
Các doanh nghiệp thủy sản tăng tốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ - Ảnh: VASEP
Dồn lực xuất hàng trước khi Mỹ siết thuế
Nhận định mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Trong tháng 5 và 6, các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là tôm và cá tra, để tận dụng thời gian còn lại trước khi chính sách mới có hiệu lực.
Theo số liệu VASEP phân tích, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 3,3 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Dù thị trường Mỹ ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp đang dồn hàng sang thị trường này trước khi Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá mới lên tới 46% từ ngày 9-7-2025.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng 10-15% so với tháng 4, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần.
Cũng theo đơn vị này, tôm tiếp tục là "đầu tàu" của ngành thủy sản, đạt 1,27 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4, xuất khẩu tôm đạt 330,8 triệu USD, tăng 15% nhờ nhu cầu phục hồi từ các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản.
Cá tra cũng đạt kim ngạch 632,7 triệu USD, tăng 9%, nhưng tăng trưởng trong tháng 4 có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt 167,7 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng khác như cá rô phi, cá điêu hồng, cua ghẹ và nhuyễn thể (bạch tuộc, mực…) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, cho thấy tín hiệu tích cực từ việc đa dạng hóa sản phẩm.
Lo chi phí đội lên, doanh nghiệp cần đa dạng thị trường
Dù ghi nhận mức tăng 7% trong 4 tháng đầu năm, đạt 498,4 triệu USD, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã giảm 15% trong tháng 4, xuống còn 120,5 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý thận trọng của nhà nhập khẩu Mỹ trước các chính sách thuế mới.
VASEP cho rằng mức thuế chống bán phá giá cao đối với cá tra và tôm đang khiến chi phí đội lên, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ tính toán lại phương án nhập hàng, chuyển hướng sang các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Ngoài ra, các rào cản kỹ thuật như quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng gây khó cho doanh nghiệp Việt.
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng rào cản, các doanh nghiệp Việt đang chuyển hướng sang các thị trường khác có hiệp định thương mại tự do như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong đạt gần 710 triệu USD trong 4 tháng, tăng mạnh 56%, trở thành thị trường lớn nhất hiện nay, chủ yếu nhờ nhu cầu tôm, cua ghẹ và nhuyễn thể cao cấp.
Tuy nhiên trong hai tháng tới, khu vực này có thể chững lại do cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thủy sản nội địa Trung Quốc, vốn đang bị Mỹ áp thuế và phải tìm đường tiêu thụ tại châu Á.
ASEAN tăng trưởng ấn tượng 25%, đạt 218,8 triệu USD. Các chuyên gia cảnh báo khu vực này cũng có thể đối mặt áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ.
Chạy nước rút trước "cánh cửa hẹp"
Trong hai tháng tới, xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến có sự dịch chuyển rõ nét. Mỹ sẽ là trọng tâm để các doanh nghiệp tận dụng "cánh cửa hẹp" trước ngày 9-7. Tuy nhiên VASEP nhận định việc "dồn hàng" sang Mỹ cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
"Về lâu dài, chiến lược phát triển ngành phải hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm, đầu tư sâu vào chế biến, nâng chuẩn an toàn thực phẩm và đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời cần mở rộng thị trường tiềm năng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống" - VASEP khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận