Những biện pháp đối phó và phản ứng khi bị trộm cướp |
Đó là một trong những kết quả của cuộc khảo sát nhỏ mà Tuổi Trẻ vừa thực hiện về tình hình và cách ứng phó với trộm, cướp trên địa bàn TP.HCM. Có 20 người dân mà bản thân họ hoặc người thân từng bị trộm, cướp trong vòng một năm gần đây tham gia cuộc khảo sát này.
Sểnh ra là mất
“Tôi dừng xe trước một cửa hàng gần chợ hỏi giá. Chủ cửa hàng nói cứ dựng xe đó không sao. Vậy mà vừa quay vào quay ra, chiếc xe đã biến mất”. Khi kể lại vụ việc này, chị N.T.T. (32 tuổi, ngụ Q.5) vẫn còn chưa hết bức xúc.
Tương tự, bà Trần Đặng Thu Sương ở hẻm 172 Lạc Long Quân (Q.11) cũng chưa hết sợ hãi vì vụ cướp táo tợn ngay trước cửa nhà mình.
Hôm đó, con trai bà dựng xe trước nhà để vào lấy đồ, nói mẹ ngồi trước cửa canh xe giùm. Có một thanh niên chừng 20 tuổi xông đến gí dao vào cổ bà bắt đưa chìa khóa xe, rồi lấy xe chạy đi mất dạng.
“Tôi gào lên nhưng buổi tối, phố vắng người, nhà lại đầu hẻm nên kêu lên cũng không ích gì” - bà Sương ấm ức kể.
Khi được hỏi có đề phòng trộm cướp không, các nạn nhân đều khẳng định mình luôn đề phòng khi ra đường và ngay cả khi ở nhà.
“Nhưng biết phải đề phòng kiểu gì khi mà sau một đêm tỉnh dậy thấy đồ đạc trong nhà mất sạch. Bọn trộm đã xịt thuốc mê qua ô cửa chớp nhà vệ sinh rồi thản nhiên cưa cửa sổ vào nhà” - Võ Thanh Đạt ở Q.8 kể.
Cô gái 21 tuổi Lâm Thủy Tiên cho biết khi vừa bước xuống taxi đã bị hai tên cướp lao vào giật đồ. Anh Quang (19 tuổi) đang dừng đèn đỏ thì có hai thanh niên ngã vào xe, một người nói chuyện xin lỗi, người còn lại thò tay đẩy chiếc điện thoại ở túi quần jean của anh rồi rồ ga bỏ chạy.
Về những phản ứng khi bị trộm cướp - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Các biện pháp ứng phó...
Trong số 20 trường hợp từng bị trộm cướp, chỉ có 3 người báo công an, 3 người tri hô, 3 người đuổi theo giằng co, chống cự với kẻ cướp. Còn lại 11 người bất lực “đứng như trời trồng”, không dám và không biết phải làm gì trong tình huống ấy.
Một trường hợp điển hình không dám chống cự là sinh viên Nguyễn Hiếu (sống tại làng đại học Thủ Đức). Hiếu đi dạy thêm về khuya, bị một nhóm người khống chế giữa đường vắng lấy mất laptop. “Lúc ấy kêu lên cũng không ai nghe thấy, mà kêu chắc là chúng nó giết” - Hiếu kể.
Sau khi bị trộm cướp, nhiều người đã chọn cách ứng phó khác nhau, đôi lúc chứa đựng đầy sự... ám ảnh. Như sinh viên Hữu Danh sau hai lần bị cướp balô và trộm cạy cửa nhà lấy laptop, đi đâu Danh cũng mang theo laptop bên người dù rất nặng.
Chị Cẩm Tiên luôn “ngụy trang” tài sản có giá trị bằng cách bỏ vô bịch nilông nhếch nhác rồi hiên ngang đi ra đường. Có nhà lắp thêm camera sau khi bị trộm, có người đầu tư thêm ổ khóa, hàn thêm khung sắt quanh nhà để bọn trộm “thấy ớn” mà tránh ra, có người nuôi thêm chó... Một chủ dãy trọ còn phải chọn biện pháp tăng cường nhân viên bảo vệ trông coi khu nhà mình.
Những cách đối phó đa dạng nhưng tâm lý “một mất mười ngờ” lại khá giống nhau. Chị N.T.T. trong câu chuyện bị mất xe ở Q.5 vẫn cứ hoài thắc mắc: “Khu vực đó rất đông người qua lại. Khi phát hiện mất xe, tôi có hỏi những người đang làm việc ngay đó thì họ nói không để ý. Chìa khóa tôi đã cầm trên tay rồi, muốn cạy khóa cũng mất thời gian chứ đâu phải lâu lắc gì, sao nhiều người đứng quanh mà không ai nghi ngờ gì cả?”.
Chị Phương Thảo bị móc túi ở một bệnh viện, mấy ngày sau có một cửa hàng thời trang gọi điện tới nói có người quăng cái ví vào cửa hàng nên tìm cách gửi lại. Nhận lại chiếc ví bên trong đã không còn một đồng tiền, chị Thảo càng thêm băn khoăn...
Rõ ràng trộm cướp không chỉ lấy tài sản mà còn lấy đi cả niềm tin của con người về những điều tốt đẹp, gieo rắc nỗi sợ hãi ám ảnh và bất an trong xã hội.
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi gặp một người khẳng định trong nhiều năm qua, nhà mình và khu vực mình ở chưa từng xảy ra trộm cắp. Đó là bà Lương Minh Nguyệt ở P.Cô Giang, Q.1. Bà Nguyệt cho biết “bí quyết” là phải đoàn kết.
“Trong các buổi sinh hoạt tổ dân phố, an ninh trật tự là vấn đề được nhắc nhở thường xuyên. Ngày thường tổ trưởng hoặc những người có nhiều thời gian rảnh sẽ đi lòng vòng, thấy người lạ vô hẻm là để ý ngay hoặc thấy nhà nào cửa nẻo sơ sài là nhắc nhở liền” - bà Nguyệt nói.
Ông Nguyễn Khắc Khen (P.5, TP Đà Lạt): Lập đội tự quản Chúng tôi mất trộm hoa thường xuyên. Có lần tôi vừa đóng xong thùng hoa định chuyển xuống xe đưa về Sài Gòn, mới quay vào nhà lấy điện thoại thì bên ngoài tụi nó đã ôm thùng hoa chạy mất. Trong vườn, trước đây chúng tôi có nuôi chó canh giữ nhưng chúng nó vào bắt chó rồi cắt hoa mang đi nên chúng tôi không nuôi nữa. Lâu nay, chúng tôi thành lập đội tự quản của làng hoa. Cứ ba người mỗi đêm đi tuần quanh các vườn hoa cảnh giác vòng ngoài, nếu phát hiện vườn nào có trộm thì báo động những người bên trong biết. Ông Nguyễn Văn Đại (xã Ea B’Hốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) Canh vườn cho nhau Mấy năm về trước, khu vực nhà tôi sống thường xuyên xảy ra tình trạng mất trộm lặt vặt từ con gà, con chó, cả cái thang trèo hái tiêu cũng mất. Thế nhưng mấy năm gần đây gần như trộm không dám đến thôn giở trò hay xuất hiện các hành vi chặt tiêu, phá hoại lẫn nhau. Mọi người trong thôn xóm chia sẻ, tôn trọng, bảo vệ cho nhau, người này canh vườn cho người kia, hình thành một thói quen bảo vệ lẫn nhau nên bọn trộm cũng biết được việc này mà sợ. Khi người này coi vườn người khác là tài sản của mình, ra sức bảo vệ thì đố trộm dám vào. (Trung Tân) Ông Lương Hùng Lịnh (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc): Công an nên quyết liệt hơn Tôi ở Phú Quốc từ lâu nhưng gần đây mới xảy ra tình trạng trộm cắp, đặc biệt nạn trộm chó. Gần nhà tôi nhiều gia đình nuôi chó đã bị trộm mất, ngay chó nhà tôi cũng từng bị trộm ra tay. Hôm đó tôi về kịp khi chúng mới vừa đánh thuốc, chưa kịp bắt. Tôi gọi báo vụ việc với công an thị trấn Dương Đông, cung cấp cả bảng số xe do tên trộm điều khiển cho công an. Tôi nghĩ công an nên quyết liệt hơn để dẹp nạn trộm cắp, đặc biệt là trộm chó Phú Quốc, đang gây bức xúc cho người dân ở đây. |
Từ số báo hôm nay, trang Góc nhìn bạn đọc sẽ có mục mới “Dân nghĩ - dân làm” chuyển tải những cuộc khảo sát nhỏ của Tuổi Trẻ về những vấn đề thời sự đang được nhiều người dân quan tâm. Chúng tôi mong muốn nhận đặt hàng từ bạn đọc các đề tài cho mục này. Vui lòng gởi đề xuất của bạn đến email [email protected] hoặc điện thoại đến đường dây nóng theo số 0918033. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận