Năm 2005, anh trai tôi kết hôn với chị Th. và sinh được 2 con trai (sinh năm 2006 và 2012). Trong quá trình chung sống, hai người mở xưởng may và được bố mẹ tôi hỗ trợ 100 triệu tiền mặt (việc này có một số người quen biết).
Mẹ tôi vào hỗ trợ trông cháu và làm việc nhà từ năm 2006 đến 2016. Công việc làm ăn phát đạt, hai người mua được 2 căn nhà, 1 căn trên đường Âu Cơ và 1 căn tại đường Hồng Lạc.
Do mắc bệnh nan y, anh trai tôi qua đời năm 2016 và không để lại di chúc. Từ năm 2016 đến 2019, bố mẹ tôi về quê và để 3 mẹ con chăm sóc lẫn nhau. Từ năm 2019 đến 2022 do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên ông bà không vào được.
Đến năm 2022 chị dâu quyết định lập gia đình với anh H., chị gọi điện đề nghị ông bà vào chăm sóc 2 cháu để chị đi lấy chồng mới.
Ông bà tôn trọng quyết định của chị và nguyện vọng của 2 cháu là không đi theo mẹ nên căn nhà ở Hồng Lạc chị cho thuê, toàn bộ số tiền do chị thu chi, căn nhà ở Âu Cơ để lại cho ông bà sống cùng hai bé.
Đến tháng 12-2022, chị đón bé nhỏ về nhà chồng mới, còn bé lớn ở với ông bà. Trong quá trình chung sống, với lý do chị và người mới không có con chung nên quyết định chia tay (trước đó không đăng ký kết hôn) và muốn quay trở lại căn nhà Âu Cơ để chung sống.
Tuy nhiên bố mẹ tôi và cháu lớn không muốn chung sống với chị nữa. Hai căn nhà có giá trị ngang nhau, căn nhà Âu Cơ có giá trị về mặt tinh thần và là nơi ở và thờ tự anh tôi nên ông bà muốn chuyển giao cho cháu lớn.
Nhờ luật sư tư vấn cách nào tốt nhất để bảo đảm quyền lợi của ông bà và cháu lớn mà không cần phải chung sống với chị Th..
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Nếu tài sản giữa anh trai bạn và chị dâu là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, giữa hai người không có thỏa thuận tài sản riêng thì 2 căn nhà nêu trên là tài sản chung vợ chồng.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp một bên chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về tài sản.
Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Như vậy, một nửa tài sản sẽ thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của chị dâu bạn. Phần tài sản còn lại thuộc về quyền sử dụng, quyền sở hữu của anh trai bạn.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, do anh trai bạn mất không để lại di chúc nên di sản của anh trai bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Trong trường hợp này, phần di sản của anh bạn phải chia cho 5 người (bao gồm vợ, hai con, cha, mẹ ruột). Như vậy mỗi người xem như được 20% giá trị trên phần di sản của anh để lại.
Từ quyền lợi được hưởng này, các bên nên cân nhắc trong việc phân chia, để đảm bảo quyền lợi của nhau, các bên nên ngồi lại với nhau để thỏa thuận.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận