22/01/2025 09:05 GMT+7

Dịch vụ 'tút' nhan sắc ngày Tết bội thu

Càng gần đến ngày Tết, dịch vụ "tút" lại nhan sắc tại nhiều cơ sở trên địa bàn TP.HCM càng "nóng" vì lượng khách luôn kín, lịch đặt dày đặc, khách hàng không chỉ là chị em phụ nữ mà nhiều đấng mày râu cũng đầu tư làm đẹp trong dịp Tết.

Dịch vụ 'tút' nhan sắc ngày Tết bội thu - Ảnh 1.

Những ngày cuối năm, đặc biệt ngày cuối tuần, những salon tóc phải mở cửa đến khi nào hết khách, thường 11h - 12h khuya - Ảnh: T.TÙNG

Theo Euromonitor International - công ty chuyên về phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường, thông tin thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân toàn cầu sẽ tăng lên 547 tỉ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 15 - 20%. Các nhà nghiên cứu thị trường làm đẹp Việt Nam dự báo năm 2025 sẽ có tới 10.000 thẩm mỹ viện.

Không tiếc tiền với nhan sắc

Ghi nhận tại các thẩm mỹ viện, spa, cơ sở phun xăm... cho thấy lượng khách đến sử dụng dịch vụ đều tăng cao những ngày gần đây. Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ một cơ sở phun xăm trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), cho biết từ sau lễ Giáng sinh, cơ sở đã không nhận khách cho đặt lịch từ giữa tháng chạp. Ngày thường cơ sở này đón khoảng 15 - 20 khách, nhưng lượng khách đã tăng gấp đôi vào những ngày cận Tết, nhất là hai ngày cuối tuần.

"Tôi có hai cơ sở, ở TP Đà Lạt và TP.HCM. Đa số khách muốn chính tay chủ cơ sở làm, nhất là những khách thêu sợi mày tự nhiên nên tôi phải xếp lịch chạy giữa hai nơi. Ngày thường, vẽ chân mày sợi tự nhiên có mức 7 - 8 triệu đồng, còn phun xăm môi có mức 5 triệu đồng. Ngày Tết tôi "nhỉnh" lên thêm 20%. Chi phí tăng này bù vào tiền công nhân viên làm ngày Tết", chị Tâm cho biết.

Các dịch vụ như chăm sóc da mặt, lấy nhân mụn, xóa nốt ruồi, tạo má lúm đồng tiền, phun xăm lông mày, làm móng tay chân, làm tóc... cũng "đắt sô" vì nhiều khách muốn "tút" nhan sắc, chuẩn bị đón Tết.

Anh Nguyễn Tùng, chủ salon tóc Nguyễn Tùng (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3), cho hay hai tháng cuối năm lượng khách tăng 2 - 3 lần so với bình thường. "Chúng tôi không những tăng thời gian làm việc vào buổi tối, mà còn tuyển thêm nhân viên với tiền công tăng gấp đôi. Tôi có đến 10 thợ làm tóc và làm nail để hạn chế dồn khách vào một thời điểm", anh Tùng nói.

Dọc các con đường lớn ở trung tâm TP.HCM như Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi (quận 1); Nguyễn Đình Chiểu (quận 3)... các tiệm làm nail cũng đông đúc khách, thậm chí các cơ sở phải hoạt động đến 10h đêm vẫn có khách ngồi chờ... Ngoài khách hàng nội, dịch vụ làm đẹp ngày Tết "hốt bạc" từ lượng không nhỏ khách là Việt kiều về quê ăn Tết.

Chị L.A.G. (48 tuổi, Việt kiều Mỹ) về quê ăn Tết đã đến một cơ sở thẩm mỹ ở Phú Mỹ Hưng (quận 7) để gần như "đập đi xây lại" với chi phí gần 200 triệu đồng. "Làm đẹp ở Việt Nam chi phí rẻ hơn so với nước ngoài, và cũng phù hợp hơn vì bác sĩ là người châu Á nên thẩm mỹ để thay đổi nhan sắc của tôi sẽ "rất châu Á". Nhiều bạn bè của tôi từ Mỹ, Úc, Canada... cũng tranh thủ làm đẹp khi về Việt Nam ăn Tết", chị L.A.G. nói.

Chú ý chất lượng, tỉnh táo với khuyến mãi

Theo Tổng cục Thống kê, dù 2024 là một năm đầy biến động, nhưng doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng hơn so với năm trước. Trong đó ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân đang có những tín hiệu khả quan, với tốc độ tăng trưởng hơn 50% so với năm 2023. Dù thắt chặt chi tiêu nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả cho nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo khi sử dụng dịch vụ làm đẹp, khách hàng nên đặc biệt chú ý về chất lượng dịch vụ, uy tín của cơ sở. Theo anh Nguyễn Tùng, rất nhiều salon dịp này tung ra các chiêu khuyến mãi hấp dẫn, sản xuất những clip, video và chạy quảng cáo nhằm thu hút khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội rất hấp dẫn...

"Nhìn video khách làm tóc rất đẹp và chi phí rất mềm. Nhưng khách hàng lưu ý đó là khách có tóc khỏe, không hư tổn để mất thêm chi phí phục hồi nên tổng chi phí rất mềm. Nhưng đến lượt mình chi phí tăng lên không như quảng cáo. Vì tùy cơ địa, tùy sức khỏe tóc cũng như sử dụng sản phẩm uốn, nhuộm hãng nào, bình dân giá rẻ hay cao cấp... Làm đẹp phải thật tỉnh với khuyến mãi, giảm giá", anh Nguyễn Tùng lưu ý.

Trong khi đó, bác sĩ Hồ Cao Vũ (có hơn 20 năm làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng khi quyết định đầu tư cho nhan sắc, phải lựa chọn thật kỹ một địa chỉ uy tín và chất lượng. "Xu hướng làm đẹp thay đổi liên tục nên đặt an toàn lên trên hết, đặc biệt là giai đoạn Tết cận kề khi nhu cầu làm đẹp tăng đột biến", bác sĩ Vũ nói.

Theo bác sĩ này, phải cẩn trọng khi lựa chọn. Chẳng hạn cần chọn cơ sở uy tín được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn. "Vẻ đẹp hoàn thiện là tổng hài hòa của từng chi tiết, vùng, tuổi tác. Còn duy trì bền lâu khi có sự cân bằng với nội tâm, tâm lý nên làm đẹp không bất chấp dù có tiền. Làm đẹp phải đi liền với an toàn và lâu bền", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Ngoài ra, bác sĩ Vũ còn nhấn mạnh tuyệt đối không nghe những lời tư vấn, lôi kéo để thực hiện những can thiệp xâm lấn tại nhà, tại các spa, thẩm mỹ viện không có giấy phép hành nghề, tránh tai biến, biến chứng do làm đẹp không đúng cách. "Để tiết kiệm chi phí, không phải đầu tư tiền bạc để "đến hẹn lại làm", "đến Tết lại tút", cần lưu ý về sức khỏe như tránh ăn nhiều đồ ngọt, sử dụng rượu bia, trang điểm không đúng cách, thức khuya...", bác sĩ Vũ nói thêm.

Thị trường hấp dẫn với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm

Cũng theo Euromonitor International, riêng tại Việt Nam tổng giá trị của các mặt hàng mỹ phẩm ước tính khoảng 2,63 tỉ USD và được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,32% mỗi năm đến năm 2027.

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm. Hàng ngàn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất.

Trong đó nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã mở rộng thị phần tại Việt Nam. Một số thương hiệu mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng tạo dựng được vị thế nhất định và xuất khẩu ra nước ngoài. Theo dự báo, năm 2025 và những năm tiếp theo thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.

Nghề làm đẹp thiếu nhân lực được đào tạo bài bản

Dịch vụ 'tút' nhan sắc ngày Tết bội thu - Ảnh 2.

Dịch vụ làm nail trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) lúc nào cũng đông khách, nhất là những ngày cận Tết - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Thị trường ngành làm đẹp đầy tiềm năng, cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện... "mọc lên như nấm" nhưng nhân lực trong lĩnh vực không đủ chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản cho ngành này. Đó là nhìn nhận của bà N.X.T., đại diện một hãng mỹ phẩm quốc tế tại Việt Nam, khi cho rằng đào tạo trong ngành làm đẹp đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao.

Nhưng trong thực tế, nhân lực trong ngành này lại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo một cách chính quy và nguồn này rất mỏng so với nhu cầu ngày càng tăng. Điều này chứng minh qua dịp Tết, rất nhiều cơ sở tuyển thợ. Thiếu hụt nhân lực để ngày Tết chi phí dịch vụ đội thêm lên vì phải trả lương "nóng". Kỹ thuật viên trong các cơ sở làm đẹp được đào tạo chủ yếu dưới hình thức... truyền nghề, người làm lâu năm dạy cho người mới.

"Việt Nam cần quan tâm đến việc đào tạo, đầu tư cho ngành công nghiệp làm đẹp, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt kịp với xu hướng phát triển của thời đại", bà N.X.T. nói.

Dịch vụ 'tút' nhan sắc ngày Tết bội thu - Ảnh 3.Chị em làm đẹp đón Tết sao cho an toàn?

Cận Tết, nhu cầu làm đẹp của người dân tăng. Nắm bắt tâm lý muốn đẹp nhanh, nhiều cơ sở thẩm mỹ 'chui' liên tục quảng cáo các phương pháp làm đẹp 'cấp tốc' với mức giá rẻ bèo. Hậu quả là nhiều trường hợp gặp biến chứng thẩm mỹ nghiêm trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên