22/10/2003 23:51 GMT+7

Thời sự trên bàn quốc hội: Giá thuốc!

ĐÌNH LONG thực hiện
ĐÌNH LONG thực hiện

TT (TP.HCM) - Cử tri cả nước rất bức xúc chuyện giá thuốc tăng đột biến. Ngày 22-10, Tuổi Trẻ đã đem những bức xúc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Trần thị Trung Chiến và Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội bên hành lang hội trường Ba Đình.

7HWMeOAu.jpgPhóng to
Giá thuốc tăng cao làm khổ người tiêu dùng - Ảnh: T.T.D.
TT (TP.HCM) - Cử tri cả nước rất bức xúc chuyện giá thuốc tăng đột biến. Ngày 22-10, Tuổi Trẻ đã đem những bức xúc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Trần thị Trung Chiến và Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội bên hành lang hội trường Ba Đình.

Bộ trưởng Bộ y tế Trần Thị Trung Chiến:

Đương nhiên có phần trách nhiệm của chúng tôi!

* Thưa bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng gần đây giá thuốc tăng là do thông tư liên tịch 08 về quản lý giá thuốc và trước khi ban hành bộ đã không lường trước những phản ứng tiêu cực của nó?

LILLO0BJ.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ y tế Trần Thị Trung Chiến
- Chỉ đúng một phần thôi. Còn nguyên nhân chính khiến giá thuốc có nhiều biến động thời gian qua là ở chỗ từ hơn 10 năm nay giá thuốc không nằm trong danh mục quản lý nhà nước. Thứ hai là không có luật hay văn bản pháp qui nào hướng dẫn quản lý giá thuốc, ngay cả pháp lệnh về giá cũng chưa có nghị định hướng dẫn. Thứ ba là khâu tổ chức phân phối và lưu thông thuốc chưa hợp lý. Thứ tư là do đạo đức của y bác sĩ.

Chúng tôi đang tìm các giải pháp khắc phục. Thủ tướng Phan Văn Khải đã giao bộ lập một đề án trong đó giao cho một doanh nghiệp nhà nước cung ứng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc thiết yếu để không xảy ra biến động. Nhưng phải có thời gian chứ không làm ngay được.

Cái khó là riêng danh mục thuốc thiết yếu đã có 5.500 sản phẩm, nếu tính cả các loại thuốc thì trên 10.000 nên việc quản lý rất phức tạp. Chúng tôi đang xây dựng luật về dược và đề xuất cơ chế quản lý giá thuốc.

Vấn đề quản lý khám, chữa bệnh và giá thuốc chữa bệnh đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Bộ Y tế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan phân tích rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục một cách cơ bản. Sớm hoàn thiện chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý ngành dược, tăng nhanh năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh thuốc ngoại nhập, tổ chức mạng lưới kinh doanh phân phối thích hợp để bảo đảm thuốc cho nhu cầu chữa bệnh và chi phối được giá cả, nhất là những mặt hàng dược phẩm thiết yếu; phải xem thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt Nhà nước cần có cơ chế quản lý và kiểm soát giá, phải chủ động kiểm tra ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tăng giá thuốc.

(Trích báo cáo Chính phủ)

* Tại sao bộ không tham khảo cách thức mà nhiều nước đã áp dụng để kiểm soát giá thuốc, nhất là ở các nước láng giềng vì họ đã làm thành công?

- Tôi cũng mới về Bộ Y tế mà để giải quyết vấn đề này thì cần phải có thời gian. Vừa rồi chúng tôi đã trao đổi với Trung tâm Công nghệ thông tin để làm phần mềm cập nhật giá thuốc trên thị trường trong và ngoài nước. Từ đó biết được giá gốc và các chi phí khác để tính toán giá bán bao nhiêu là hợp lý, chứ không thể để tình trạng bất hợp lý kéo dài mãi được.

* Bộ trưởng có biết hiện tượng nhiều bác sĩ kê toa vì hoa hồng chứ không phải vì người bệnh, tình trạng móc ngoặc giữa bác sĩ với các hãng thuốc... đang diễn ra khá phổ biến tại các bệnh viện?

- Tôi biết có hiện tượng thầy thuốc và công ty móc ngoặc với nhau để hưởng hoa hồng hoặc để được đi nước ngoài. Muốn khắc phục việc này phải sắp xếp lại hệ thống chữa bệnh, tăng cường giáo dục y đức cho bác sĩ. Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận là hiện nay vẫn chưa làm được điều này.

* Thưa bộ trưởng, làm thế nào để hạn chế tiêu cực trong các bệnh viện về giá thuốc?

- Chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế quản lý, các biện pháp chế tài tại bệnh viện để người dân giám sát, giảm tiêu cực. Bởi về phía quản lý nhà nước, chúng tôi cũng cảm thấy rất nhức nhối, nếu để lâu sẽ thành thói quen. Nhưng không chỉ ngành y tế tiêu cực mà nhiều ngành khác cũng tiêu cực. Có điều trong ngành y tế nó bức xúc quá vì đụng chạm đến sức khỏe, sinh mạng người dân.

Muốn giải quyết được vấn đề này phải bắt đầu từ ý thức của mỗi y bác sĩ, nếu mỗi y bác sĩ không tự điều chỉnh thì dù có nhiều biện pháp chế tài đến mấy cũng khó hạn chế tiêu cực. Người dân cũng nên cùng tham gia với ngành y tế để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đừng nghĩ cứ thuốc ngoại đắt tiền là tốt.

* Thưa bộ trưởng, người dân rất muốn biết trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu trong việc để xảy ra biến động giá thuốc cũng như những tiêu cực trong ngành?

- Đương nhiên Bộ Y tế có một phần trách nhiệm vì từ trước đến giờ không quản lý tốt vấn đề giá thuốc, chưa quản lý một cách có hệ thống để chủ động xử lý khi có biến động về giá, tức là chưa chủ động được nên để xảy ra biến động.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Uy ban về các vấn đề xã hội:

Không thể để tăng bao nhiêu cũng được!

zR15UtjX.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu
Rõ ràng là trong cơ chế hiện nay không thể áp đặt doanh nghiệp phải bán theo giá này hay giá kia như thời bao cấp. Tuy nhiên, thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến số đông người dân, ảnh hưởng đến tính mạng người dân thì Nhà nước phải kiểm soát được giá chứ không thể để “muốn làm gì thì làm, tăng bao nhiêu cũng được”, tức không thể buông lỏng.

Thuốc là mặt hàng dễ bị lợi dụng để “nâng giá phi lý”, trục lợi do người bệnh không có quyền lựa chọn, “miễn chữa khỏi bệnh là được” cho nên Nhà nước phải ra tay giúp dân và giúp cả những doanh nghiệp, bác sĩ chân chính.

Việc niêm yết giá đơn giản là để người mua biết giá món thuốc đó bao nhiêu, nhưng vấn đề là ở chỗ nó được bán đúng giá trị thực của nó không, hay bán giá trên trời. Mà để không xảy ra điều đó, Nhà nước phải kiểm tra giám sát kỹ để xử lý kịp thời, không gây thiệt hại cho người dân.

Bây giờ Chính phủ đã thấy, Thủ tướng đã thấy, Bộ Y tế đã thấy. Vấn đề là các bộ ngồi lại với nhau để giải quyết ngay những bất hợp lý trên cho bà con nhờ. Bằng cách nào?

Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện để đầu tư sản xuất một số loại mình có thể làm, đồng thời có phương án dự trữ cụ thể những loại thuốc thiết yếu, phổ biến để khi xảy ra biến động có thể can thiệp kịp thời.

Mặt khác, phải phân định rõ trách nhiệm cho các bộ liên quan việc quản lý giá thuốc. Thêm nữa, bản thân mỗi y bác sĩ phải biết người thầy thuốc phải có đức, có tâm, kê đúng thuốc, biết đồng cảm với người bệnh, đặt mình vào vị trí người bệnh. Nếu họ không có đạo đức mà móc ngoặc để hưởng hoa hồng, đi du lịch nước ngoài thì người bệnh phải chịu thiệt thòi dài dài.

ĐÌNH LONG

Cơ quan quản lý nhập khẩu thuốc có vấn đề...

Trong phiên thảo luận tổ chiều 22-10, sau khi nêu thắc mắc “Vì sao càng bảo phải quản lý giá thuốc tây thì giá thuốc càng tăng?”, giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Đức Chính hỏi: địa chỉ nào chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Thiếu tướng Phạm Chuyên, giám đốc Công an TP Hà Nội, đề nghị phải phân tích rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đưa ra giải pháp cụ thể để tình trạng này không tái diễn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói đây là vấn đề hết sức bức xúc nhưng lại đang... lúng ta lúng túng! Như một cách đưa ra giải pháp, ông Thanh đặt vấn đề: tại sao không cho đấu thầu cạnh tranh công khai đối với thuốc nhập khẩu? Tại sao không mời các hãng dược phẩm nổi tiếng tham gia đấu thầu? Tại sao không cho nhập khẩu song trùng? Và ông Thanh gần như kết luận: như thế là do cách làm, cách quản lý của ta. Cơ quan quản lý nhập khẩu thuốc có vấn đề thì mới ưu ái cho anh này, anh kia. Ông Thanh cho rằng chống độc quyền là biện pháp hữu hiệu nhất và phải làm quyết liệt mới xử lý được việc tăng giá thuốc.

Trong khi đó, đề cập từ một khía cạnh khác, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: vì thuốc VN sản xuất được quá ít. Và các công ty phân phối thuốc của ta lại không chi phối được thị trường nên chúng ta lệ thuộc bên ngoài nhiều quá!

ĐÌNH LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên