![Dự báo bất ngờ của chuyên gia về cổ phiếu ngành thép trước tin áp thuế từ ông Trump - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/hpg-1739272490144768881383.jpg)
Việc doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao trước diễn biến mới về thuế từ Mỹ cần thời gian dài hơn để đánh giá - Ảnh: HPG
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký các tuyên bố để tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ cho tất cả các quốc gia.
Tại báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng bao gồm các miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Anh.
Theo đó, thuế mới có hiệu lực từ ngày 4-3-2025 duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ.
Chuyên gia SSI nhận định đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc tăng thuế này.
Thậm chí, hành động thuế mới có thể có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác, SSI Research đánh giá lạc quan.
Phản ứng của thị trường trong phiên 11-2 cũng có phần bình tĩnh hơn với nhóm cổ phiếu ngành thép. Không còn hiện tượng bán tháo, điều chỉnh mạnh như hôm 10-2. Một số mã như HPG của Hòa Phát hay NKG của Thép Nam Kim đã xanh trở lại.
Tuy nhiên, chuyên gia SSI chỉ ra điểm lo ngại hơn là tác động từ số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá). Trong đó thuế AD vẫn đang trong quá trình điều tra. Kết quả sơ bộ AD dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một công ty thép cũng tỏ ra thận trọng trong việc đánh giá tác động của việc áp thuế từ Mỹ. Có nhiều yếu tố bất định và những tác động sẽ là câu chuyện lâu dài, cần được quan sát thêm, theo vị này.
Còn thống kê từ Trung tâm phân tích chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hoạt động xuất khẩu tôn mạ tới thị trường Mỹ - Mexico đóng góp lần lượt 18,6%, 26,2%, 31,9% doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA) trong năm 2024.
Doanh nghiệp thép Việt cần làm gì?
Chuyên gia KBSV cho rằng các doanh nghiệp sản xuất cần gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa để duy trì tăng trưởng doanh thu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuế quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận