
Sao la, còn được gọi là "kỳ lân châu Á", đã lần đầu được giải mã bộ gene, mở ra hy vọng bảo tồn - Ảnh: William Robichaud
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là một loài thú móng guốc có họ hàng với bò và linh dương, từng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại vùng rừng núi dọc biên giới Việt - Lào.
Với hai chiếc sừng dài, thẳng, và khuôn mặt có các vệt trắng đặc trưng, loài thú này được coi là "kỳ lân châu Á". Chúng là loài vật bí ẩn và chưa từng được các nhà khoa học quan sát trực tiếp trong tự nhiên.
Bí ẩn về loài thú quý hiếm bậc nhất thế giới
Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), sao la được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp. Số lượng loài hiện tại ước tính chỉ còn vài chục đến vài trăm con. Lần cuối cùng có hình ảnh xác thực của sao la là từ camera bẫy năm 2013 tại Lào, khiến nhiều người lo ngại chúng có thể đã tuyệt chủng.
Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Cell, các nhà khoa học từ Đại học Copenhagene (Đan Mạch) cùng các cộng sự quốc tế đã tái tạo thành công bộ gene đầy đủ của loài sao la, sử dụng các mẫu da, lông và xương thu thập từ 26 con sao la.
Thông qua đó, nhóm nghiên cứu phát hiện sao la được chia thành hai quần thể di truyền rõ rệt: một ở phía bắc và một ở phía nam dãy Trường Sơn, có thể đã tách biệt từ 5.000 - 20.000 năm trước.
"Mỗi quần thể đã mất đi một phần khác nhau của mã di truyền. Nhưng nếu chúng ta kết hợp lại, chúng có thể bổ sung cho nhau, tăng cơ hội sống sót cho loài này", tiến sĩ geneís Garcia Erill, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Mặc dù đa dạng di truyền của loài này giảm đáng kể từ Kỷ Băng hà cuối cùng, chưa bao giờ vượt quá 5.000 con, thì việc tồn tại hai quần thể riêng biệt là cơ sở tốt để xây dựng một chương trình nhân giống hiệu quả.
Cơ hội nhân giống sao la trong điều kiện nuôi nhốt

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp sao la vào nhóm cực kỳ nguy cấp - Ảnh: IUCN
Hiện tại các chuyên gia bảo tồn đang xây dựng kế hoạch tìm kiếm và nhân giống sao la trong điều kiện nuôi nhốt. Mô phỏng di truyền cho thấy nếu tìm được ít nhất 12 con đại diện cho cả hai quần thể, việc xây dựng một quần thể mới có tính đa dạng di truyền cao là hoàn toàn khả thi.
"Chúng tôi tin rằng nếu tìm được đủ cá thể từ cả hai quần thể, loài sao la vẫn còn cơ hội tồn tại lâu dài", tiến sĩ Rasmus Heller, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất là việc tìm thấy sao la ngoài tự nhiên, điều chưa ai làm được kể từ năm 2013. Nỗ lực trước đây, bao gồm phân tích ADN môi trường (eDNA) từ nước suối và thậm chí từ… máu trong đỉa rừng, đều không đem lại kết quả.
Nhưng với bộ gene hoàn chỉnh hiện nay, các nhà khoa học có thể phát triển các công cụ phát hiện ADN chính xác hơn, mở ra hy vọng xác định vị trí loài vật bí ẩn này.
"Giờ đây chúng tôi có một bản đồ toàn bộ bộ gene của sao la, giúp phát triển các kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến hơn để truy tìm dấu vết di truyền trong môi trường", nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
Giải mã bộ gene là một bước tiến lớn, nhưng công cuộc bảo tồn loài "kỳ lân châu Á" vẫn còn gian nan. Tuy nhiên nghiên cứu này là minh chứng rõ ràng cho giá trị của khoa học trong việc cứu lấy các loài đang trên bờ vực tuyệt chủng, và một lần nữa đặt hy vọng vào khả năng kỳ diệu của thiên nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận