07/05/2025 09:28 GMT+7

'Đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển'

Đây là một trong số các thông điệp từ bài diễn văn chào mừng khai mạc của Chủ tịch nước Lương Cường tại Đại lễ Vesak 2025 diễn ra vào sáng 6-5 tại TP.HCM.

Vesak - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Lương Cường và Đức pháp chủ Thích Trí Quảng trong lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2025 - Ảnh: BTC

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 càng có ý nghĩa khi tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.

Tại lễ khai mạc, thông điệp Phật đản Vesak từ Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng và từ Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres được gửi đến phật tử và người dân. Cùng với đó là thông điệp chúc mừng đến từ các nước Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào...

Giá trị cốt lõi của từ bi có ý thức là sự đoàn kết, khả năng nhận thức và đồng cảm với người khác. Đoàn kết phát sinh từ nhận thức về sự thống nhất cơ bản của tất cả mọi người, sự hiểu biết rằng tất cả con người đều mong muốn được an lành, hạnh phúc và an toàn.

Trưởng lão Hòa thượng Bodhi (chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Mỹ)

Phật giáo Việt Nam hộ quốc an dân

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch nước Lương Cường hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề đại lễ.

Ông nhận định đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.

Chủ tịch nước nói: "Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần "hộ quốc an dân", đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc.

Hàng vạn tăng ni, phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Chủ tịch nước bày tỏ: "Đức Phật dạy hòa bình thật sự đến từ nội tâm thanh tịnh, vì vậy chỉ có vun đắp hòa bình thông qua sự chuyển hóa niềm tin của từng cá nhân, từ đó dẫn đến chuyển hóa niềm tin của toàn xã hội".

Ông đề nghị cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng.

Vesak - Ảnh 2.

Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu đến chùa Thanh Tâm chiêm bái xá lợi Phật - Ảnh: BTC Vesak 2025

Người con Phật khắp thế giới đoàn kết, hòa ái

Trong thông điệp đại lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng tán thán diễm phúc được cung thỉnh, chiêm bái xá lợi Đức Phật - là kết tinh của tinh thần bi - trí - dũng, là hiện thân của hạnh nguyện vô ngã vị tha.

Đồng thời có đủ nhân duyên cung rước, đảnh lễ trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức - biểu tượng cho sự hy sinh cao cả vì hạnh phúc của dân tộc, vì trường tồn của Phật pháp.

Vesak - Ảnh 3.

Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng tuyên đọc thông điệp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 - Ảnh: GIÁC NGỘ ONLINE

Ông cũng cảm ơn những bài tham luận góp phần làm cho những lời dạy của Đức Phật trở nên trong sáng và hiện thực hơn trong thế giới đầy biến động và hận thù như ngày hôm nay.

Hòa thượng kêu gọi mỗi người con Phật luôn tinh tấn tu tập, thể nhập từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh vạn loại, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ, đoàn kết, hòa ái và tích cực cùng nhân loại kiến tạo thế giới thái bình, an lạc thực sự.

Tham dự Đại lễ Vesak, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka phát biểu tại lễ khai mạc khen ngợi Việt Nam là quốc gia dù hứng chịu nhiều bất công nặng nề của lịch sử nhưng đã tự mình mở ra con đường đi lên đầy dũng cảm.

Vesak - Ảnh 4.

Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 sáng 6-5 - Ảnh: BTC ĐẠI LỄ VESAK LHQ 2025

Ông Anura Kumara Dissanayaka chia sẻ: "Chúng tôi tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước các bạn đã đạt được. Tôi xin gọi đất nước của các bạn là vùng đất của sự kiên cường. Tôi cũng tự hào khi Việt Nam được chọn làm nước đăng cai Vesak năm nay.

Bình đẳng chiếm vị trí cao trong những lời dạy căn bản của Phật giáo. Dựa trên tinh thần đó, Việt Nam có thể được xem là nhân chứng sống về một quốc gia đã dũng cảm vươn lên nhờ tư tưởng bình đẳng".

Bộ trưởng Các vấn đề nghị viện và vấn đề thiểu số Ấn Độ Kiren Rijiju, thay mặt Thủ tướng Narendra Modi, đọc thông điệp chúc mừng và nhấn mạnh: "Tứ diệu đế và Bát chánh đạo do Đức Phật giảng dạy đã để lại dấu ấn trường tồn trong tư tưởng tâm linh không chỉ tại Ấn Độ mà còn lan tỏa khắp thế giới.

Những lời dạy vượt thời gian của Đức Phật mở ra những tuệ giác sâu sắc và các giải pháp cho nhiều thách thức cấp bách mà thế giới hiện nay đang đối mặt - từ chiến tranh, bạo lực, bất ổn xã hội cho đến biến đổi khí hậu. Con đường Đức Phật chỉ dạy chính là từ bi thay vì xung đột, hòa hợp thay vì chia rẽ, và sống chánh niệm bền vững thay vì tiêu dùng vô độ".

Những lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi, sự khoan dung và tinh thần phụng sự vô ngã có sự tương quan sâu sắc với những giá trị của Liên hợp quốc.

Trong thời đại mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng thì những nguyên tắc vượt thời gian ấy cần phải tiếp tục soi sáng con đường chung của nhân loại.

Khi chúng ta tôn vinh đại lễ thiêng liêng này, mong rằng tất cả mọi người sẽ được truyền cảm hứng để cùng nhau hàn gắn những chia rẽ, nuôi dưỡng tình đoàn kết và cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bền vững hơn và hòa hợp hơn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres

Khai đàn cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ

'Đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển' - Ảnh 2.

Lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ - Ảnh: GIÁC NGỘ ONLINE

Lễ khai đàn cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ diễn ra tại chùa Thanh Tâm (chùa Phật Cô Đơn) vào ngày 6-5. Trước đó, ban nghi lễ giáo hội đã thỉnh chư anh linh tại Đài tưởng niệm liệt sĩ năm Mậu Thân (xã Nhựt Tân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) về an vị tại đàn tràng.

Sau khi Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng thắp hương cầu nguyện là lễ cử hành nghi thức niệm đàn sái tịnh, thượng đại tràng phan.

Theo kế hoạch, ngày 6 và 7-5, ban tổ chức thực hiện cầu nguyện cho quốc thái dân an và cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và chiều.

Việc lập đàn cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do thể hiện tinh thần tri ân với truyền thống "hộ quốc an dân" của thế hệ hôm nay hướng đến thế hệ cha ông. Các khóa lễ trong đại trai đàn được tiến hành theo nghi thức Phật giáo ba miền Bắc - Trung - Nam.

Chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức

'Đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển' - Ảnh 2.

Nhiều tăng ni, phật tử không ngại thời tiết nắng nóng xếp hàng chờ chiêm bái - Ảnh: THANH HIỆP

Từ 14h ngày 6-5, lễ chiêm bái xá lợi Bồ tát Thích Quảng Đức bắt đầu diễn ra tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM). Lễ chiêm bái tại đây sẽ kéo dài đến ngày 10-5, buổi sáng từ 8h đến 11h và buổi chiều từ 13h30 đến 17h30.

Trong ngày đầu tiên, đông đảo người dân từ khắp nơi trên cả nước đã có mặt từ rất sớm để đón đợi khoảnh khắc quan trọng, thời tiết nắng nóng không ngăn cản được dòng người ngày một đông hơn. An ninh trong và ngoài chánh điện chiêm bái được thắt chặt.

Ban tổ chức lưu ý người dân đến chiêm bái không mang theo các vật dụng cá nhân, điện thoại di động, máy ảnh, máy quay phim, hung khí, chất gây cháy nổ, đồ ăn, thức uống, các vật dụng có thể làm mất trật tự hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn và trang nghiêm của đạo tràng.

Sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để bảo vệ chân lý Phật giáo, yêu cầu bình đẳng tôn giáo, tự do tín ngưỡng vào năm 1963 gây chấn động thế giới. Hòa thượng Thích Lệ Trang nhận định: "Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân ngày 11-6-1963 để lại xá lợi trái tim bất diệt, biểu tượng cho tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo và truyền thống dân tộc Việt Nam".

'Đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển' - Ảnh 4.Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình tại Vesak 2025

35.000 hoa đăng thắp sáng trong lễ hội hoa đăng cầu nguyện hòa bình diễn ra tại công viên Láng Le (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên