Một số du học sinh VN từ Philippines về được cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên tỉnh Hậu Giang ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN
* Du học sinh Việt Nam từ nước ngoài có nguyện vọng về nước học tiếp có thể được tiếp nhận ra sao? Con tôi từ nước ngoài về có thể học tiếp các chương trình liên kết nước ngoài tại các trường ĐH ở Hà Nội có được không? (Nguyễn Ngọc Liên, Ba Đình, Hà Nội)
- Ngày 16-7, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố các yêu cầu tiếp nhận du học sinh Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế có nhu cầu chuyển trường ĐH ở nước ngoài về học tại Việt Nam. Theo đó, trường sẽ căn cứ vào chương trình học tập và kết quả học tập của sinh viên ở nước ngoài để xem xét miễn và công nhận tín chỉ cho sinh viên theo quy chế đào tạo.
Các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có thể đăng ký học tập một số học phần theo nguyện vọng. Khi kết thúc học phần, sinh viên sẽ được nhà trường cấp chứng nhận hoàn thành học phần kèm theo kết quả học tập (course certificate).
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Trường sẽ tiếp nhận những sinh viên đã học một kỳ ở nước ngoài và sinh viên quốc tế có nguyện vọng tới Việt Nam học. Các em có thể ghi danh theo danh mục chương trình quốc tế. Chúng tôi sẽ kiểm tra tài khoản học tập, nếu còn có hiệu lực (active) thì mới nhận.
Còn những em đã bỏ học thì không thể nhận. Trường chỉ nhận những em đang học ở các trường có thứ hạng tương đương (hoặc cao hơn) thứ hạng của trường trong bảng xếp hạng ĐH của một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín".
Trường ĐH Bách khoa đã có phương án đón nhận những du học sinh Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu quá trình tuyển sinh hoặc nhập học tại một trường ĐH ở nước ngoài. Với đối tượng này, trường yêu cầu cần có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-level hoặc chứng chỉ tiếng Anh IELTS.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đang tìm cách "gỡ" đối với những du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học phổ thông, đã tốt nghiệp nhưng chưa được tuyển sinh đầu vào ở bất kỳ trường ĐH nào, nay muốn được về nước học ĐH.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Học sinh đã tốt nghiệp phổ thông tại Mỹ, Anh có thể nộp hồ sơ vào ĐH Quốc gia Hà Nội dưới diện xét tuyển học bạ. Nhưng với học sinh quốc tịch Việt Nam tốt nghiệp phổ thông ở nước ngoài nhưng chưa tham gia tuyển sinh đầu vào ở một trường ĐH nào tại nước ngoài thì chúng tôi đang chưa biết giải quyết thế nào.
Chúng tôi đang nghiên cứu trường hợp này. Nếu học sinh này đã được một trường ĐH nào ở nước ngoài nhận rồi thì có thể về đây dưới diện sinh viên trao đổi".
Lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết các trường tiếp nhận du học sinh Việt Nam về nước căn cứ theo thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.
Điều 10, khoản 3 thông tư này có quy định lưu học sinh chưa tốt nghiệp về nước, nếu có nguyện vọng được học tiếp trong nước và có đủ hồ sơ theo quy định được đăng ký học tiếp tại cơ sở giáo dục trong nước (hồ sơ theo quy định chi tiết tại điều này).
Thủ trưởng cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải quyết thủ tục tiếp nhận lưu học sinh về học tiếp tại cơ sở giáo dục của mình. Thời hạn giải quyết thủ tục tiếp nhận tối đa là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cơ sở giáo dục không tiếp nhận lưu học sinh về học tiếp trong nước thì phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường rà soát, mở rộng các đối tác phát triển chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các hình thức hợp tác giáo dục khác.
Các trường ĐH căn cứ vào quy định tuyển sinh hiện hành, căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập người học đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần.
Mạo danh hãng hàng không mời mua vé máy bay về nước
* Con tôi du học ở Mỹ, muốn về Việt Nam nhưng chưa biết bao giờ mới mua được vé. Người thân của tôi bên Mỹ nghe nói có người chào mời, hứa hẹn lo thủ tục, sẽ được mua vé nhanh hơn. Cần làm thế nào để được về nước sớm nhất? (Trần Bích Hạnh, TP.HCM)
- Ngày 16-7, Vietnam Airlines (VNA) đã lên tiếng cảnh báo người dân về việc một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch COVID-19, giả mạo là đại diện của hãng này để mời người dân mua vé máy bay về nước tránh dịch.
Cũng theo VNA, thời gian qua các đối tượng mạo danh đã gửi các lời mời mua vé bay về VN qua email hoặc tin nhắn với thông tin rất chi tiết để tạo sự tin cậy cho người nhận, có cả số hiệu chuyến bay, hành trình, mức giá, các bước chuyển khoản, xác nhận..., đồng thời yêu cầu chuyển tiền nhanh.
VNA lưu ý người dân không mua vé máy bay về nước từ những đối tượng không rõ danh tính, không chuyển tiền cho các tài khoản đứng tên cá nhân...
Theo VNA, khi có nhu cầu về VN, công dân cần đăng ký với đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện VN ở nước sở tại để tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng quyết định. Công dân trong danh sách về nước sẽ nhận được thông báo từ nguồn duy nhất là Đại sứ quán VN hoặc cơ quan đại diện VN ở nước sở tại.
Các cơ quan này nhận thông tin về chuyến bay, giá vé, cách thức thanh toán… từ VNA để thông báo cho công dân bằng email chính thức. Các thông tin nếu do VNA trực tiếp gửi sẽ sử dụng địa chỉ email có đuôi @vietnamairlines.com.
C.TRUNG
Tuổi Trẻ sẽ tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của bạn đọc xung quanh những thông tin du học sinh Việt Nam về nước mùa COVID-19. Mọi thắc mắc quý bạn đọc vui lòng gửi đến email [email protected] hoặc gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ 0918 033. Trân trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận