09/02/2025 09:02 GMT+7

Giáo viên, nhà trường ngóng chờ hướng dẫn mới về dạy thêm

Ngày 14-2, thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT sẽ có hiệu lực. Thời điểm này, đa số các lớp dạy thêm trong trường học và ở nhà giáo viên đều đã ngưng hoạt động để chờ hướng dẫn.

Dạy thêm - học thêm: Giáo viên, nhà trường chờ hướng dẫn - Ảnh 1.

Học sinh sau giờ học tại một trung tâm dạy thêm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Trường của con tôi thông báo ngừng dạy thêm vì thông tư mới của Bộ GD-ĐT không cho phép các nhà trường làm việc này. Các ba mẹ có biết chỗ nào dạy thêm tốt không? Con nhà mình phải đi học thêm chứ không có khả năng tự học" - chị Trang Võ nhắn trong group phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 ở TP.HCM và nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh khác.

Ý kiến trái chiều

Chị Trang Võ cho biết: "Việc dạy thêm trong nhà trường tạo sự thuận lợi cho phụ huynh. Học sinh học chính khóa xong thì ở lại trường học thêm luôn, phụ huynh khỏi phải đưa đón. Các thầy cô đã biết tính cách, năng lực của từng học trò nên cũng dễ dàng hơn trong quá trình giảng dạy. 

Giờ lớp dạy thêm này không tiếp tục vì Bộ GD-ĐT không cho phép các trường dạy thêm có thu tiền học sinh. Chắc chắn tôi sẽ phải chuyển con mình đi học thêm nơi khác. Nhưng mối lo của tôi là không biết chỗ học mới có hợp với con mình không, thầy cô dạy có hiệu quả không, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi chuyển cấp quan trọng".

Trái ngược với những lo lắng của chị Trang Võ, nhiều phụ huynh khác lại cho rằng cấm dạy thêm có thu tiền trong trường học là một bước tiến đáng ghi nhận của Bộ GD-ĐT. Chị Hồng, phụ huynh ở TP.HCM, giải thích: "Việc dạy thêm trong trường hiện có nhiều tiêu cực nên Bộ GD-ĐT cấm là đúng. Như con nhà mình bị ép học thêm trong nhà trường, mình bức xúc từ đầu năm học tới giờ".

Chị Hồng kể dự kiến năm nay con chị sẽ thi vào Đại học Y Dược. "Từ đầu lớp 11 tôi đã cho con đi học thêm với giáo viên giỏi, nổi tiếng ở TP.HCM của 3 môn toán, hóa, sinh. Khi cháu vào lớp 12, trường mở lớp dạy thêm dành cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. 

Con không đăng ký thì bị giáo viên chủ nhiệm mời lên nói chuyện. Dù cô không nói thẳng ra nhưng ý là yêu cầu 100% học sinh lớp 12 phải tham gia lớp học thêm này. Lý do là nhà trường muốn đảm bảo tỉ lệ tốt nghiệp THPT. 

Cuối cùng, vì không muốn con trở thành học sinh cá biệt nên mình bắt buộc phải đăng ký, đóng tiền và kêu con mình cứ vào lớp ngồi, không muốn nghe giảng thì lấy bài khác ra làm".

Sau câu chuyện của chị Hồng, rất nhiều phụ huynh khác đã lên tiếng cho hay con mình cũng đồng cảnh ngộ. "Bé nhà tôi năm nay học lớp 9, cũng bị ép học thêm trong trường như vậy mặc dù không có nhu cầu. 

Cháu dự định thi vào lớp 10 chuyên nên cần làm những bài nâng cao. Tôi cũng tìm được lớp dạy thêm nhằm ôn tập vào lớp 10 chuyên. Ở lớp này, trình độ học sinh ngang nhau, mục tiêu của các con cũng giống nhau nên việc trao đổi, học tập thuận lợi hơn. Trong khi lớp học thêm trong trường THCS chỉ dừng ở mức củng cố kiến thức cơ bản vì dạy đại trà cho 44 học sinh với nhiều trình độ khác nhau. 

Vậy mà hằng ngày con mình vẫn phải xách cặp vào học ở một lớp không phù hợp, lại còn phải đóng học phí nữa chứ. Thực sự rất bức xúc nhưng không dám có ý kiến vì sợ con bị ghét...".

Dạy thêm - học thêm: Giáo viên, nhà trường chờ hướng dẫn - Ảnh 2.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) ôn thi tốt nghiệp THPT - Ảnh nhà trường cung cấp

Vẫn mở lớp nhưng không thu phí

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các trường THCS, THPT ở TP.HCM đã mở lớp dạy thêm cho học sinh cuối cấp từ đầu năm học 2024-2025 không nhiều. 

Hiện những trường này đều đã ngưng dạy từ tháng 2-2025 vì Bộ GD-ĐT quy định: "Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường".

TP.HCM có đặc thù là nhiều trường đã thực hiện dạy hai buổi/ngày. Vì vậy, việc mở lớp ôn thi sẽ được tính vào học phí buổi 2. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP Thủ Đức, cho biết: "Hiện tại học sinh các lớp 12 ở trường chúng tôi vẫn học tăng tiết những môn dự kiến sẽ thi tốt nghiệp THPT như kế hoạch từ đầu năm học. 

Trường chúng tôi là trường học hai buổi/ngày, có thu học phí buổi 2 nên việc dạy tăng tiết được tính vào buổi 2. Những năm trước, nhà trường mở lớp ôn thi tốt nghiệp THPT dành cho học sinh lớp 12 sau khi các em thi cuối học kỳ 2. Lớp này được gọi là lớp dạy thêm và có thu tiền. Năm nay, nhà trường vẫn sẽ mở lớp dạy thêm cho học sinh khối 12 để hỗ trợ các em ôn thi, chỉ khác là không thu học phí".

Tương tự, Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, cũng chỉ mở lớp ôn thi vào lớp 10 sau khi học sinh lớp 9 thi cuối học kỳ 2. "Nhiều năm nay, trường chúng tôi đều không thu học phí cho lớp ôn thi này và năm nay cũng vậy. Nhà trường động viên các giáo viên giảng dạy lớp ôn thi chứ không ép các thầy cô phải làm. 

Năm nay, chúng tôi sẽ vận dụng quy định chi thu nhập tăng thêm hằng quý và quy định khen thưởng theo nghị định 73 để lấy nguồn chi cho hoạt động này" - ông Trần Văn Luyện, hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, cho biết.

Ôn tập, phụ đạo miễn phí cho học sinh

Ông Nguyễn Đức Tú Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), cho biết phòng đã ghi nhận các ý kiến từ phụ huynh, học sinh, giáo viên về những băn khoăn trong việc thay đổi quy định dạy thêm, học thêm để gửi về sở.

Nhiều ý kiến ghi nhận các giáo viên mong muốn có những hướng dẫn, quy định để giúp đỡ cho học sinh khó khăn mong muốn được học phụ đạo tại trường, nếu không dạy sẽ thiệt thòi cho các em diện này.

Những học sinh giỏi cũng muốn nỗ lực, cố gắng hơn tìm tòi kiến thức từ các thầy cô mà mình đang theo học. Tuy nhiên, việc phải học các thầy cô không dạy mình ở trường cũng khiến các em đôi chút băn khoăn.

"Nhưng tất cả những băn khoăn đều chờ định hướng sau khi thông tư 29 có hiệu lực, trên tinh thần tuân thủ chủ trương chung. Hiện chúng tôi đang đợi hướng dẫn của sở và thành phố.

Tôi mong muốn các cấp và thành phố sẽ bổ sung thêm các nguồn kinh phí để bồi dưỡng thêm cho giáo viên khi phụ đạo, ôn tập cho các em học sinh khó khăn hay hướng dẫn tổ chức ôn tập cho đội tuyển học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu...", ông Tú Anh nói.

Ông Thái Quang Bình, hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cho biết hiện khó khăn nhất đối với nhà trường là việc tổ chức dạy học cho học sinh cuối cấp.

Trước đây, nhà trường vẫn tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh, việc thu tiền sẽ dựa trên sự thỏa thuận của phụ huynh với giáo viên. Học phí chỉ khoảng 10.000 đồng/giờ/em bởi học sinh huyện Hòa Vang ở khu vực nông thôn, vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nay trường cũng đã điều chỉnh theo chủ trương chung.

Ông Bình cho hay hiện học phí phụ đạo trong học kỳ 1 vừa qua của các em vẫn chưa thu, trước thông tư mới, trường dự định không thu khoản học phí này nữa. Đồng thời, trường đã cho dừng lớp phụ đạo này và dự kiến sẽ có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Theo đó, ban giám hiệu trường đã có đề xuất gửi lên Sở GD-ĐT về giải pháp dùng nguồn ngân sách tự chủ của trường để ôn tập, phụ đạo miễn phí cho học sinh. Hiện đang đợi sở đồng ý cho thành lập lớp phụ đạo miễn phí.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết hiện sở đang tổng hợp các ý kiến, ghi nhận từ các đơn vị để tham mưu UBND TP Đà Nẵng. Từ đó có những hướng dẫn cụ thể liên quan thông tư 29.

Thù lao từ nguồn thu nhập tăng thêm

Trả lời câu hỏi nếu không thu tiền thì lấy nguồn nào để trả thù lao cho giáo viên? Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP Thủ Đức, chia sẻ: "Tôi đã triển khai nội dung thông tư về dạy thêm cho các giáo viên trong trường, đồng thời có ngỏ ý về việc dạy thêm không thu tiền.

Thay vào đó, nhà trường sẽ căn cứ vào quy định chi thu nhập tăng thêm hằng quý (theo nghị quyết 08 của HĐND TP.HCM) để tính ngày công cho giáo viên. Hầu hết các thầy cô giáo đồng tình với cách này. Nhà trường sẽ cho các thầy cô đăng ký dạy thêm và học sinh đăng ký học thêm. Trên cơ sở đăng ký, ban giám hiệu trường sẽ xếp lớp dạy thêm cho phù hợp".

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu:

Sẽ sớm tham mưu để UBND TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn trước 14-2

Nhiều giáo viên nêu thắc mắc là có thể dạy ở nhà mình được không? Tôi khẳng định là được, với điều kiện là đúng quy định.

Theo thông tư về dạy thêm của Bộ GD-ĐT, giáo viên trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Nhưng nếu thầy cô có đầy đủ phòng ốc, bàn ghế, trang thiết bị... thì có thể nhờ giáo viên nghỉ hưu, giáo viên trường ngoài công lập... đứng tên xin đăng ký mở trung tâm đồng thời quản lý và điều hành.

Việc đăng ký dịch vụ kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư bây giờ rất đơn giản và nhanh chóng. Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép thành lập trung tâm dạy thêm, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các quận huyện, phường xã đi kiểm tra về điều kiện dạy thêm, phòng ốc, số lượng học sinh, giáo viên, mức học phí...

Sắp tới, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ họp với các quận huyện để hướng dẫn cũng như phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý các trung tâm dạy thêm, học thêm. Sở sẽ sớm tham mưu để UBND TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm trước 14-2.

Quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM là kiên quyết thực hiện đúng theo thông tư về dạy thêm của Bộ GD-ĐT, không có chuyện du di, thông cảm. Đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng ép học sinh đi học thêm.

Tôi cũng cho rằng đây là cơ hội để học sinh an tâm, thoải mái, không phải lo lắng khi đi học thêm với giáo viên không dạy trong lớp chính khóa của mình.

Trường Mường Lát ôn thi không thu tiền

Dạy thêm - học thêm: Giáo viên, nhà trường chờ hướng dẫn - Ảnh 3.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) ôn thi tốt nghiệp THPT - Ảnh nhà trường cung cấp

Các trường THPT ở huyện vùng cao, miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã dừng dạy thêm trong nhà trường, lập kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, tại Trường THPT Mường Lát, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, năm học 2024-2025 có 320 học sinh lớp 12 (8 lớp). Nhiều năm nay, nhà trường chỉ tổ chức dạy thêm, ôn luyện thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 có thu tiền với mức thu 20.000 đồng/học sinh/buổi học thêm gồm ba tiết các môn thi tốt nghiệp như ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục công dân... Học sinh lớp 10 và lớp 11 không học thêm ở trường.

Thầy giáo Nguyễn Nam Sơn - hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát - cho biết trường thực hiện đúng nội dung thông tư 29. Sau ngày 14-2, trường bố trí 16 giáo viên tăng tốc dạy ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Ngoài học chính khóa theo chương trình năm học trên lớp vào buổi sáng, các em học sinh sẽ được thầy cô giáo ôn thi tốt nghiệp 2 tiết/tuần/môn vào buổi chiều không thu tiền của học sinh.

"Hiện nay, trường đã bố trí đủ giáo viên, kêu gọi, động viên giáo viên tận tâm, cống hiến ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 với tinh thần vì học sinh thân yêu. Các giáo viên của trường cũng đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ, ôn luyện kiến thức cho học sinh để có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất.

Bên cạnh đó, nhà trường sẵn sàng bật điện sáng vào buổi tối trên các lớp học, cấp bàn học, điện sáng trong khu làng học sinh Mường Lát (ký túc xá - PV) để học sinh lớp 12 tự ôn luyện" - thầy giáo Nguyễn Nam Sơn cho biết.

Nói về băn khoăn, kiến nghị của thầy cô giáo nhà trường sau khi thông tư 29 ban hành, thầy giáo Nguyễn Nam Sơn chia sẻ theo nội dung thông tư 29 quy định, học sinh muốn học thêm phải đăng ký học tại trung tâm dạy thêm được cơ quan chức năng cấp phép.

Trong khi đó tại huyện Mường Lát chưa có trung tâm dạy thêm nào được thành lập. Bên cạnh đó, ngoài dạy đủ số tiết theo quy định (17 tiết/tuần) trên lớp vào buổi sáng, số giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 là số tiết làm thêm ngoài giờ của giáo viên.

Tuy nhiên, đến nay nhà trường chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ số giáo viên này. Vì vậy, đề nghị Nhà nước có chế độ chính sách hỗ trợ giáo viên ôn thi tốt nghiệp hằng năm.

Em Lò Thị Dợi - học sinh lớp 12A4 Trường THPT Mường Lát - cho biết hiện nay buổi sáng các em học chính khóa trên lớp, buổi chiều ngoài giờ ôn thi tốt nghiệp THPT miễn phí ở trường, các em tự học nhóm, ôn tập kiến thức tại nơi trọ học.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em cũng lo lắng vì năm nay thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, thời gian ôn luyện còn ít, trong khi muốn đi học thêm để có kiến thức nâng cao thì ở huyện Mường Lát chưa có trung tâm dạy thêm.

Nhiều học sinh muốn thi vào ngành sư phạm hoặc một số ngành lấy điểm cao, nếu không được học thêm, bồi dưỡng thêm kiến thức nâng cao thì sẽ khó đậu.

Là giáo viên dạy môn ngữ văn nhiều năm tại Trường THPT Mường Lát, cô giáo Nguyễn Thị Linh chia sẻ học sinh ở vùng cao này có nhiều thiệt thòi, vì không được học thêm trong nhà trường thì không biết học thêm ở đâu, bởi tại huyện Mường Lát chưa có trung tâm dạy thêm nào. Chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh đều lo lắng.

"Được sự phân công của ban giám hiệu nhà trường, tôi sẵn sàng dạy ôn thi tốt nghiệp THPT miễn phí cho ba lớp 12, mỗi lớp 1 tiết/tuần vào các buổi chiều từ nay đến kỳ thi" - cô giáo Nguyễn Thị Linh cho biết thêm.

Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo quản lý dạy thêm

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố và Bộ GD-ĐT chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý dạy thêm học thêm ở cấp phổ thông.

Liên quan tới việc quản lý dạy thêm, học thêm, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định.

Đồng thời, chỉ đạo nhân rộng những tấm gương tập thể, cá nhân tận tụy tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, giám sát thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh THCS, THPT, quy định về dạy thêm, học thêm và xử lý nghiêm công khai các trường hợp sai phạm theo quy định.

Thăm dò ý kiến

Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT cấm tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học; giáo viên được đăng ký dạy thêm ở các cơ sở có phép nhưng phải báo cáo với hiệu trưởng và không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy tại trường. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Dạy thêm - học thêm: Giáo viên, nhà trường chờ hướng dẫn - Ảnh 4.Người ủng hộ cấm dạy thêm vì 'quá tiêu cực', người nói nên cho dạy trong trường

Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ 14-2-2025 đang thu hút sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh, với nhiều ý kiến trái chiều.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên