17/11/2003 11:10 GMT+7

Đừng "giú ép" đô thị!

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TT - Hiện nay, một số địa phương đang đẩy nhanh tốc độ đô thị (ĐT) hóa; một số nơi đang nâng cấp ĐT (từ loại IV lên loại III; từ loại III lên loại II...). Ta biết ĐT hóa là thuộc tính tự nhiên của tiến trình phát triển; là kết quả tất yếu của việc phá vỡ chuỗi mâu thuẫn của sự ăn, mặc, ở...

Và phân loại ĐT là nhằm đánh giá, sắp xếp và định hướng phát triển hệ thống ĐT... dựa trên chức năng, qui mô dân số ĐT, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng...

Ở góc độ nào đó, việc phân loại ĐT vẫn còn dựa trên “bề nổi”, thiên về “lượng” hơn về “chất”. Để nâng cấp ĐT, theo qui định, chúng ta phải đạt những chỉ tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu về số dân.

Lâu nay, chúng ta có khi làm những việc mâu thuẫn. Chúng ta điều tiết giảm hiện tượng tăng dân số tự nhiên; nhưng để phấn đấu, đẩy nhanh tới mục đích đạt loại ĐT nào đó ta phải tìm ra được “nguồn” dân.

Vậy thì, do đã hạn chế tăng tự nhiên nên nhất thiết phải tạo lực hút nhằm tăng cơ học. Từ đó hình thành những luồng di dân nhập cư từ những nơi khác đến trong khi qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ta luôn cổ xúy cho giải pháp “bình dân”, tránh sự phân cực giữa các vùng miền khác nhau, hạn chế tối đa sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Ta chú trọng giải pháp phân bố (ĐT) đồng đều, tránh phân cực, tránh “chảy máu lao động” ở nông thôn. Chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo, tạo công ăn việc làm (như các khu công nghiệp tập trung vẫn thường thấy) cho bộ phận dân cư này.

Và dường như do đã có lực hút nên luồng di dân nhập cư này vẫn ồ ạt “chảy” đến một lúc nào đó không kiểm soát nổi! Khi đó, chúng ta lại đứng trước muôn vàn rối rắm; khi đó những giải pháp tình thế, chữa cháy như ở các khu ĐT hiện nay là điều dễ hiểu và khó tránh khỏi. Chúng ta loay hoay với việc “giãn dân” (hay “di dân ngược”), giảm áp lực bằng những ĐT vệ tinh mà ta xem đó là hệ quả tất yếu của sự phát triển ĐT(!?)...

Điều cần nói nữa là việc phân loại ĐT phải chú trọng về “chất” hơn. Đó là chất lượng giáo dục ĐT; mặt bằng dân trí ĐT; tỉ lệ dân số có trình độ đại học, phổ thông các cấp; tỉ lệ cán bộ có học hàm, học vị trong bộ máy quản lý nhà nước... Vì nếu không quan tâm đến yếu tố quan trọng này, giả như đạt được ĐT loại nào đó thì ai sẽ là những người tiếp tục “nuôi sống” ĐT đó?

Nếu không chú trọng đến “chất” trước khi mà “lượng” chưa đủ thì kể ra việc phấn đấu ấy lại sẽ là căn bệnh hình thức và bệnh thành tích mà thôi! Và khi đó những hệ lụy rối rắm tất yếu sẽ diễn ra!

Xin đừng “giú ép” ĐT!

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên