TTCT - Hơn một thập kỷ, Tủ sách Khoa học và khám phá được gầy dựng, duy trì và phát triển trên những viên gạch nền đầu tiên là ý tưởng truyền bá tri thức khoa học của ba người: GS Nguyễn Văn Liễn, TSKH Vũ Công Lập và người thứ ba là dịch giả Phạm Văn Thiều. Cuộc trò chuyện với dịch giả Phạm Văn Thiều cùng TTCT tái hiện một phần hành trình đặc biệt này. Dịch giả Phạm Văn Thiều. Ảnh: Nguyễn Khánh TỪ TUỔI THƠ SAY MÊ TOÁN TỚI MỘT DỊCH GIẢ SÁCH KHOA HỌC Độc giả biết tới dịch giả Phạm Văn Thiều với những cuốn sách phổ biến khoa học nổi tiếng từng in ở Nhà xuất bản (NXB) Khoa Học Kỹ Thuật, NXB Trẻ, NXB Tri Thức… Ông đã bắt đầu công việc của một dịch giả như thế nào? - Thời học sinh phổ thông của tôi (những năm 1960) sách phổ biến khoa học chủ yếu là sách về các danh nhân, tiểu sử các nhà bác học. Thời tôi học đại học, nổi bật nhất là bộ Vật lý vui của Perelman, cuốn sách đã kích thích niềm say mê vật lý của thế hệ chúng tôi. Giáo sư Đàm Thanh Sơn, nhà vật lý Việt Nam xuất sắc nhất hiện nay, nói rằng đây chính là một trong hai quyển sách đã khiến ông chuyển từ học toán sang học vật lý (cuốn sách thứ hai là Câu chuyện về các hằng số vật lý của nhà vật lý Đặng Mộng Lân). Nhưng những cuốn sách đó vẫn chưa đủ sức lôi cuốn để khiến tôi lựa chọn trở thành một người dịch sách phổ biến khoa học chuyên nghiệp. Mãi đến năm 1982, trong chuyến tu nghiệp tại Viện Vật lý hạt nhân Paris, tôi bị các bài báo đăng trên các tạp chí phổ biến khoa học của Pháp như La Recherche và Science et Avenir của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận cùng những bức ảnh rất đẹp của ông chụp tại các đài thiên văn cuốn hút. Sau nhiều tìm kiếm, tôi phát hiện ra ở phương Tây từ lâu đã tồn tại một kho sách phổ biến khoa học tinh hoa hết sức phong phú nhưng chưa từng được giới thiệu ở Việt Nam. Đó là những tác phẩm của các nhà khoa học lớn đang ở tuyến trước của khoa học, rất nhiều người trong số họ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có cả tài năng văn học, trong đó Stephen Hawking và Trịnh Xuân Thuận là những tác giả tiêu biểu. Những tác phẩm của họ giàu ý tưởng mới lạ, mang tính đột phá nhưng cũng đậm chất văn chương. Điều này thật hợp với tôi. Tôi đam mê khoa học nhưng từ lúc trẻ cho tới giờ cũng rất yêu thích văn chương. Lúc đó tôi đã xấp xỉ tứ tuần, tự biết mình không thể đi xa trên con đường khoa học được nữa, nên nếu đi vào con đường dịch thuật chuyển ngữ những tác phẩm này sang tiếng Việt thì sẽ kết hợp được kiến thức khoa học của mình với chút năng khiếu văn chương, có ích hơn cho bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là cho các học sinh, sinh viên. Về nước, tôi bắt tay ngay vào việc luyện dịch và trau dồi tiếng Việt. Trước hết, tôi dịch các tin tức văn nghệ, khoa học ở nước ngoài cho các tờ báo như báo Người Giáo Viên Nhân Dân (nay là báo Giáo Dục Và Thời Đại), báo Khoa Học Và Đời Sống… Rồi tôi dịch một số truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ, Người Hà Nội, một loạt truyện trinh thám… Tôi còn dịch nhiều sách tham khảo cho học sinh và giáo viên ở NXB Giáo Dục và sách khoa học cho trẻ em ở NXB Kim Đồng. Nhưng giá trị nhất là cuốn Toán rời rạc và ứng dụng trong tin học của Kenneth H. Rosen - một cuốn sách giáo khoa được dạy trong hơn 100 trường đại học ở Mỹ. Ở Việt Nam, cuốn sách này được dùng cho học sinh các lớp chuyên tin học, các sinh viên đại học và là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sinh cao học và tiến sĩ về tin học. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần ở NXB Khoa Học & Kỹ Thuật và sau này là NXB Giáo Dục. Tôi đã đọc những cuốn sách đầu tiên ông dịch do NXB Khoa Học & Kỹ Thuật xuất bản. Câu chuyện ở đó đã diễn ra như thế nào? - Tình cờ vào năm 1992, một nhà vật lý trẻ trong chuyến đi công tác tại Mỹ mang về bản photocopy rất đẹp cuốn Lược sử thời gian. GS Cao Chi mượn được và có dịch vài chương đăng trên tạp chí Vật Lý Ngày Nay của Hội Vật lý Việt Nam. Nghe tin, tôi đến mượn đọc ngấu nghiến. Đọc xong tôi đến rủ anh Cao Chi dịch toàn bộ cuốn sách này. Tôi nói với anh, dịch cuốn này có tính chất cống hiến chứ nhuận bút không đáng kể đâu. Anh Cao Chi đồng ý và trao cho tôi mấy chương đã dịch, tôi dịch các chương còn lại. Làm xong, đến thuyết phục NXB Khoa Học & Kỹ Thuật in, nhưng họ không mặn mà lắm vì sợ không bán được. Thật may, lúc đó tôi gặp được một nhà làm sách tư nhân. Sau khi nghe tôi trình bày, anh nhiệt tình đồng ý in ngay, nhưng phải giúp anh xin được giấy phép của NXB Khoa Học & Kỹ Thuật và được NXB đồng ý. Do tôi có nhiều bạn bè ở NXB này nên mọi việc sau đó đều thuận lợi. Nhưng phải đến tận cuối năm 1995 sách mới được phát hành. Trong thời gian chờ đợi sách ra, có một hội nghị về vật lý lý thuyết tổ chức ở Hà Nội. Một giáo sư Trường King’s College (Anh) sang dự hội nghị, được bạn tôi dẫn đi tham quan Hà Nội và nhân tiện dẫn vào cơ quan tôi chơi. Tôi kể với vị giáo sư đó rằng mình đang dịch cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking, nhưng e rằng dân trí ở Việt Nam chưa cao nên không biết có nhiều bạn đọc hay không. Ông ta bắt tay tôi và nói: “Ông đừng lo. Mẹ tôi không biết gì về vật lý hết nhưng cuốn sách đó là sách gối đầu giường của bà”. Quả thật, cuốn sách ra đời đã được bạn đọc cả nước nồng nhiệt đón nhận. Do NXB Khoa Học & Kỹ Thuật không có một mạng lưới phát hành chuyên nghiệp và rộng lớn, lại không có bộ phận chuyên lo mua tác quyền nên vào dịp ở nhiều nước kỷ niệm lần xuất bản thứ 10 (2005) và Stephen Hawking viết thêm chương Các lỗ sâu đục và du hành theo thời gian, tôi dịch bổ sung chương đó và chuyển bản thảo cho NXB Trẻ để mua tác quyền. Từ đó đến nay, cuốn Lược sử thời gian đã được NXB Trẻ in tới lần thứ 23, có thể nói là kỷ lục đối với sách phổ biến khoa học ở Việt Nam. Còn câu chuyện của Tủ sách Khoa học và khám phá của NXB Trẻ ra sao, thưa ông? - Sau khi sách của tôi đã được bạn đọc chấp nhận, năm 2008, hai người bạn thời đại học của tôi là TSKH Vũ Công Lập (anh còn là nhà báo nổi tiếng trong nhiều chương trình của VTV) và GS Nguyễn Văn Liễn bàn với tôi thành lập một tủ sách để thu hút các dịch giả trẻ (nhiều người là học trò của GS Liễn) và mở rộng sang các lĩnh vực khoa học khác như sinh học, tin học, y học..., các cuốn sách phải in theo cùng một định dạng, sao cho khi xếp trên giá người ta nhận ra ngay. Đó cũng là ước mơ từ lâu của tôi. Chúng tôi cử anh Vũ Công Lập thay mặt ban chủ biên bàn bạc với NXB Trẻ, lúc đó do chị Quách Thu Nguyệt làm giám đốc. Kết quả thật mỹ mãn, chị Nguyệt chấp nhận mọi yêu cầu của chúng tôi, và để động viên các dịch giả, chị đồng ý cho in ảnh và tiểu sử ngắn gọn của họ trên bìa gấp của sách. Để ra mắt, chúng tôi chọn ba đầu sách: Thế giới lượng tử kỳ bí của một học sinh (LB Đức) lớp 11 do ba chúng tôi dịch, Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử do tôi và Phạm Thu Hằng dịch và Bảy nàng con gái của Eva do Ngô Minh Toàn (học trò GS Liễn) và Trần Thị Mai Hiên dịch. Thành công ngoài mong đợi, ba cuốn sách mở đầu đã được đón nhận nồng nhiệt. Mấy năm đầu, tủ sách của chúng tôi đều phải nhận sự hỗ trợ của NXB, nhưng gần đây lãnh đạo NXB Trẻ cho chúng tôi biết Tủ sách Khoa học và khám phá hiện đã đứng được độc lập, không cần sự hỗ trợ của NXB nữa. Ngoài Lược sử thời gian, bản dịch nổi tiếng và là cuốn bán chạy nhất trong tủ sách, ông tâm đắc nhất với cuốn sách nào mình từng dịch? - Nếu cho tôi chọn hai cuốn tôi thích nhất, một về vật lý và một về toán học, thì đó là Giai điệu bí ẩn của Trịnh Xuân Thuận và Định lý cuối cùng của Fermat của Simon Singh. Cuốn thứ nhất lôi cuốn chúng ta đi theo hành trình dựng lại lịch sử của vũ trụ, như một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính là vũ trụ. Nhưng điều đặc biệt của cuốn sách này là chất thơ, là những suy tư triết học phảng phất giữa những sự kiện khoa học. Tác giả còn vận dụng nhiều kiến thức về hội họa, đặc biệt là các trường phái ấn tượng, siêu thực… để diễn đạt của mình thêm sinh động, hấp dẫn, khiến cho những khái niệm của thuyết tương đối, của cơ học lượng tử không còn quá nặng nề và trừu tượng nữa. Cuốn thứ hai nói về số phận của một giả thuyết mà người ta thường gọi là định lý cuối cùng của Fermat. Phải mất hơn 200 năm người ta mới chứng minh được định lý này, khi phải vận dụng tới bộ máy đồ sộ của toán học hiện đại. Thế nhưng giả thuyết phát biểu thật đơn giản: phương trình xn+ yn, với n>3 không có nghiệm là các số nguyên, bất kỳ học sinh giỏi toán nào cũng từng thử sức chứng minh nó bằng toán học sơ cấp. Nhưng ngay cả những nhà toán học vĩ đại thuộc nhiều thế hệ khác nhau cũng đều đã nếm mùi thất bại. Khi tôi dịch quyển sách này, cả một tuổi thơ say mê toán học sống lại trong tôi. Bạn đọc tinh ý có thể sẽ nhận thấy đằng sau những dòng chữ trong bản dịch vẫn còn phảng phất những cảm xúc của tôi. NHỮNG MỐI NHÂN DUYÊN ĐẦM ẤM Ông được tác giả Trịnh Xuân Thuận ủy nhiệm dịch toàn bộ các tác phẩm của mình ra tiếng Việt. Vì sao? Ông có thể chia sẻ về lần đầu gặp gỡ và mối nhân duyên này không? - Ban đầu tôi chỉ gặp gỡ Trịnh Xuân Thuận trên các trang tạp chí phổ biến khoa học của Pháp. Đọc các bài báo của ông đăng ở đó tôi thấy thích, điều quan trọng là tôi nhận thấy giọng văn và cách diễn đạt của ông rất hợp với tôi. Hè năm 1999, như có duyên trước với nhau, tình cờ giáo sư của tôi ở Paris gửi cho tôi cuốn Giai điệu bí ẩn, tôi đọc thấy rất thích và nói với bạn bè là sẽ dịch tác phẩm này. Cũng lại tình cờ, có người của chương trình Rencontre du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam) về nước tìm người dịch quyển sách này để giới thiệu Trịnh Xuân Thuận ở Việt Nam. Người đó nhờ nhà báo Hàm Châu tới gặp tôi, nói rằng nếu tôi dịch quyển này, tôi sẽ được chương trình Rencontre du Vietnam tài trợ. Tôi trả lời là có tài trợ hay không tôi vẫn dịch, tôi chỉ có một yêu cầu là cho tôi địa chỉ email của anh Thuận để liên lạc trực tiếp. Từ đó tôi với anh Thuận thường xuyên liên lạc với nhau. Trong lá thư đầu tiên viết cho anh Thuận, ngoài những chuyện thủ tục như tác quyền, tôi nói với anh Thuận rằng tôi đã biết anh rất dụng công viết một cuốn sách phổ biến khoa học nhưng rất giàu chất thơ, tôi sẽ cố gắng truyền đạt được cái chất văn chương đó trong bản dịch tiếng Việt. Sau này khi gặp nhau, anh Thuận kể trong lần được tổng thống Pháp Mitterrand mời tham gia trong đoàn Chính phủ Pháp lần đầu tiên sang thăm Việt Nam, trong bữa tiệc chiêu đãi tại Sứ quán Pháp ở Hà Nội, có nhiều người mang quyển sách Giai điệu bí ẩn đến xin chữ ký và xin phép dịch ra tiếng Việt, nhưng sau đó chẳng có ai nói tới chuyện đó nữa. Nhận được thư tôi, anh nói anh biết ngay đây là người sẽ dịch cuốn sách của anh. Phải nói thêm rằng, cuốn sách này là cuốn sách hay nhất của anh Thuận, nó đã mang lại cho anh tiếng tăm trên khắp thế giới mà đặc biệt là ở Pháp. Có lẽ nó đã được viết bằng thứ tiếng Pháp tuyệt diệu tới mức mà một vị tổng thống văn hóa nhất của nước Pháp đã mê mẩn và mời anh, một người không có quốc tịch Pháp, là thành viên chính thức của đoàn Chính phủ Pháp tới thăm Hà Nội. Giữa năm 2000, cuốn Giai điệu bí ẩn ra đời, đúng lúc anh Thuận về nước tham dự Rencontre du Vietnam và chúng tôi đã gặp nhau như hai người bạn cũ. Trong một lần chạy xe máy chở anh Thuận đi thăm Văn Miếu, anh đứng tần ngần rất lâu bên cạnh khu đặt bia tiến sĩ, rồi khẽ khàng nói với tôi: “Mình có một quyển sách mỏng, hơi có tính chất tiểu sử, anh có muốn dịch không?”. Tôi nói anh gửi bản gốc cho tôi, hơn một năm sau, quyển sách ấy ra đời, với lời giới thiệu của nhà thơ Lê Đạt. Đó là cuốn Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận (tên bản gốc là Một nhà vật lý thiên văn). Cũng trong lần gặp nhau đầu tiên ở Hà Nội ấy, anh Thuận nói với mọi người rằng anh ủy quyền cho tôi dịch các tác phẩm của anh, nếu ai đó muốn dịch phải được tôi đồng ý. Từ đó đến nay, chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên, khi ở Việt Nam, khi ở Paris. Mỗi khi có cuốn sách mới anh đều giới thiệu cho một số NXB ở Việt Nam và yêu cầu họ mời tôi dịch. Cho đến nay, tôi (cùng với các cộng tác viên) đã dịch được cả thảy 11 tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận. Ông có thêm mối nhân duyên đặc biệt nào nữa trong hành trình dịch thuật đó không? - Vào đầu những năm 2000, tôi là cộng tác viên thân thiết của tạp chí Tia Sáng. Ở đó tôi được gặp và làm quen với nhiều bậc đàn anh là các trí thức lớn của đất nước. Nhưng người gây ấn tượng mạnh cho tôi là nhà thơ Lê Đạt. Ông đọc nhiều về vật lý, đặc biệt là những vấn đề triết học của vật lý hiện đại. Qua nhiều lần chuyện trò, dường như ông cũng quý mến tôi, và tôi đã mạnh dạn nhờ ông viết lời giới thiệu cho cuốn Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Sau đó tôi nhiều lần nhờ ông đọc bản thảo một số cuốn sách liên quan nhiều đến triết học. Một lần, trong lúc thân mật, ông khuyên tôi: “Em nên kiên trì đi theo con đường dịch thuật này, nó vừa có ý nghĩa cho đời là góp phần nâng cao dân trí vừa có ích cho bản thân em là sẽ học hỏi được nhiều. Nhớ là đừng có nghe theo ai đó rủ rê dịch thơ hay những thứ đại loại như vậy!”. Từ đó đến nay tôi vẫn nhớ nằm lòng lời khuyên ấy và kiên định đi theo con đường đã chọn. Trò chuyện cùng GS Trịnh Xuân Thuận và nhóm chủ biên tủ sách Khoa học và Khám phá tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM. DỊCH THUẬT: TRONG GIAN TRUÂN, TÌM CHUẨN MỰC Những khó khăn của Tủ sách Khoa học và khám phá cũng như câu chuyện xuất bản sách khoa học nói chung là gì, thưa ông? - Khó khăn đầu tiên vẫn là tìm người dịch. Mấy năm đầu mọi người rất hăm hở, nhưng bắt tay vào làm mới thấy công việc dịch thuật khó nhọc chứ không hề dễ dàng. Sách phổ biến khoa học không chỉ là khoa học mà còn là văn hóa, phải biết rộng, nên phải tra cứu nhiều, nghĩa là phải dành nhiều thời gian cho nó. Phần lớn các bạn trẻ tham gia đều đang trên con đường phấn đấu cho khoa học, họ không thể dành nhiều thời gian cho công việc dịch thuật được. Ấy là chưa nói chuyện trau dồi tiếng Việt, một công việc cũng đòi hỏi công sức và thời gian. Vì vậy sau khi dịch một hai cuốn, họ từ chối không tham gia nữa. Cho nên đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa có được một đội ngũ kế tục ổn định, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, chúng tôi vẫn phải trực tiếp tham gia dịch để duy trì tủ sách. Khó khăn thứ hai là chọn sách. Hằng năm trên thế giới có hàng trăm đầu sách phổ biến khoa học thuộc đủ các lĩnh vực ra đời. Phải chọn sách hay theo đánh giá của các nhà khoa học và các tờ báo có uy tín ở nước ngoài, nhưng thế chưa đủ, còn phải lưu ý tới dân trí nước mình và phải dự đoán xem liệu nó có bán được ở Việt Nam không, vì đây là quyền lợi thiết thân của NXB. Nước ta không nhập khẩu sách báo nước ngoài một cách hệ thống nên việc lựa chọn càng khó khăn. Do vậy, chúng tôi từng biết nhiều quyển sách hay mà vẫn không thể dịch. Khó khăn thứ ba là hầu hết các NXB không có biên tập viên chuyên nghiệp cho sách phổ biến khoa học. Đa số các biên tập viên đều tốt nghiệp văn khoa hay ngoại ngữ, có hiểu biết rất hạn chế về khoa học tự nhiên. Tôi đã trực tiếp giúp NXB Trẻ tuyển biên tập viên sách khoa học, học vật lý, có tiếng Anh và tiếng Việt tốt, nhưng cũng chỉ mới chọn được một người. Vậy đâu là những khó khăn khác trong nghiệp dịch thuật sách khoa học của ông? - Khó khăn lớn nhất thuở ban đầu là tìm nơi in sách cho mình. Người ta thường đồng nhất sách phổ biến khoa học và sách khoa học, nhất là về các chủ đề như không gian, thời gian, vũ trụ… nghe rất khô khan, cao siêu và trừu tượng. Họ sợ sách in ra không có người mua. Sau đó mới đến những khó khăn về kỹ thuật, mà chủ yếu về vấn đề thuật ngữ. Ở các nước Âu Mỹ, các thuật ngữ khoa học có thể vay mượn dễ dàng, không phải đặt ra các từ mới, với tiếng Việt thì không đơn giản như vậy. Sau này, khi đã trở thành người dịch gần như chuyên nghiệp, do muốn mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn vật lý của mình, như sinh học, y học, âm nhạc, hội họa…, tôi phải học thêm nhiều kiến thức mới, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề thuật ngữ. Ở Việt Nam hiện nay thiếu rất nhiều các từ điển chuyên ngành, hoặc nếu có cũng khá sơ sài. Người ta hay nói dịch phải có tín - đạt - nhã. Ông nghĩ sao về quy tắc này, và ông có quan điểm dịch thuật ra sao, đặc biệt trong việc dịch các tác phẩm phổ biến khoa học? - Tiêu chuẩn này đã có từ xa xưa, đã được bàn thảo nhiều lắm rồi. Tín thì ai cũng nhất trí, đặc biệt là với sách phổ biến khoa học lại càng quan trọng. Nội dung khoa học mà dịch sai thì cuốn sách còn có giá trị gì nữa. Đối với sách phổ biến khoa học, tuy để “phổ biến” khoa học, song vẫn là sách tinh hoa, do các nhà khoa học lớn viết, đề cập những ý tưởng phức tạp và trừu tượng, bất kể có dùng các thủ pháp làm đơn giản đi và dễ hiểu hơn thì cũng không thể nói là dễ đọc. Vì vậy, nếu người dịch chưa nhuần nhuyễn tiếng Việt, bản dịch sẽ lủng củng, quyển sách càng trở nên khó đọc hơn. Trong các dịch phẩm của mình, tôi đã cố gắng sử dụng một thứ tiếng Việt trong sáng mạch lạc, sao cho người đọc cảm thấy mình đang đọc một quyển sách do người Việt viết ra chứ không phải là một bản dịch. Phải chăng đó là đạt và nhã? Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng làm được như vậy, nhưng đó là mục tiêu phấn đấu của tôi. Một trong những biện pháp để tu dưỡng tiếng Việt là tôi thường xuyên đọc sách văn học, từ các tác giả thời Tự lực văn đoàn cho đến các nhà văn hiện đại. Tôi cũng đọc nhiều sách dịch với mục đích học tập nhiều hơn giải trí. Từ những năm 2000, nhiều người đã lo ngại về việc tiếng Việt được dùng bừa bãi trên các phương tiện truyền thông. Sự bùng nổ của công nghệ, Internet và sự xóa nhòa biên giới ngôn ngữ của thế giới phẳng làm vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng. Là người dịch rất yêu tiếng Việt, ông có lo ngại điều này không? - Sự vay mượn giữa các ngôn ngữ đã diễn ra từ lâu và là chuyện bình thường, nhất là các thuật ngữ khoa học. Nhưng gần đây việc sử dụng tiếng Việt trên báo chí, các đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác diễn ra khá tùy tiện cả về từ ngữ, ngữ pháp và cách diễn đạt đã phần nào làm suy giảm sự trong sáng của tiếng Việt. Ở nước ngoài, các chính phủ đều có những quy định và chính sách nghiêm ngặt về ngôn ngữ. Còn ở ta, Nhà nước có vẻ như phó mặc cho Viện Ngôn ngữ và các NXB cũng như các cơ quan báo chí, chứ không có cơ quan nào thống nhất quản lý vấn đề này. Đây là vấn đề ở tầm quốc gia, các cá nhân cũng như những con chim én không bao giờ có thể làm nên mùa xuân. Về phần mình, với tư cách là một dịch giả, tôi vẫn trung thành với quan niệm phải cố gắng sử dụng thứ tiếng Việt thuần khiết. Xin cảm ơn ông. ■ Khi gặp những đoạn văn bản khó, ông thường xử lý như thế nào? - Nói chung, những văn bản khó, ngoài tầm hiểu biết của mình thì tôi sẽ không chọn dịch. Đối với những quyển sách nằm trong tầm tay của mình mà gặp những đoạn khó, tôi thường để lại dịch sau, luôn suy nghĩ về nó, rồi những lúc rỗi rãi tôi tra cứu tìm hiểu, trò chuyện với bạn bè. Cho đến khi dịch xong quyển sách, trong óc đã hình dung được những ý tưởng chính của nó, tôi mới bắt tay thực sự vào dịch các đoạn khó đó. Khi dịch cuốn Cái vô hạn trong lòng bàn tay chẳng hạn, tôi gặp khá nhiều khái niệm của đạo Phật - một lĩnh vực mà tôi không mấy am tường. Sau khi ngẫm nghĩ một cách kỹ lưỡng, tôi nhận ra rằng đây không phải là cuốn sách viết về đạo Phật, mà chỉ là đi tìm sự tương đồng của một số quan niệm của đạo Phật và vật lý hiện đại. Hơn nữa, sách chủ yếu dành cho bạn đọc đại chúng nên tôi quyết định chỉ dùng một số thuật ngữ của đạo Phật cho có không khí, số còn lại dùng ngôn ngữ thông thường để đỡ nặng nề cho đa số bạn đọc. Tags: Trịnh Xuân ThuậnKhoa học đại chúngSách khoa họcLược sử thời gianDịch giả Phạm Văn ThiềuTủ sách Khoa học và khám pháDịch sách khoa họcXuất bản sách khoa họcGiai điệu bí ẩn
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương giữ chức Ủy viên Ban Bí thư khoá XIII.
Đón Việt kiều về ăn Tết, Tân Sơn Nhất đông như trẩy hội CÔNG TRUNG 23/01/2025 Việt kiều khắp nơi trên thế giới đổ về sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cận Tết đông như trẩy hội. Hàng ngàn người đi ra vào sân bay, chờ đợi cả ngày lẫn đêm để đón người thân từ phương xa trở về.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.