15/07/2018 13:09 GMT+7

Giáo dục chỉ cần tạo ra những người bình thường

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Vừa trở về từ Đức, ngày 14-7, nhà văn Lê Minh Hà có cuộc giao lưu với độc giả Hà Nội trong buổi "ê a về giáo dục" nhân ra mắt Tháng ngày ê a - cuốn sách mới nhất của chị viết về giáo dục Việt Nam của một thời.

Giáo dục chỉ cần tạo ra những người bình thường - Ảnh 1.

Nhà văn Lê Mình Hà ký tặng sách cho bạn đọc ngày 14-7 - Ảnh: T.ĐIỂU

Có mặt tại buổi ra mắt sách, dịch giả Lê Quang thẳng thắn phát biểu anh không thích sách về giáo dục, cũng không ưa sách tự truyện. 

Cuốn sách mới của Lê Minh Hà hội đủ cả hai thứ mà Lê Quang không ưa ở sách. 

Vậy mà cuối cùng anh vẫn có mặt. Anh muốn nữ nhà văn, một người từng là cô giáo, nói cho anh biết chị nghĩ gì về nền giáo dục của Việt Nam ngày ấy và cả bây giờ?

Cứ như chỉ chờ câu hỏi ấy của Lê Quang, Lê Minh Hà đã tuôn ra cả gánh những bức xúc. Chị bảo thuở đi học, nhà trường với chị như nhà tù, còn thầy cô giáo chỉ là những người nuôi dạy trẻ, trông trẻ cho cha mẹ đi làm. Lớn lên, duyên số thế nào chị lại trở thành một cô giáo dạy văn, nhưng lại sớm bỏ nghề khi sang Đức sinh sống.

Có khoảng cách với nền giáo dục Việt Nam, cộng thêm những quan sát từ việc học của các con mình ở nước ngoài, chị càng cay đắng nhận ra "nghề giáo không giết chết được ai nhưng thừa sức để nghiền nát một đời người". Theo Lê Minh Hà, chuyện học sinh đâm chết thầy giáo, các nước khác cũng có. Nhưng bắt trò uống nước giẻ lau bảng thì đích thực là quá lạ lùng dù cá biệt.

Dù coi nhà trường mà mình từng học là "cối xay nghiền nát cá tính", Lê Minh Hà cho là nó vẫn có giá trị. Đó là nền giáo dục ấy khiến một số người có cá tính gai góc sẽ bật thoát ra khỏi nó bằng cách "tự giáo dục". Lê Minh Hà nhận định: giáo dục chỉ cần tạo ra những con người bình thường chứ không phải là những cá tính. Chị bảo, tạo ra những cá tính là câu chuyện của nghệ thuật, không phải của giáo dục.

Nghề giáo, theo Lê Minh Hà, là một nghề bình thường trong xã hội, do đó kết quả lao động của nghề giáo rất giản dị. 

Nghề giáo không cần tạo ra những siêu nhân mà chỉ cần đào tạo nên những con người có được cảm xúc thông thường, trung thực, có suy nghĩ độc lập và có khả năng chịu trách nhiệm cá nhân; biết yêu biết ghét đúng đối tượng, biết giúp đỡ mọi người, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng thị trường lao động. "Thành phẩm của nghề giáo cuối cùng và trên hết phải là con người bình thường", Lê Minh Hà viết trong cuốn sách Tháng ngày ê a.

Nói đến cá tính, tại buổi ra mắt sách, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng việc dạy văn rất cần đề cao cá tính của người học, do đó nên tạo được khoảng trống, không gian cho người học. Ở đó không có sự áp đặt của người dạy với người học mà là sự đối thoại, sự thông hiểu, chia sẻ. Dạy văn không phải là sự bình tán, không phải là nói theo giáo án, giáo trình mà là phát hiện ra trong tác phẩm ấy điều gì ươm mầm cho một nhân cách, một cá tính tốt đẹp có thể phát triển.

Nhà văn Lê Minh Hà: 'Tôi viết văn trong tinh thần lụy tiếng Việt' Nhà văn Lê Minh Hà: "Tôi viết văn trong tinh thần lụy tiếng Việt"

Nhà văn Lê Minh Hà trò chuyện về văn học nhân dịp ra mắt hai tác phẩm Thương thế ngày xưa và Những giọt trầm. Quan niệm của chị về văn chương là, một tác phẩm phải làm thức dậy được một trạng thái cảm xúc nhất định ở người đọc, ngay cả khi cảm xúc ấy thoát ly khỏi tác phẩm.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên