Điện đàm Trump - Putin: Sức ép từ châu Âu

Các lãnh đạo châu Âu đồng loạt vận động Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc điện đàm quan trọng với ông Putin ngày 19-5, nhằm tránh nguy cơ Washington thỏa hiệp với Matxcơva mà phớt lờ lợi ích của Ukraine.

điện đàm Trump - Putin - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Zelensky gặp Phó tổng thống Mỹ J. D. Vance tại Rome ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS

Ngày 19-5, các nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm Thủ tướng Đức Friedrich Merz, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi ông chủ Nhà Trắng điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra lúc 10h ngày 19-5 theo giờ Washington (21h cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Các đồng minh châu Âu của Ukraine đang tìm mọi cách để gây ảnh hưởng và tác động đến lập trường của ông chủ Nhà Trắng với lo ngại rằng Washington có thể đạt được thỏa thuận với Matxcơva mà bỏ qua lợi ích của Kiev.

Tìm cách tác động lên Mỹ

"Chúng ta chỉ có thể hy vọng sẽ có thêm tiến triển. Cảm nhận rõ ràng của tôi là cả châu Âu và Mỹ đều quyết tâm hợp tác với nhau nhưng giờ chúng ta cần hành động có chủ đích để chắc chắn cuộc xung đột khốc liệt sớm kết thúc", Thủ tướng Merz khẳng định.

Cùng lúc đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng gặp Phó tổng thống Mỹ J. D. Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại thủ đô Rome (Ý) sau thánh lễ tấn phong của Giáo hoàng Leo XIV vào ngày 18-5. Sau đó, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết họ đã có một "cuộc gặp tốt đẹp".

"Chúng tôi đã thảo luận về các cuộc đàm phán ở Istanbul, nơi mà phía Nga cử một phái đoàn cấp thấp không có thẩm quyền ra quyết định đến.

Tôi tái khẳng định lập trường sẵn sàng cho ngoại giao thực chất của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện càng sớm càng tốt", ông Zelensky cho biết.

Trước đó vào ngày 18-5, một người phát ngôn của Phố Downing (Anh) cho biết Thủ tướng Starmer đã có cuộc thảo luận với lãnh đạo các nước Mỹ, Ý, Pháp, Đức về cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về tiềm năng đạt được lệnh ngừng bắn vô điều kiện, cũng như về việc triển khai các biện pháp trừng phạt nếu Nga không hợp tác trong quá trình đàm phán hòa bình và ký kết lệnh ngừng bắn, theo Hãng tin Reuters.

"Ngày mai (19-5), Tổng thống Putin phải chứng minh rằng ông ấy muốn hòa bình bằng việc chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày do Tổng thống Trump đề xuất, được châu Âu và Ukraine ủng hộ", Tổng thống Macron viết trên mạng xã hội X ngày 18-5.

Về phía Nga, trong một loạt hoạt động ngoại giao xuyên suốt 10 ngày vừa qua, ông Putin đã không nhượng bộ nhiều, từ chối tham gia vào các điều khoản, cũng như không xuất hiện tại cuộc đàm phán ở Istanbul bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky.

Không chỉ vậy, sáng 18-5 Nga đã thực hiện đợt không kích bằng thiết bị bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Ukraine với tổng cộng 273 chiếc.

Tiến triển nhưng sẽ không có thỏa thuận?

Theo đánh giá của các chuyên gia quan hệ quốc tế, trong cuộc gặp sắp tới với ông Putin, Tổng thống Trump sẽ phải đối diện với người đứng đầu Điện Kremlin đang theo đuổi hai mục tiêu song song: thứ nhất là kéo dài các cuộc đàm phán hòa bình, thứ hai là tự định vị ông là một nhà lãnh đạo hướng tới hòa bình và có thể trở thành một đối tác thương mại giá trị của Washington.

Một số chuyên gia khác bổ sung rằng Nga sẽ chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn nếu đáp ứng các điều kiện của Maxcơva, giải quyết được vấn đề về tính chính danh của ông Zelensky, cũng như khả năng tự chủ của Ukraine. Do đó điện đàm Trump - Putin lần này khó có khả năng đi tới một thỏa thuận cuối cùng.

"Ông Putin muốn trì hoãn bằng cách tránh một lệnh ngừng bắn và giữ lòng tin của ông Trump bằng cách không đánh mất cơ hội duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ.

Tổng thống Putin sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump rằng ông vẫn cam kết với hòa bình, song phía Nga sẽ tiếp tục bác bỏ công thức ngừng bắn trước đàm phán sau" - nhà phân tích chính trị Nga Andrei Kolesnikov nhận định.

Kể từ khi nắm quyền vào tháng 1-2025, các cuộc tiếp xúc của ông Trump với ông Putin thường đi đến kết quả cuối cùng là họ đã đạt được tiến triển ban đầu nhưng cuối cùng vẫn không có thỏa thuận hòa bình nào.

Trong suốt thời gian đó, Điện Kremlin liên tục đánh vào sự thực dụng và bản năng kinh doanh của ông Trump thông qua việc quảng bá lợi ích kinh tế nếu Mỹ - Nga bình thường hóa quan hệ.

Hồi tháng 4, đặc phái viên của Tổng thống Nga Kirill Dmitriev đã có chuyến thăm tới Washington để đề xuất các thỏa thuận hợp tác kinh tế mới, trong đó có dầu mỏ và quan hệ đối tác tại Bắc Cực, theo tờ Wall Street Journal.

Ông Eric Green, cựu cố vấn Nhà Trắng về Nga dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, nhận định ông Putin có khả năng sẽ tiếp tục chiến lược này trong cuộc điện đàm sắp tới với Tổng thống Trump.

Do đó quan điểm của Matxcơva sẽ là ca ngợi các cuộc đàm phán ở Istanbul là một bước tiến nhưng chỉ dừng lại ở đó và chuyển hướng sang thương mại.

"Rõ ràng Tổng thống Putin muốn có quyền quyết định ở Ukraine và ông ấy cũng muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ", ông Green bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Trump lưu ý rằng bên cạnh cuộc chiến, ông cũng muốn thảo luận về thương mại với ông Putin trong cuộc gọi này.

Tuy nhiên, đây là cuộc điện đàm đầu tiên công khai giữa ông Trump và ông Putin sau gần ba tháng. Do đó, nó vẫn đóng vai trò then chốt nhằm thiết lập những điều kiện cụ thể để mở ra các thỏa thuận lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột, theo báo Financial Times.

Châu Âu tự lực và sát cánh cùng Ukraine

Ngày 19-5, giới chức châu Âu tiết lộ các quốc gia EU đã phê duyệt đề xuất thành lập quỹ trị giá 168,3 tỉ USD nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cũng như cung cấp khoản vay cho các quốc gia bao gồm Ukraine, trong bối cảnh cam kết an ninh của Mỹ với lục địa già không còn vững chắc như trước.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Phần Lan tuyên bố sẽ cung cấp đạn dược cho Ukraine bằng cách sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga bị đóng băng với giá trị lên đến 101,12 triệu USD.

Điện đàm Trump - Putin: sức ép từ châu Âu - Ảnh 2.Ông Trump gọi ông Zelensky trước, điện đàm với ông Putin sau

Cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin bắt đầu trễ hơn dự kiến, ngay sau khi nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc cuộc gọi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên