
Bác sĩ ân cần thăm hỏi bệnh nhân ở Bệnh viện Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Đ.TUẤN
Vụ việc mới nhất khiến dư luận vô cùng bức xúc khi một bác sĩ đang tập trung cấp cứu cho bệnh nhi thì bị người nhà lao vào đánh.
Cú ra đòn khiến anh rất đau nhưng người thầy thuốc vẫn bình tĩnh làm nhiệm vụ giữa vòng vây của những lời thô tục, thái độ hung hăng của thân nhân bệnh nhi.
Chưa nói đến chống trả, chỉ cần vị bác sĩ trên bỏ chạy hoặc từ chối khám bệnh, hậu quả sẽ không thể lường hết.
Trước đó, nhiều vụ tấn công bệnh nhân hoặc người nhà bằng hung khí ngay tại phòng cấp cứu. Việc này gây nên sự hoảng loạn cho cả nhân viên y tế và những người bệnh khác, ở một môi trường mà ai cũng hiểu là luôn "đi nhẹ, nói khẽ".
Các phòng cấp cứu vẫn thường ở trong trạng thái quá tải, một bác sĩ trực phải thăm khám cho nhiều bệnh nhân.
Tất nhiên, một khi phải vào đây, bệnh nhân nào cũng thuộc trường hợp "khẩn cấp", tâm lý nôn nóng của người nhà cũng thật dễ hiểu. Trong hoàn cảnh này ai cũng nóng vội, thân nhân thường sốt ruột và dễ nóng tính hơn khi phải đợi chờ.
Nhiều vụ việc nhân viên y tế bị hành hung không đến từ người bệnh mà lại xuất phát từ thân nhân. Chuyện tranh cãi, đe dọa, dùng "nắm đấm" với nhân viên y tế vẫn chưa chấm dứt chỉ vì y bác sĩ chưa kịp đáp ứng yêu cầu của thân nhân người bệnh.
Nhiều bệnh viện hằng năm đều kết hợp với lực lượng chức năng, tổ chức diễn tập xử lý tình huống giả định nhân viên y tế bị tấn công.
Nhiều biện pháp khả thi được triển khai: lắp thêm camera quan sát kết nối với công an địa phương, gắn chuông báo động, tăng nhân sự cho đội bảo vệ. Tất cả đều muốn hướng tới mục tiêu an toàn tuyệt đối trong cơ sở y tế.
Đội ngũ cán bộ ngành y thường xuyên được tập huấn văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ. Thế nhưng, mỗi ngày y bác sĩ "gặp" hàng trăm bệnh nhân lẫn người nhà, không dễ chiều lòng tất cả. Những căng thẳng và áp lực họ phải chịu đựng có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu hết.
Ai đến cơ sở y tế cũng sẽ cảm động và khen ngợi khi được nghe những ngôn từ dễ nghe từ y bác sĩ. Cho đi sẽ nhận lại, tôn trọng nhau cần có sự hài hòa từ hai phía. Một lời nói động viên khéo léo đi cùng với cử chỉ ân cần, đồng cảm cũng góp phần xoa dịu cơn đau.
Tâm nguyện lớn nhất của những người khoác áo blouse trắng chính là cứu người. Bệnh nhân và thân nhân đến khám chữa bệnh cần tuân thủ pháp luật cùng các quy định của từng cơ sở y tế. Ai cũng cần biết "kiềm chế cảm xúc" và thấu hiểu hơn công việc của y bác sĩ.
Ngành y đã triển khai đường dây nóng từ lâu, những gì cần góp ý có rất nhiều lựa chọn để gửi thông tin thay vì "vung tay" với người đang khám chữa bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận