01/10/2003 09:42 GMT+7

Siết chặt quản lý để có giá thuốc hợp lý

DS PHẠM CÔNG HIỆU
DS PHẠM CÔNG HIỆU

TT - Giá thuốc cao, quá cao so với thu nhập chung của dân là do nhiều nguyên nhân, trong đó việc thả nổi quản lý của nhiều cơ quan nhà nước là nguyên nhân quan trọng nhất. Siết chặt quản lý ở tất cả các khâu liên quan là biện pháp cần làm trong lúc này để đạt được mục tiêu: cung cấp thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý cho nhân dân.

yA3IJtfL.jpgPhóng to
Giá thuốc cao người dân khổ
TT - Giá thuốc cao, quá cao so với thu nhập chung của dân là do nhiều nguyên nhân, trong đó việc thả nổi quản lý của nhiều cơ quan nhà nước là nguyên nhân quan trọng nhất. Siết chặt quản lý ở tất cả các khâu liên quan là biện pháp cần làm trong lúc này để đạt được mục tiêu: cung cấp thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý cho nhân dân.

Quản lý nhập khẩu thuốc

Chúng ta đang trong quá trình hội nhập, mở cửa nhưng không có nghĩa là dễ dãi, buông lỏng, mở cửa cho bất cứ hàng hóa nào vào VN. Tại sao chúng ta không mở cửa một cách chọn lọc, chỉ cho vào VN những công ty có uy tín và có những cam kết lâu dài với thị trường này?

Bộ Y tế đã có những biện pháp tưởng chừng như rất chặt chẽ để kiểm soát, nhưng những công ty này vẫn qua mặt một cách dễ dàng. Hồ sơ đăng ký thuốc được xào nấu, tạo lập ngay tại VN để nộp cho Bộ Y tế.

Tại sao lệ phí đăng ký thuốc là 200 USD mà không là 2.000 hay 20.000 USD để loại bớt những công ty không năng lực và cơ hội?

Tại sao không buộc những công ty nước ngoài bán thuốc tại VN phải ký quĩ kinh doanh cho từng sản phẩm của họ để ta có thể xử phạt tài chính chứ không chỉ là các biện pháp hành chính? Xử phạt hành chính không làm cho họ e ngại vì thu hồi thuốc thường là trễ nải, rút giấy phép sản phẩm này họ đăng ký sản phẩm khác, rút giấy phép công ty thì họ thành lập công ty khác!

Quản lý giá

Các “đại gia” nhập thuốc giá cao thì bán giá cao một cách hợp pháp, không phải đóng thuế gì nhiều cho Nhà nước vì họ kinh doanh thường là từ “lỗ” đến “lãi chút chút”. Việc “lại quả” sau thanh toán bằng nhiều hình thức: hàng free, hàng mẫu, quà biếu và kể cả tiền mặt hoàn toàn không kiểm soát được.

Số tiền “lại quả” này dành cho việc tiếp thị, mua chuộc cán bộ y tế nhà nước, còn lại các đại gia đút túi mà khỏi phải đóng thuế! Vậy kiểm soát giá thuốc bằng cách nào?

* Ngoại trừ một số ít các thuốc chuyên khoa sâu, đại bộ phận các thuốc thiết yếu và thông thường hiện nay chúng ta có thể xác định cho chúng một mức giá tạm gọi là giá trần. Giá trần là giá cao nhất mà ta chấp nhận trên thị trường VN, trong đó có tính toán để đảm bảo lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhà phân phối, đảm bảo một tỉ lệ tương thích cho chi phí tiếp thị hợp lý trên cơ sở mặt bằng thu nhập chung của dân VN.

Qui định giá trần cho một nhóm sản phẩm sẽ triệt tiêu được việc trốn thuế (nâng giá quá cao mà không phải đóng thuế), triệt tiêu phương tiện để mua chuộc bác sĩ ghi toa, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.

* Xác định khung thặng số cho các khâu bán buôn, bán lẻ, trong đó bao hàm các chi phí vận chuyển, quản lý để cuối cùng ta có được một giá thuốc thống nhất trên cả nước.

* Xác định giá sàn cho mỗi nhóm thuốc. Giá sàn là giá thấp nhất một cách hợp lý nhằm tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà sản xuất, bảo vệ nền sản xuất non trẻ của ta.

Quản lý tốt việc tổ chức đấu thầu, cung cấp thuốc cho bệnh viện

Hiện nay một số lớn bệnh viện chưa tổ chức tốt các đợt đấu thầu cung cấp thuốc. Mỗi nơi làm một kiểu, đa số xem đây là cơ hội để “nọc” các công ty dược. Một vài nơi làm tốt và nhờ đó bệnh viện đã tìm được nguồn cung cấp thấp nhất cho bệnh nhân. Xin phép được nêu cách làm của bệnh viện đa khoa thuộc một tỉnh. Ở đây việc đấu thầu được tiến hành qua các bước sau:

* Xác định danh mục thuốc cần gọi thầu.

* Xác định giá trần cho các thuốc đã chọn. Giá này được giữ bí mật, được xây dựng qua khảo sát giá trên thị trường và khả năng chi trả của bệnh viện.

* Mở thầu công khai với sự tham gia của các công ty dược. Nếu giá bỏ thầu thấp hơn giá trần thì xem như công ty dược đó thắng thầu.

Nếu giá bỏ thầu cao hơn giá trần thì công ty được quyền chào giá lại lần hai, lần ba. Sau ba lần chào giá nếu giá bỏ thầu vẫn cao hơn giá trần thì giá trần được công bố. Nếu công ty chấp nhận giá trần thì họ được quyền cung cấp. Nếu công ty không chấp nhận thì bệnh viện chọn thuốc thay thế.Làm như vậy bệnh viện bảo đảm mua được nguồn thuốc rẻ nhất cho bệnh nhân.

DS PHẠM CÔNG HIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên