![Giấc mơ tiết lộ dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh Alzheimer - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/giac-mo-tiet-lo-dau-hieu-canh-bao-som-benh-alzheimer-17390713109361948522367.jpg)
Giấc ngủ REM có thể là chìa khóa để hiểu sự suy giảm nhận thức và phòng ngừa bệnh Alzheimer - Ảnh: FREEPIK
Những phát hiện khoa học mang tính đột phá đã tiết lộ mối liên hệ bất ngờ giữa thời điểm giấc mơ xảy ra và sức khỏe nhận thức. Nếu được xác nhận thêm, mối liên hệ này có thể thay đổi cách chúng ta hiểu về việc phòng ngừa bệnh Alzheimer, đồng thời cung cấp hệ thống cảnh báo sớm cho những người có nguy cơ mắc bệnh.
Khoa học về giấc ngủ và bệnh Alzheimer
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã nghiên cứu sự phức tạp của giấc ngủ, nhưng những khám phá về thời điểm chính xác của giấc mơ đã mở ra hướng đi mới trong nghiên cứu về sức khỏe nhận thức.
Giấc mơ là một phần thiết yếu của giấc ngủ, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM). Giai đoạn này thường bắt đầu khoảng 90 phút sau khi chìm vào giấc ngủ và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì não bộ cũng như củng cố trí nhớ.
Trong giấc ngủ REM, não xử lý và lưu trữ ký ức, khiến giai đoạn này trở thành then chốt đối với chức năng nhận thức.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng chất lượng và thời lượng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến sức khỏe não bộ, nhưng nghiên cứu gần đây đã đưa hiểu biết này tiến thêm một bước bằng cách tập trung vào thời điểm và tác động tiềm tàng của giấc mơ đối với các bệnh lý như Alzheimer.
Ở những người khỏe mạnh, quá trình chuyển qua các giai đoạn của giấc ngủ, bao gồm cả sự khởi đầu của giấc ngủ REM, diễn ra theo mô hình tương đối nhất quán và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, sự sai lệch trong thời điểm này có thể cung cấp thông tin về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến suy giảm nhận thức.
Các chiến lược tối ưu hóa giấc ngủ
Một nghiên cứu quan trọng được thực hiện tại Bắc Kinh đã tập trung vào sự khác biệt đáng kinh ngạc trong cách mỗi người trải qua giấc ngủ REM. Nghiên cứu này đã phát hiện ra sự chênh lệch rõ rệt về thời gian bước vào trạng thái mơ, có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe nhận thức.
Nghiên cứu chia những người tham gia thành hai nhóm dựa trên thời điểm họ bắt đầu giấc ngủ REM. Nhóm đầu tiên bước vào REM sớm hơn, khoảng 98 phút sau khi ngủ, trong khi nhóm thứ hai có giấc ngủ REM muộn hơn, chỉ bắt đầu giai đoạn này sau khoảng 193 phút.
Sự khác biệt về thời gian này dù có vẻ nhỏ, nhưng có thể có ý nghĩa lớn đối với chức năng não bộ và sức khỏe nhận thức.
Đáng lo ngại nhất là phát hiện rằng nhóm có giấc ngủ REM bị chậm có tỉ lệ cao hơn các dấu hiệu sinh học liên quan đến bệnh Alzheimer, cho thấy thời điểm của giấc mơ có thể là yếu tố dự báo về sự suy giảm nhận thức.
Khi các nghiên cứu về mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe nhận thức tiếp tục phát triển, các chuyên gia đang đưa ra lời khuyên thiết thực để duy trì giấc ngủ tối ưu nhằm bảo vệ sức khỏe não bộ.
Các chiến lược tối ưu hóa giấc ngủ là yếu tố quan trọng để hỗ trợ chức năng nhận thức và có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lý như Alzheimer.
Hãy duy trì lịch trình ngủ nhất quán, đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày để điều chỉnh đồng hồ sinh học, thúc đẩy chất lượng giấc ngủ tốt hơn, đồng thời xây dựng thói quen không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ.
Ngoài ra, cần tránh các yếu tố gây rối loạn giấc ngủ như rượu, caffeine và bữa ăn nặng - gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và thời điểm giấc ngủ REM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận