09/05/2025 21:44 GMT+7

Doanh nghiệp lên tiếng về giá điện tăng, nhiều nơi gồng mình giữ giá bán

Việc điều chỉnh tăng giá điện thêm 4,8% mới đây và tính chung là tăng 17% trong 3 năm qua, đang tạo ra những áp lực đáng kể không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

giá điện - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất chịu nhiều áp lực khi giá điện tăng - Ảnh: N.TRÍ

Ngày 9-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng thêm 4,8%

Có ý kiến cho rằng nếu tăng giá điện được thực hiện đồng thời với cam kết về một hệ thống cung cấp ổn định - không cúp điện đột ngột, thì có thể chấp nhận với mức tăng hợp lý.

Áp lực giá lên nhà sản xuất

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết đối với các doanh nghiệp sản xuất, tác động trước mắt và dễ nhận thấy nhất của việc tăng giá điện chính là sự gia tăng của chi phí sản xuất.

Điều này trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm tăng lên, tạo ra một áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp khi tung hàng ra thị trường. 

Theo ông Hiến, trong cấu thành giá sản phẩm, giá điện là yếu tố "không hề nhỏ", trong khi không một doanh nghiệp nào muốn tăng giá, vì vậy áp lực về giá hiện nay "rất căng".

"Không những thế, người lao động về nhà cũng phải chịu chi phí tăng giá điện trong sinh hoạt cá nhân. Đây là một áp lực đè nặng lên người lao động. Khi đời sống sinh hoạt bên ngoài tăng giá, nhiều thứ khác cũng sẽ kéo theo. Từ con cá mớ rau đến nhà hàng, quán ăn, tất cả đều có thể phải nhích giá lên dù không tức thời", ông Hiến nhận định. 

Đồng quan điểm, một chuyên gia cho rằng mức tăng giá điện 4,8% sẽ tác động không chỉ giới hạn trong phạm vi sản xuất mà còn tác động đến đời sống người lao động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quang Anh - giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony - cho biết ngành dệt may nói chung không chịu tác động quá lớn từ việc điều chỉnh tăng giá điện, do chi phí điện năng chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, điều khiến ông Anh lo ngại là tác động "lan tỏa" khi giá điện tăng, kéo theo chi phí của nhiều yếu tố đầu vào khác như nguyên vật liệu, logistics, vận hành… đồng loạt gia tăng. 

Điện và xăng dầu là những chi phí cơ bản, có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các ngành nghề.

Trong khi đó, làm trong ngành nghề tiêu tốn nhiều điện năng, bà Dương Thị Tú Trinh - tổng giám đốc Công ty CP TMDV B.I.F.A (Bình Dương) - cho biết trước đây, khi giá điện còn ở mức tốt, nửa tháng đơn vị đóng khoảng 200 triệu đồng tiền điện, nhưng gần đây là 250 triệu đồng, và nếu giá điện tăng nữa thì có thể chi phí này sẽ còn tăng thêm đáng kể.

"Ngành sản xuất đồ gỗ là ngành sử dụng nhiều máy móc nên việc tiêu thụ điện năng khá lớn. Hoạt động kinh doanh vẫn còn khó khăn, xuất khẩu cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do đó, tiền điện tăng sẽ góp phần khiến giá thành sản xuất tăng cao, càng khó cạnh tranh", bà Trinh lo.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho hay sẽ gồng mình để giữ giá bán nhằm giữ khách.

Nếu tăng giá hợp lý, phải cam kết hệ thống điện ổn định

Ông Quang Anh cho rằng việc điều chỉnh giá điện là cần thiết nếu mức giá hiện tại chưa đủ để đảm bảo nguồn lực tái đầu tư cho ngành điện. Điều ông Quang Anh lo ngại hơn cả không phải là giá điện tăng, mà là nguy cơ mất điện đột ngột, không có kế hoạch báo trước.

"Một ngày mất điện thôi là đã khủng khiếp - sản xuất đình trệ, mọi thứ đứng yên. Việc cúp điện bất ngờ còn gây thiệt hại lớn hơn và rất khó kiểm soát.

Nếu việc tăng giá điện được thực hiện đồng thời với cam kết về một hệ thống cung cấp ổn định - không cúp điện, không chập chờn, đặc biệt trong mùa cao điểm - thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể chấp nhận mức tăng hợp lý", ông Anh nhấn mạnh.

giá điện - Ảnh 2.

Nhiều ngành nghề sản xuất chịu tác động đáng kể khi giá điện tăng - Ảnh: N.TRÍ

Đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh rằng một hệ thống điện vận hành ổn định, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sẽ mang lại lợi ích lâu dài, thay vì duy trì mức giá thấp nhưng thiếu đầu tư, dẫn đến tình trạng mất điện lặp lại.

Theo một chuyên gia, điện là mặt hàng đặc biệt, mang tính nền tảng cho toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Nếu giá điện bị kìm hãm quá lâu, hậu quả có thể không xuất hiện ngay, nhưng sẽ dần bộc lộ qua việc thiếu đầu tư, hạ tầng xuống cấp, và cuối cùng người dân cùng doanh nghiệp sẽ là bên phải gánh chịu.

"Doanh nghiệp không phản đối việc tăng giá điện, nếu đi kèm với một cam kết dài hạn về chất lượng cung cấp - đảm bảo điện đủ, ổn định và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế".

Cân nhắc tìm giải pháp tiết giảm sử dụng điện

Trước tình hình này, ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng giải pháp tức thời mà các doanh nghiệp buộc phải thực hiện là tiết giảm sử dụng điện thông qua việc cài đặt nhiệt độ 26 - 27 độ C thay vì 22 - 24 độ C hoặc một số bộ phận phải dùng quạt thay cho điều hòa.

"Việc tiết giảm chi phí điện mang lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời lại có thể làm giảm năng suất làm việc nên doanh nghiệp cũng hết sức cân nhắc", ông Hiến nói.

Doanh nghiệp lo lắng với giá điện tăng - Ảnh 3.Người dân phải trả thêm bao nhiêu khi giá điện tăng thêm 4,8%?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố quyết định số 599 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa gồm VAT) từ ngày 10-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên