
Các bô lão làng An Nha đặt đá, động thổ xây dựng đền thờ chúa Nguyễn Hoàng - Ảnh: HOÀNG TÁO
Sáng 16-4, UBND xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) long trọng tổ chức lễ động thổ, đặt viên đá đầu tiên xây dựng đền thờ chúa tiên Nguyễn Hoàng tại thôn An Nha. Sự kiện này thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người dân Gio An đối với vị chúa có công mở mang bờ cõi.
Niềm phấn khởi khi dựng lại đền thờ chúa
Buổi lễ diễn ra trong sự đồng lòng và niềm phấn khởi của đông đảo nhân dân, bô lão.
Theo UBND xã Gio An, ngôi đền thờ được xây dựng quay về phía bắc, kinh phí khoảng 2 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đền thờ có thiết kế cổ kính, 3 gian 2 chái theo truyền thống.
Sau khi hoàn thành, địa phương tiếp tục kêu gọi ủng hộ để đúc tượng đồng chúa Nguyễn, tạo nên không gian thờ tự trang nghiêm và linh thiêng.
Xây đền thờ chúa Nguyễn Hoàng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2025
Ông Nguyễn Trường Cẩm, 76 tuổi, nguyên là hội chủ làng An Nha, người đã dành nhiều tâm huyết cho việc khôi phục di tích, chia sẻ: "Nhiều năm qua, tôi luôn trăn trở xây dựng lại một nơi thờ tự xứng đáng cho chúa tiên. Hôm nay chứng kiến lễ động thổ, bà con rất phấn khởi vì ước mơ bao lâu nay thành hiện thực".

Phác thảo đền thờ chúa Nguyễn - Ảnh: HOÀNG TÁO
Ông Nguyễn Văn Song - chủ tịch UBND xã Gio An - thông tin ý tưởng xây dựng lại đền thờ chúa Nguyễn Hoàng đã được ấp ủ từ lâu, nhưng phải đến năm 2023, dự án mới thực sự được triển khai qua nhiều giai đoạn chuẩn bị và kết nối.
Đền thờ dự kiến hoàn thành vào tháng 8 năm nay, trùng với dịp sinh nhật của chúa Nguyễn Hoàng, để người dân và du khách có thể đến chiêm bái, tưởng nhớ vị chúa có công lao to lớn trong lịch sử dân tộc.
Việc xây dựng đền thờ không chỉ là công trình vật chất mà còn là hành động mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng.
Đây là đền thờ chúa Nguyễn đầu tiên ở vùng đất Quảng Trị - nơi chúa vào mở cõi.

Nền móng của miếu thờ chúa Nguyễn Hoàng 400 năm trước, với các đế trụ đá còn sót lại - Ảnh: HOÀNG TÁO
Dấu tích miếu thờ chúa 400 năm trước
Ngay phía trước địa điểm xây dựng đền thờ mới là dấu tích của một miếu thờ chúa Nguyễn Hoàng được dựng lên 400 năm trước.
Theo ghi nhận, di tích gốc hiện vẫn còn nền đá, các đế trụ đá, tường đá bao quanh và những cây dứa cổ kính.
Phía trước nền ngôi miếu cổ có một cồn đất tự nhiên, được xem như một bình phong che chắn.
Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 1572, sau khi đánh thắng quân Mạc xâm lược, chúa Nguyễn Hoàng đã cho những binh lính nhà Mạc đầu hàng ở lại vùng đất Cồn Tiên, đặt làm 36 phường thuộc tổng Bái Ân.
Tổng Bái Ân xưa kia chính là vùng đất Gio An ngày nay.
Để ghi nhớ công ơn của chúa Nguyễn Hoàng, thế hệ con cháu của những người lính Mạc được tha mạng và định cư tại đây đã dựng miếu thờ chúa Nguyễn Hoàng ở An Định Nha (nay là thôn An Nha).

Hàng duối cổ bao quanh nền ngôi miếu thờ ngày xưa - Ảnh: HOÀNG TÁO
Các tài liệu lịch sử không ghi chép cụ thể về năm chính xác miếu thờ Nguyễn Hoàng được dựng, tuy nhiên có thông tin miếu được xây dựng sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613.
Năm 1823, vua Minh Mạng cho rằng việc người dân tự ý dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng là "nhảm nhí" và đã sai đổi miếu thờ thành chùa, đặt tên là chùa Long Phước. Qua dâu bể thời gian, chùa Long Phước nay chỉ còn dấu tích là nền đá.
Chùa Long Phước được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1996. Hằng năm tại đình làng An Nha diễn ra lễ thượng nêu từ ngày 23 - 25 tháng chạp âm lịch. Cây nêu được rước từ miếu thờ chúa đến đình làng thể hiện sự kết nối giữa miếu thờ và cộng đồng làng xã.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận