún cho dân trong vùng. Nghề dần phát triển, trở thành một thương hiệu bún nổi danh Đàng Trong và triều Nguyễn.

Từ đó nghề làm bún được con cháu làng Vân Cù gìn giữ qua bao thế hệ. Đến nay, hơn 400 năm đã trôi qua, nghề truyền thống này chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phải là hạt gạo làng mới làm ra được sợi bún thảo thơm

Là một trong những nghệ nhân tham gia quảng diễn các công đoạn làm bún Vân Cù nhân dịp làng nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể, bà Nguyễn Thị Chuối (72 tuổi) cho biết bà đã theo nghề hơn 50 năm.

Giống gạo đặc biệt ở làng bún 400 tuổi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia - Ảnh 4.

Để có được một mẻ bún Vân Cù dẻo thơm, trắn tinh cần phải lựa hạt gạo Khang Dân được trồng trên cánh đồng làng Vân Cù

Xưa kia để có một mẻ bún trắng tinh, dẻo thơm, người làng Vân Cù phải trải qua rất nhiều công đoạn: chọn hạt gạo trắng tròn, giã gạo bằng cối, xay bột, trộn muối, nấu bột, rồi ngâm sợi bún... Trong đó việc chọn gạo là quan trọng nhất.

Theo bà Chuối, để làm ra bún Vân Cù thơm dai, gạo phải là giống Khang Dân, được trồng ở cánh đồng làng.

Giống gạo đặc biệt ở làng bún 400 tuổi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia - Ảnh 5.

Công đoạn nhồi bột, nặn khuôn và nấu sợi bún thủ công

"Loại gạo này có độ dẻo phù hợp để làm ra sợi bún dai ngon hơn nhiều loại gạo khác. Có thể do cánh đồng làng tôi được phù sa sông Bồ bồi đắp quanh năm nên hạt gạo thơm, dẻo và ngon hơn. Dân làng quen gọi là gạo ruộng", bà Chuối chia sẻ.

Nhờ sự phát triển của máy móc, ngày nay các công đoạn làm bún Vân Cù đã được cơ giới hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên loại gạo Khang Dân vẫn được giữ nguyên để đảm bảo chất lượng sợi bún.

Mong mỏi của người dân làng bún di sản

Theo thống kê của UBND xã Hương Toàn, làng Vân Cù có 125 hộ làm bún trên tổng số 399 hộ trong làng, với 325 lao động thường xuyên tham gia nghề.

Hiện nay, làng là nơi cung cấp bún nguyên liệu cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Huế và các tỉnh lân cận.

Giống gạo đặc biệt ở làng bún 400 tuổi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia - Ảnh 6.

Người làng Vân Cù tái hiện lại cảnh gánh bún băng qua những cánh đồng xanh mướt để đem đến các phiên chợ làng

Tuy nhiên nhiều người dân vẫn tiếc nuối vì làng bún chưa thực sự có danh tiếng trên bản đồ du lịch Huế.

Bà Nguyễn Thị Hà (60 tuổi, thợ làm bún làng Vân Cù) cho biết mỗi ngày gia đình bà có thể bán đến 2 tạ bún, thu nhập khá ổn định.

"Tiếc là khách du lịch vẫn chưa ghé làng bún Vân Cù để trải nghiệm nghề làm bún truyền thống như ở nhiều làng nghề khác. Tôi mơ rằng một ngày nào đó, mình có thể chỉ cho khách nước ngoài xem người làng làm bún từ xưa đến nay ra sao, rồi cho họ ăn thử sợi bún Vân Cù xem có khác với mì Tây họ hay ăn không", bà Hà cười nói.

Ông Đỗ Ngọc An, phó chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết ngay sau lễ đón nhận danh hiệu, thị xã sẽ khởi công xây dựng một khu trưng bày nông cụ nghề làm bún tại khu vực đình làng Vân Cù, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đồng.

Khu trưng bày này sẽ giới thiệu đến du khách nghề làm bún Vân Cù thông qua các hoạt động trình diễn, trưng bày nông cụ, và trải nghiệm trực tiếp.

Theo ông An, hy vọng đến cuối năm 2025, khi khu trưng bày hoàn thành, Vân Cù sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp ngôi làng ven sông Bồ này bước vào một vận hội mới - phát triển du lịch trải nghiệm.

Có gì ở làng bún truyền thống 400 tuổi vừa được công nhận là di sản văn hóa quốc gia? - Ảnh 2.Bếp bà Hòa chỉ cách nấu bún thang chuẩn Hà Nội, chính thức hết Tết

Trên trang Bếp bà Hòa, bà Minh Hòa chia sẻ bún thang là món mà gia đình Hà Nội nào cũng phải nấu ít nhất một lần sau 3 ngày Tết no nê cỗ bàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên