12/09/2003 07:05 GMT+7

Hàng trăm thí sinh từ đậu thành rớt !

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT (TP.HCM) - Hai ngày qua, đường dây nóng, hộp thư tuyển sinh, phòng tiếp bạn đọc của Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, thư, email, đơn...bày tỏ những bức xúc của nhiều thí sinh(TS): khi đến làm thủ tục nhập học thì bị các trường đại học từ chối vì cho rằng không thuộc diện được hưởng ưu tiên theo khu vực. Nghĩa là từ trúng tuyển bỗng trở thành...không trúng tuyển, lý do: chỉ vì khu vực ưu tiên và không ưu tiên !

p5aVKv9B.jpgPhóng to

Thí sinh Nguyễn Hùynh Anh Thư cùng phụ huynh trình bày với phóng viên Tuổi Trẻ về việc không được trường ĐH Bách Khoa tiếp nhận.

101 tình huống...

Chị Diễm, nhân viên một văn phòng luật tại TP.HCM, đã đến Tuổi Trẻ với bộ hồ sơ nhập học trên tay. Đầy bức xúc, chị Diễm cho biết: “Thật bất ngờ khi em tôi đến ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) làm thủ tục nhập học theo giấy báo trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin thì được thông báo em tôi không trúng tuyển. Lý do là em tôi không thuộc diện được ưu tiên theo khu vực. Em tôi mấy ngày nay như người mất hồn, cả gia đình đều hoang mang và lo lắng không biết làm sao cả...”.

Hộ khẩu thường trú ở An Giang nhưng học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM. Khi khai trong hồ sơ đăng ký dự thi, em chị Diễm đã ghi đúng hộ khẩu thường trú và nghiễm nhiên thuộc đối tượng ưu tiên khu vực. Tất nhiên với sự ưu tiên này em chị Diễm đã trúng tuyển vào khoa công nghệ thông tin - một ngành học mà em chị luôn ước ao được theo học.

Nhưng đây chưa phải là trường hợp cá biệt. Trong hai ngày gần đây, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đã có hàng trăm trường hợp không được làm thủ tục nhập học cũng với lý do tương tự. Phần lớn các TS này có hộ khẩu thường trú tại Bến Tre, An Giang, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng... và đang theo học tại các trường THPT ở TP.HCM.

Như trường hợp TS Đ.A.K., cũng dự thi vào ĐH Bách khoa, trình bày: “Tôi đã tốt nghiệp THPT tại TP.HCM nhưng toàn bộ gia đình tôi đều có hộ khẩu thường trú tại KV1-MN suốt hơn 18 năm qua và chưa bao giờ thay đổi chỗ ở. Thế mà trường lại không cho tôi nhập học và giải thích rằng vì tôi không sinh sống ở đó nên không được hưởng ưu tiên”.

Hay một phụ huynh ở thôn 9, thị trấn Đức Tài, Đức Linh, Bình Thuận kể chuyện về con mình với đầy nỗi khổ tâm: “Từ nhà tôi đến trường cấp III rất xa, mười mấy cây số, đường sá đi lại khó khăn. Sẵn có người chú ở TP.HCM tạo điều kiện cho cháu theo học tại Trường THPT Nguyễn Khuyến. Cháu nhờ ưu tiên khu vực nên trúng tuyển vào ngành điện - điện tử ĐH Bách khoa. Hằng tuần cứ đến thứ bảy, chủ nhật cháu đều về nhà, bây giờ cháu không được xét nhập học quả là oan quá!”.

Một trường hợp khác khá hi hữu cũng ở Bình Thuận: TS này đã trúng tuyển vào ĐH Bách khoa nhưng không được nhập học vì nơi cấp bằng tốt nghiệp là TP.HCM. Khi đến phòng tiếp bạn đọc của Tuổi Trẻ, TS này cho biết: “Tôi tốt nghiệp cách đây hai năm và đã thi hỏng ĐH hai năm. Hai năm vừa qua tôi về quê học và lần này trúng tuyển. Nhưng cuối cùng lại không trúng tuyển vì tôi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM”.

Một TS khác có hộ khẩu thường trú tại xã Thanh An, huyện Bình Long (Bình Phước) trong email gửi về Tuổi Trẻ cũng bộc lộ hoàn cảnh khó xử của mình, vì cô đã “thông báo với bà con họ hàng, bạn bè là đã trúng tuyển, nhưng khi đến ĐH Kinh tế TP.HCM làm thủ tục nhập học thì được thông báo mình không trúng tuyển do không thuộc diện ưu tiên 5B”.

Khổ vì qui chế tuyển sinh mập mờ

Tại sao cho đến mùa tuyển sinh 2003 này mà vẫn còn những câu chuyện trớ trêu như kể trên? Nguyên nhân là những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh được qui định trong qui chế tuyển sinh còn nhiều thiếu sót, mơ hồ.

Cụ thể, trong phần ưu tiên theo đối tượng không qui định TS phải tốt nghiệp THPT ở đâu, phần khu vực ưu tiên thì ghi rất mơ hồ bằng cụm từ “sinh sống và có hộ khẩu thường trú...”; điều này chắc chắn sẽ gây nhầm lẫn cho phụ huynh, TS và chính quyền địa phương nơi TS có hộ khẩu thường trú.

Thực tế ngay khi đăng ký dự thi cũng rất ít phụ huynh và TS biết được qui định này. Bên cạnh đó là việc thiếu chủ động và linh hoạt của các trường trong việc phân loại hồ sơ. Trừ những trường hợp TS nộp hồ sơ vãng lai, tất cả hồ sơ nộp theo đường “trường THPT - sở GD-ĐT - trường ĐH, CĐ” đều có thể dễ dàng phân loại nếu đối chiếu phần khai về hộ khẩu thường trú, phần xác nhận của trường THPT và mã đăng ký dự thi...

Nếu căn cứ vào đó để xác định ưu tiên khu vực ngay từ đầu, có lẽ các trường sẽ hoàn toàn yên tâm và thí sinh cũng ít rơi vào tình huống dở khóc dở mếu như thế này!

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên