03/04/2025 10:31 GMT+7

Giãn tĩnh mạch tinh: 'Sát thủ thầm lặng' gây vô sinh

Không có biểu hiện rõ ràng, nhưng giãn tĩnh mạch tinh diễn biến âm thầm khiến nhiều gia đình bỏ lỡ cơ hội làm cha mẹ nếu không điều trị kịp thời. Đáng nói, đây là bệnh phổ biến ở nam giới trong độ tuổi sinh sản với tỉ lệ mắc khoảng 15%.

giãn tĩnh mạch tinh - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Nam giới làm sao phát hiện sớm khi mình bị giãn tĩnh mạch tinh?

Mãi không có con vì giãn tĩnh mạch tinh

Sau 5 năm kết hôn dù không sử dụng biện pháp tránh thai, vợ chồng anh T.V.N. (35 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa đón tin vui. Anh N. chia sẻ bản thân vẫn quan hệ với vợ bình thường, không có biểu hiện gì bất thường. 

Chỉ thi thoảng có triệu chứng đau bìu rõ ràng, anh vẫn cảm thấy tinh hoàn trái nhỏ hơn bên phải và đôi khi nặng bìu sau khi làm việc nặng.

Sau đó, hai vợ chồng anh mới quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Tại bệnh viện kết quả siêu âm Doppler phát hiện anh N. bị giãn tĩnh mạch tinh độ III, làm suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Đây cũng là nguyên nhân khiến hai vợ chồng anh chưa có con.

Sau khi thực hiện phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh và điều chỉnh lối sống, chất lượng tinh trùng của anh cải thiện rõ rệt, giúp vợ anh mang thai tự nhiên sau một năm.

Còn anh N.V.M. (32 tuổi) dù chưa lập gia đình nhưng thường xuyên đau âm ỉ vùng bìu, căng tức tinh hoàn trái khi đứng lâu, đặc biệt khi tập thể thao. Anh chia sẻ tình trạng này bắt đầu khoảng 4 tháng nay. 

Tại bệnh viện bác sĩ xác định bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh trái độ III, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tinh trùng và nồng độ testosterone.

Sau khi đánh giá tình trạng, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh để ngăn chặn nguy cơ vô sinh và cải thiện chức năng sinh lý.

"Sát thủ thầm lặng" gây vô sinh

Theo PGS Nguyễn Quang - giám đốc Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân gây ra 15-25% các trường hợp vô sinh nam nguyên phát và 75-81% vô sinh nam thứ phát. Đáng nói thường bệnh diễn biến âm thầm, không có biểu hiện rầm rộ, rõ ràng.

Bác sĩ Nghiêm Trung Hưng - khoa nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cũng cho hay giãn tĩnh mạch tinh (varicocele) hay còn gọi giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn bất thường của hệ thống đám rối tĩnh mạch ở bìu - một trong các nguyên nhân vô sinh nam có thể điều trị.

Giãn tĩnh mạch tinh gây ra tình trạng đau bìu, teo tinh hoàn, giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, suy giảm testosterone từ đó ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây bệnh do bất thường cấu trúc giải phẫu mạch máu thừng tinh, do hoạt động cường độ cao, kéo dài, tăng bộc lộ các bất thường tiềm ẩn mạch máu thừng tinh, do khối u sau phúc mạc đè ép và một số nguyên nhân khác.

Các chuyên gia cũng cảnh báo yếu tố nguy cơ là đứng lâu, vận động mạnh, chơi những môn thể thao vận động mạnh, thói quen mặc quần bó sát hoặc tiền sử gia đình cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.

giãn tĩnh mạch tinh - Ảnh 2.

Nam giới thường có tâm lý ngại đi khám vô sinh - Ảnh: BVCC

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc - khoa nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mặc dù nhiều trường hợp giãn tĩnh mạch tinh không có triệu chứng rõ rệt, tuy nhiên một số người có thể gặp phải những triệu chứng như đau âm ỉ hoặc nhức ở vùng bìu, đặc biệt khi đứng lâu, vận động mạnh hoặc trong nhiệt độ nóng. 

Cảm giác nặng nề hoặc khó chịu trong bìu, khối u mềm hoặc dày khi sờ vào vùng bìu (cảm giác giống như "búi giun").

Một số người giảm khả năng sinh lý, sinh sản, vì giãn tĩnh mạch có thể làm: rối loạn sản xuất hormone sinh dục ảnh hưởng đến sinh lý, tăng nhiệt độ của tinh hoàn, giải phóng gốc oxy hóa tự do... ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng.

Theo bác sĩ Phúc, điều trị giãn tĩnh mạch tinh bao gồm các biện pháp can thiệp và không can thiệp. Không can thiệp bao gồm thay đổi chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và luyện tập thể thao. Dùng thuốc chống viêm giảm đau, tăng bền vững thành mạch.

Các biện pháp can thiệp có thể áp dụng phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh với nhiều phương pháp như mổ mở, mổ nội soi và mổ vi phẫu thắt tĩnh mạch tinh.

Các chuyên gia khuyến cáo khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở vùng sinh dục, bìu cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp, tránh các biến chứng muộn do bệnh giãn tĩnh mạch tinh gây ra.

Cách tự kiểm tra giãn tĩnh mạch tinh

Theo bác sĩ Phúc, việc tự kiểm tra giãn tĩnh mạch tinh tại nhà có thể giúp bạn phát hiện ra những dấu hiệu bất thường từ sớm, đặc biệt khi giãn tĩnh mạch tinh không gây đau đớn hay biểu hiện rõ rệt. Cách tự kiểm tra giãn tĩnh mạch tinh tại nhà:

- Bước 1: Chuẩn bị

Kiểm tra ở nơi yên tĩnh và thoải mái, có ánh sáng đủ để dễ dàng quan sát. Kiểm tra khi cơ thể trong trạng thái thư giãn, tốt nhất là sau khi tắm hoặc khi bạn đang cảm thấy dễ chịu.

- Bước 2: Sờ nắn vùng bìu

Dùng tay sạch để nhẹ nhàng sờ nắn vùng bìu (vùng da bên ngoài bao quanh tinh hoàn). Đặt tay vào một bên bìu, nhẹ nhàng vuốt và cảm nhận sự thay đổi trong cấu trúc của tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch tinh có thể tạo ra cảm giác như một khối mềm, giống như "búi giun" hay một đám dây nhỏ. Nếu bạn cảm thấy khối u hoặc sự giãn nở bất thường trong tĩnh mạch, đó có thể là dấu hiệu của giãn tĩnh mạch tinh.

- Bước 3: Kiểm tra khi đứng

Để kiểm tra giãn tĩnh mạch tinh rõ ràng hơn, bạn có thể kiểm tra khi đứng. Điều này sẽ làm tăng áp lực trong vùng bìu và giúp bạn cảm nhận rõ ràng hơn các tĩnh mạch giãn nở. Hãy đứng thẳng và tiếp tục sờ nắn vùng bìu, cảm nhận sự thay đổi về kích thước và kết cấu của tĩnh mạch.

- Bước 4: Quan sát tinh hoàn

Đảm bảo kiểm tra kỹ cả hai tinh hoàn. Giãn tĩnh mạch tinh thường xảy ra ở một bên, nhưng không loại trừ khả năng có cả hai bên. Khi kiểm tra, nếu bạn thấy một trong các tinh hoàn có sự thay đổi về kích thước hoặc cảm thấy đau, đó có thể là dấu hiệu cần được thăm khám.

Nếu trong quá trình kiểm tra, có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như cảm giác đau hoặc nhức bìu kéo dài, đau bìu khi đứng lâu hoặc vận động, xuất hiện khối u mềm trong bìu, cảm giác nặng nề hoặc khó chịu trong bìu, đau có thể giảm khi nằm xuống... nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Giãn tĩnh mạch tinh: "Sát thủ thầm lặng" gây vô sinh - Ảnh 2.Giãn tĩnh mạch thừng tinh có ảnh hưởng chuyện có con?

Căn bệnh này nếu chậm chữa có sao không? Liệu có ảnh hưởng chuyện con cái?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên