07/11/2015 11:00 GMT+7

Gian nan chuyện học của các ngôi sao

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG (tanphuc@tuoitre.com.vn)
TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG ([email protected])

TT - Mới đây, người hâm mộ cờ vua VN hơi thất vọng khi biết tin kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi bỏ tham dự Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới. Về nguyên nhân, ông Nguyễn Anh Tú, ba của Khôi, cho biết em đang phải tập trung cho việc học.

Anh Khôi trong lớp học ở Trường Nguyễn Văn Tố - Ảnh: H.Đ.
Anh Khôi trong lớp học ở Trường Nguyễn Văn Tố - Ảnh: H.Đ.

Từ câu chuyện của Anh Khôi có thể thấy với không ít VĐV, việc học được ưu tiên chẳng kém sự nghiệp thể thao dù lịch tập luyện, thi đấu có thể dày đặc hết cả thời gian trong ngày. Từ cậu bé 14 tuổi như Anh Khôi cho đến các ngôi sao thể thao trưởng thành như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đều phải đau đầu giải quyết bài toán kết hợp giữa việc tập luyện và học hành.

Ngôi sao cũng còn nhiều điều phải học

Anh Khôi hiện đang học lớp 8 tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP.HCM). Vì ông Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Tố, vốn là người mê thể thao nên kỳ thủ 14 tuổi này cũng nhận được nhiều ủng hộ của nhà trường trong việc sắp xếp lịch học và đi thi đấu. Ông Phát cho biết cứ sau mỗi chuyến đi thi đấu phải xin nghỉ học, khi trở về nhà trường đều mời giáo viên kèm riêng cho Anh Khôi tất cả các môn. Thậm chí Khôi còn được thi học kỳ hoặc làm bài kiểm tra... một mình.

Nhận được đặc cách và ủng hộ không có nghĩa là thần đồng cờ vua 14 tuổi này được nhà trường ưu đãi như một ngôi sao. Đơn xin nghỉ học được chấp thuận, những bài kiểm tra miệng lặt vặt cũng được miễn để đi thi đấu, nhưng nghĩa vụ với lớp học, nhà trường thì Anh Khôi vẫn phải chấp hành đầy đủ. Chẳng hạn như việc quét lớp, Anh Khôi chỉ được... ghi nợ trong thời gian đi thi đấu và khi trở về học phải thực hiện đủ.

Ông Phát nói: “Không có chuyện một học sinh được ưu ái quá mức chỉ vì có tài năng hoặc điều gì đó đặc biệt. Trong lớp học, Anh Khôi cũng chỉ là một học sinh bình thường và còn rất nhiều điều phải học hỏi bên cạnh tài năng cờ vua”. Đến cả môn thể thao tự chọn, Khôi cũng không được chọn “món ruột” cờ vua mà phải học môn khác.

Sự ủng hộ nhưng cũng nghiêm khắc của ban giám hiệu Trường Nguyễn Văn Tố góp phần giúp Anh Khôi có được thuận lợi trong việc học. Khi được hỏi về mơ ước tương lai của mình, Khôi trả lời: “Em muốn được làm bác sĩ sau này, vì bây giờ môn học mà em mê nhất là sinh học. Ngoài giờ học ở trường và tập luyện cờ vua, em tự tìm đọc thêm một số tài liệu, sách vở về các loại bệnh ở người. Đây cũng là một thú vui của em”.

Ráng học cho ngày mai

Khó khăn nhất trong việc phải sắp xếp thời gian học là các VĐV thuộc chế độ “ăn, ngủ tập trung” cùng đội tuyển. Điển hình là trường hợp của VĐV xe đạp Trần Thanh Điền, tay đua trẻ nhất từng đoạt Áo vàng chung cuộc giải đua xe đạp danh giá nhất VN Cúp truyền hình TP.HCM 2013 (lúc chưa tròn 17 tuổi). Thanh Điền năm nay 19 tuổi và đang theo học lớp 12 ở Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TP.HCM. Do lớp học ở quận 1, còn nơi ăn, ngủ, tập luyện (Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM) lại nằm tận Thủ Đức nên hằng ngày chàng trai sắp sửa tốt nghiệp phổ thông này hết đạp xe tập luyện cả trăm kilômet buổi sáng lại chuyển sang... chạy xe máy hàng chục cây số vào chiều tối để đến lớp học văn hóa.

Một ngày của Thanh Điền bắt đầu từ 5g30 - 10g với chương trình tập luyện khá nặng. Buổi chiều, từ 15g - 17g, Điền cùng các đồng đội trong tuyển xe đạp VN tiếp tục một số bài tập bổ trợ thể lực. Vừa hết giờ tập, Thanh Điền lại vội vã chạy xe đến lớp, bắt đầu vào lúc 18g. Thời khóa biểu này khiến thời gian để Thanh Điền học bài cũng rất eo hẹp. Vì vậy, sau khi phơi mình dưới cái nắng để tập luyện, Thanh Điền tranh thủ khoảng nghỉ trưa ít ỏi để bước vào một “cuộc chiến” khác trên bàn học: giải quyết các bài tập về nhà.

Tay đua quê Hóc Môn này nói: “Trong chuyện học, tôi chỉ hi vọng lấy cần cù bù đắp cho những khuyết điểm khác. Trong các môn học, tôi chỉ tạm được ở môn văn nhờ chịu khó học bài. Dù vậy tôi vẫn quyết tâm lấy bằng được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và sau này thi đậu vào ĐH Thể dục thể thao. Đời VĐV chúng tôi có nhiều tấm gương cho thấy sau ngày giải nghệ khổ ải như thế nào, chỉ có học mới giúp sự nghiệp thể thao của mình duy trì được lâu dài, chẳng hạn như làm HLV”.

Học ngày, học đêm sau khi giải nghệ

Những chia sẻ của Thanh Điền có lẽ không ai thấm thía bằng cô cựu võ sĩ taekwondo Hoàng Hà Giang. Từng tung hoành ngang dọc các giải đấu trong khu vực, châu Á, được xem như tài năng trẻ hàng đầu của taekwondo VN những năm thập niên 2000, Hà Giang giờ đây trở thành một cô sinh viên hiếu học.

Ở tuổi 17, Hà Giang phải giã từ sự nghiệp vì căn bệnh lupus ban đỏ quái ác, không những tước đi của cô sự nghiệp một võ sĩ mà cả sức khỏe của một người bình thường. Đó là vào năm 2008, thời điểm Hà Giang chỉ mới học xong lớp 8 vì những năm phải đi theo chương trình “thế hệ vàng”.

Vừa giải nghệ trong nước mắt, Hà Giang cũng nhận thức rõ tương lai của mình cần gì. Ngay lập tức cô lao vào việc đèn sách, nỗ lực theo học chương trình của Trường Nghiệp vụ năng khiếu TDTT TP.HCM để lấy tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Song song đó, Hà Giang còn đăng ký theo học ngành thiết kế đồ họa ở một trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện sở theo đam mê thiết kế, chụp ảnh từ nhỏ của mình. Ba năm trời bỏ quên sách vở khiến Hà Giang gặp vô số khó khăn trong việc học. “Thậm chí lúc đó tôi còn không cầm bút nổi vì tập võ nhiều khiến tay cứng quá, lại thêm bệnh tật đến bất thình lình. Tôi phải mất cả tháng trời ngồi luyện chữ như trẻ em cấp I mới có thể viết bình thường”.

Khổ luyện thể thao tất nhiên là gian khổ, nhưng với Hà Giang, mấy năm trời luyện võ có lẽ chẳng thấm tháp gì so với những ngày tháng miệt mài đèn sách. Sáng cô học đồ họa trong một chương trình gần tương đương với hệ cao đẳng - đại học (kéo dài bốn năm), trưa đi làm để kiếm tiền trang trải thuốc men và học phí, tối lại miệt mại tại lớp học ở Trường Nghiệp vụ năng khiếu TDTT. “Nhiều bạn bè nói với tôi rằng học và làm việc nhiều quá như vậy bệnh tình sẽ càng nặng hơn. Nhưng biết sao được, đời tôi không còn theo nghiệp võ được nữa, giờ chuyện học chính là tương lai của tôi. Mà đi học thì cũng cần đóng học phí nên tôi phải đi làm thêm...”.

Bảy năm sau ngày giải nghệ, Giang mỗi lúc một gầy hơn vì căn bệnh nhưng cô cũng hạnh phúc khoe vừa lấy bằng tốt nghiệp ngành đồ họa và bằng trung học phổ thông cách đây chưa lâu. Giang còn cho biết cô sắp sửa đăng ký học hệ tại chức ở ĐH Thể dục thể thao TP.HCM để hoàn tất giấc mơ lấy bằng đại học. Giang tâm sự: “Nhờ có chuyên môn ngành thiết kế mà giờ đây tôi hùn vốn với bạn mở được một quầy bán quần áo do mình thiết kế. Từ đây, tôi bắt đầu có thu nhập tương đối. Tôi tin tương lai mình sẽ ổn định hơn nữa nếu lấy xong tấm bằng đại học”.

Đường đời vẫn dài, khó khăn vẫn chồng chất, nhưng việc học giúp nhiều VĐV tự tin hơn khi hướng đến tương lai.

Ánh Viên học ở Mỹ, trả bài ở VN

Ánh Viên (giữa) nộp bài kiểm tra môn địa lý cho cô giáo - Ảnh: T.P.
Ánh Viên (giữa) nộp bài kiểm tra môn địa lý cho cô giáo - Ảnh: T.P.

Trở về từ Singapore khi mà SEA Games 2015 còn chưa hạ màn, "cô gái vàng" của bơi lội VN Nguyễn Thị Ánh Viên chìm trong những vòng hoa chiến thắng và chuỗi sự kiện chúc tụng với thành tích quá rực rỡ. Nhưng đằng sau ánh hào quang đó, phóng viên Tuổi Trẻ đã tháp tùng Ánh Viên lặng lẽ đến trường tri ân thầy cô.

Ánh Viên đang theo học lớp 11 tại Trung tâm GDTX quận Thủ Đức. Ít ai biết ngoài chú sư tử Nila - linh vật SEA Games 28 - có được nhờ thành tích đoạt huy chương mang theo làm quà dành tặng ban giám hiệu, trên tay Ánh Viên còn mang theo xấp bài kiểm tra gửi cho thầy cô để hoàn thành chương trình học văn hóa.

Do Ánh Viên thường xuyên phải tập huấn tại Mỹ nên Trung tâm GDTX quận Thủ Đức đã đặc cách dạy từ xa cho cô. Theo đó, các thầy cô soạn giáo án rồi gửi sang Mỹ cho Ánh Viên học dưới sự kèm cặp của HLV Đặng Anh Tuấn. Khi về VN, Ánh Viên tiếp tục được thầy cô kèm riêng để hệ thống lại kiến thức và sau đó tổ chức thi kiểm tra.

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên