![]() |
"Nhà văn du hành" Marie-Florence Ehret |
* Thưa bà truyện viễn tưởng thường tìm về với thế giới thần bí, xa lạ, nhưng hầu hết các tiểu thuyết viễn tưởng của bà đều như những cuốn tự truyện?
- Trước tiên tôi muốn nói rằng, khi bắt đầu một trang viết dù nhà văn viết về một nông dân, một cậu học sinh, xưng tôi hay xưng tên nhân vật thì mỗi câu, mỗi chữ đã in dấu cuộc đời và tính cách của người cầm bút. Các nhân vật của tôi, dù là những người đi chơi, lang thang trên đất Paris, từ nhà ga này đến nhà ga khác, hoặc đi du lịch từ nước này sang nước khác... đều là cuộc hành trình tôi rong ruổi cùng số phận các nhân vật của mình. Vì thế, người ta gọi tôi là nhà văn du hành.
Tôi rất thích câu nói của một nhà thơ Hy Lạp cổ đại: "Con người không bắt buộc phải tồn tại, nhưng tồn tại thì phải như con thuyền luôn chuyển động trên mặt nước". Ý tưởng này ăn sâu vào tâm trí tôi và gần như trở thành quan niệm sống và lẽ sống. Với tôi, mỗi ngày được đi, được khám phá để mở ra những trang thú vị của cuốn sách cuộc sống thì không hạnh phúc nào bằng. Và VN, việc đến VN lần này là niềm hạnh phúc bất ngờ...
* Bà đến VN với mong muốn gì đặc biệt?
- Vâng, điều này cũng có căn nguyên của nó. Tôi lớn lên mà không hề biết mặt cha, không được biết cha mình là ai. Chính vì điều này mà tôi luôn ám ảnh về cội nguồn và chất chứa hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm ra. Có lẽ tôi viết truyện viễn tưởng cũng là hành trình đi tìm về nguồn cội của mình...
Nhưng có một người VN đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời tôi, ông như là người cha của tôi. Tôi còn nhớ lúc tôi 15 tuổi, ông đã che chở cho tôi và thường gọi tôi là "con gái yêu”. Lúc đó tôi chỉ nghĩ tiếng gọi thân mật này là của người lớn dành cho tất cả trẻ con, nhưng càng ngày tôi càng nhận thấy tình cảm mà ông dành cho tôi còn hơn của người cha với con đẻ. Sau này tôi coi ông như cha nuôi. Ông đã mất cách đây gần hai chục năm. Tôi luôn ước mơ được tìm về quê cha nuôi của mình. Và vì thế, chuyến đi này khiến tôi sung sướng như được trở về quê hương.
* Vậy lần này bà có định tìm tông tích người cha nuôi ấy?
- Vâng, tôi mong nhưng không biết có tìm được không. Vì đến nay tôi cũng chỉ biết ông tên là Nguyễn Thường (Thượng) Khoa, sinh ngày 1-12-1924. Nhưng điều này cũng không chắc lắm, vì như mẹ tôi kể thì cha nuôi của tôi đã phải khai giảm tuổi mới được du học theo quy định lúc đó. Tôi cũng biết rằng, họ Nguyễn ở VN thì có nhiều người lắm. Và tất cả về ông bây giờ đã thành quá khứ, nếu tôi có gặp thì chỉ là một hiện tại khác mà thôi.
Thật ra thì trước khi sang đây, tôi có tâm sự với mẹ về mong mỏi của mình, mẹ tôi cũng ngạc nhiên vì ngoài ông ra, chúng tôi có biết ai là người thân của ông nữa đâu mà tìm. Nhưng tôi quả quyết với mẹ, rằng tôi đã được gặp em trai của ông. Có lẽ kỷ niệm ấu thơ khắc sâu trong tim đã khiến tôi tưởng tượng như vậy.
* Đầy duyên nợ với VN như vậy, chắc hẳn bà dành sự quan tâm đặc biệt tới những tác phẩm văn học Việt Nam?
- Vâng, tôi đọc hầu hết các tác phẩm văn học đương đại của VN được dịch sang tiếng Pháp và một cuốn sách dạng khảo cứu là Ngàn năm văn hiến. Hầu hết các tác phẩm đó là về đề tài chiến tranh và hậu chiến nên tôi mới chỉ cảm nhận được phần nào một VN của thời chiến mà thôi. Tôi cũng hy vọng lần này sẽ được gặp những nhà văn có tác phẩm mà tôi đã đọc, như Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa... Một tuần ở VN, không biết tôi có may mắn thực hiện được ý định này không và tôi có tham lam quá không.
* Xin bà cho biết quan niệm về nghề văn?
- Tôi nghĩ, một đứa trẻ biết đọc biết viết là có thể viết văn được rồi. Nhưng trên thực tế, ngoài việc đi học ở trường để tiếp thu những kiến thức nền tảng, nhà văn phải thường xuyên và cần mẫn đọc sách. Chính quá trình đọc tác phẩm của người khác mà nảy ra những ý tưởng sáng tác của bản thân và lúc viết cũng là một quá trình học hỏi và tích lũy. Tôi nghĩ, nếu người ta không biết duy trì hồi ức và trí tưởng tượng thì không thể tác động tốt đẹp đến cuộc sống hiện thời và tạo nên ảnh hưởng tốt đẹp đến các thế hệ sau này.
* Trong hai buổi gặp gỡ với các bạn đọc VN, bà nhiều lần nhắc về bà ngoại, về mẹ và những kỷ niệm ấu thơ. Phải chăng, việc bà viết văn bắt nguồn từ những người thân, từ gia đình - nơi in dấu kỷ niệm tuổi thơ?
- Tôi nhớ, hồi bé, tôi hay quanh quẩn bên bà ngoại. Lúc đang bận bịu làm gì đó, bà thường xua tay: "Đi đi! Cháu ra ngoài kia xem bà có ở đó không". Vâng lời bà, tôi đã đi chỗ khác. Quả thực, càng đi xa, tôi càng thấy bà tôi, mẹ tôi, con trai tôi càng trở nên gần gũi. Và đến VN, gặp các bạn đây, tôi thấy như tất cả đều mang bóng dáng người cha nuôi của mình.
* Xin cảm ơn về cuộc trao đổi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận