Quần đảo phía Đông Nam Tổ quốc giờ không còn là địa ngục trần gian nữa mà là thiên đường du lịch nơi hạ giới với những cảnh đẹp ngỡ chỉ có trên tiên giới.

Những thắng cảnh trên huyện đảo Côn Đảo - Video: VY CHIẾN - MY LĂNG - THƯ TRẦN

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 2.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 3.

"Mình là người Vũng Tàu nhưng đây là lần đầu tiên đến Côn Đảo. Đã nghe từ lâu nhưng không ngờ Côn Đảo đẹp như vậy", Minh Hà, 29 tuổi, phấn khích khi hòn Cau hiện ra trước mặt. Hòn Cau là một đảo nhỏ của huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nằm cách đảo chính chỉ 30 phút đi cano, hòn Cau hoang sơ và xinh đẹp đến ngỡ ngàng. Bãi cát trắng tinh hình cánh cung nghiêng mình ôm lấy đảo. Cát cực mịn và nhỏ. Nước biển trong vắt, nhìn rõ những viên sỏi lấp loáng nắng trời dưới đáy. Trên đảo những cây cau, thân dừa cao chót vót đung đưa trong gió lộng. Những hàng phong ba sừng sững đứng chắn gió, che chở cho đảo.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 4.

Ở đây, sắc xanh ôm lấy cả trời cả đất: xanh trời, xanh biển, xanh cây, xanh lá, xanh hoa, xanh cỏ. Giữa bao la trời xanh, biển xanh, nắng vàng, cát trắng, mọi thứ nguyên sơ, thuần khiết và sạch sẽ, ngồi dưới gốc cây phong ba cổ thụ nghe sóng biển vỗ rì rào, thiên đường là đây chẳng phải đâu xa.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 5.

Hòn Cau là một trong những nơi đầu tiên được người Việt đến khai phá lập nghiệp vào những năm thế kỉ 14. Nơi đây từng giam giữ những người hoạt động cách mạng, trong đó có tù nhân sau này là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vết tích của nhà tù giờ là 4 bức tường hoang tàn, cỏ cây mọc um tùm. Trên đảo vẫn còn nhiều cây ăn quả do tù nhân trồng trong thời gian họ bị lưu đày.

Ấn tượng nhất với hòn Cau chính là bãi san hô cực kỳ đẹp. Anh Nguyễn Phùng Hùng (Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường -  Vườn quốc gia Côn Đảo) giới thiệu: "San hô ở hòn Cau đẹp quanh năm. Đến đây mà không ngắm san hô thì hối hận đấy".

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 6.

Khi nước chưa cạn, nhìn xuyên qua làn nước tôi đã "rụng tim" vì bãi san hô lung linh huyền ảo ẩn hiện bên dưới. Khi thủy triều rút, bức màn nước trong veo dần lộ ra một kiệt tác nghệ thuật vi diệu khiến tất cả chúng tôi ngỡ ngàng: những rặng san hô đủ hình thù, màu sắc đẹp đến nghẹt thở nổi lên trên mặt biển! Mọi thứ huyền ảo, vi diệu ngỡ như không có thực. 

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 7.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 8.

Nếu không phải di chuyển sang hòn Bảy Cạnh, chúng tôi chỉ muốn ở lại ngắm mãi bãi san hô ở hòn Cau. Hòn Bảy Cạnh là đảo lớn thứ hai trong 16 đảo của Côn Đảo. Hòn Bảy Cạnh rộng tới 683 ha.

Anh Phùng Hùng tự hào khoe, tháng 4-2010, hòn Bảy Cạnh và vịnh Đầm Tre là nơi hãng sản xuất phim truyền hình Adventure Line Productions của Pháp chọn để quay chương trình thực tế Koh-Lanta. Koh-Lanta là phiên bản tiếng Pháp của chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới Người sống sót.

Pháp đưa gần 100 nhân viên đến Côn Đảo lo hậu kỳ, quay phim. Thí sinh đều là người Pháp. Trong 45 ngày trên đảo, họ phải tự tìm kiếm thức ăn và nước uống để tồn tại và phải trải qua 28 trò chơi và chướng ngại vật mạo hiểm được bố trí trên bãi Đầm Trầu, bãi Vông và hòn Cau.

Đó là lần đầu tiên hãng sản xuất phim truyền hình Adventure Line Productions của Pháp tổ chức một chương trình quay phim lớn như vậy tại Việt Nam. Chương trình được dựng thành 14 tập với thời lượng từ 75 - 110 phút mỗi tập, chiếu trên kênh truyền hình TF1 của Pháp từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 10-2010.

Anh Hùng kể, sau khi chương trình này phát sóng, du khách người Pháp và các nước châu Âu đến Côn Đảo của Việt Nam nhiều hơn, khi choáng ngợp trước những hình ảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp của hòn đảo này.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 9.

Hòn Bảy Cạnh còn nhiều điều thú vị hơn thế. Đây là 1 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất. Đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có cua xe tăng. Loài cua này có màu hạt dẻ, màu vàng nhàn nhạt, càng lớn bên to bên nhỏ, kềnh càng như xe tăng. Đây là loài cua cạn to nhất Việt Nam. 

Loài cua này đào hang trên cạn vùng chân thủy triều hoặc những bãi cát, bãi sình. Loài cua này mới và lạ đến mức còn chưa có tên khoa học trong sách ở Việt Nam.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 10.

Câu mực đêm ở Côn Đảo - Video: VY CHIẾN - MY LĂNG - THƯ TRẦN

3h15 mới có rùa đẻ trứng. Dưới ánh trăng, chúng tôi lẳng lặng theo chân nhân viên kiểm lâm đi đến nơi có rùa mẹ đang đào hố. Không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Anh nhân viên kiểm lâm ra hiệu cho mọi người lại gần, cúi thấp xuống trên cát nhìn rùa đẻ trứng. Ồ. Một quả trứng, rồi hai, rồi ba... rơi xuống. Trứng rùa trắng ngần, tròn và nhỏ như quả bóng bàn. Rùa mẹ đẻ được 13 quả trứng.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 12.

Khi trời tảng sáng, chúng tôi  háo hức khi thấy trạm trưởng xách ra 2 sọt nhựa lổm ngổm hàng trăm rùa con bé xíu. Đó là số rùa con vừa nở đêm qua.  Nhiều rùa con vẫn còn ngủ kỹ, nằm im. Trạm trưởng mang hai sọt xuống biển nhúng cho bọn rùa con "tắm" biển sớm mai để chúng tỉnh dậy. Mọi người xúm lại, nâng niu từng chú rùa con đặt xuống bãi cát.

Thả rùa con về biển xong, chúng tôi đi cano sang một số hòn đảo khác. Huyện đảo Côn Đảo có 16 hòn lớn nhỏ. Đó cũng là 16 điểm du lịch với những thế mạnh riêng biệt. Như hòn Trứng, được mệnh danh là sân chim của Vườn quốc gia Côn Đảo. Anh Nguyễn Phùng Hùng bảo hàng năm từ tháng 6 đến tháng 8, nhiều loại chim biển di cư về đẻ trứng đầy trên đá, phải lấy nón lá đội tránh phân chim rơi trúng đầu!

Ngoài hòn Trứng, chúng tôi còn đi hòn Tài để xem khỉ mặt đỏ, đến hòn Bông Lan - nơi chim yến làm tổ nhiều nhất Côn Đảo và có cột mốc cơ sở. Đúng là mỗi hòn đảo đều có những nét đẹp riêng. Thế nên không ngạc nhiên khi biết năm 2011, Côn Đảo được tạp chí du lịch thế giới Lonely Planet (Anh) bình chọn  là 1 trong 10 hòn đảo lãng mạn và bí mật nhất thế giới.

Ông Nguyễn Anh Nhựt, phó chủ tịch huyện Côn Đảo, cho biết tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2019 của huyện đảo Côn Đảo đạt 277.75 tỷ đồng, tăng 13.09% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.276 tỷ đồng, đạt 92.53% kế hoạch năm. Trong 9 tháng đầu năm, Côn Đảo đón 332.083 lượt khách, tăng 41.34% so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch năm.

Côn Đảo hiện có 112 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 5 doanh nghiệp nhà nước. “Hệ thống dịch vụ lưu trú phát triển mạnh từ cuối năm 2018. Năm 2017 chỉ có hơn 20-30 cơ sở mà đến giờ gần 100 cơ sở”, ông Nhựt cho hay. 

Người dân nhập cư trên đảo cũng nhiều hơn. Ba năm trước, dân số trên đảo chỉ có 5.000 - 6.000 thì đến năm 2019 gần 10.000 người! “Những thách thức cũng phát sinh từ sự phát triển này - ông nói - Đầu tiên là việc bảo vệ môi trường. Trước đây, cứ vào mùa gió chướng, mỗi ngày Côn Đảo bị 5 tấn rác trôi tập vào. Bây giờ khi lượng khách ra đảo tăng đột biến thì rác thải do khách du lịch và tăng dân số tự nhiên là thách thức về môi trường cho Côn Đảo”.

12 huyện đảo Việt Nam

Miền Bắc: Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh)

Miền Trung: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa)

Miền Nam: Côn Đảo (Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quốc (Kiên Giang)

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 14.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 15.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 16.

Ngày thứ hai trên đảo, chúng tôi dành cả buổi sáng đi thăm hệ thống di tích nhà tù nổi tiếng thời chiến tranh với "chuồng cọp" kiểu Pháp, "chuồng cọp" kiểu Mỹ... Nơi đâu cũng khiến người nghe nổi da gà khi nghe những câu chuyện về sự tàn bạo khủng khiếp ở nơi ngày xưa là "địa ngục trần gian". Ám ảnh nhất là khi đến di tích Chuồng Bò, thật ra giờ chỉ còn lại một phần nào bức tường. Chẳng ai ngờ, những hầm tối ngập phân bò ở đây lại là "phòng biệt giam" mà bọn cai ngục nghĩ ra để tra tấn các tù nhân.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 17.

Ở trại giam Phú Hải - một trong những trại giam lớn và cổ nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng, tôi nhìn thấy một phế tích chỉ còn lại mấy bức tường, được giới thiệu là nơi ngày xưa thực dân Pháp đày ải người tù với hình thức đập những tảng đá to thành đá nhỏ. Năm 1908, người chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đã bị phạt lao động khổ sai ở khu đập đá này. Và đây là nơi ông đã sáng tác bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" đầy khí phách.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 18.

Với hệ thống di tích nhà tù đặc biệt cấp quốc gia, Côn Đảo còn có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh. Người ta bảo đến Côn Đảo mà không ra nghĩa trang Hàng Dương, không đi viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu thì coi như chưa đến Côn Đảo. Mua một bó hoa cúc trắng, chúng tôi đợi tới chừng 22h mới ra nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang ban đêm không có cảm giác âm u, tối tăm đáng sợ vì khắp nơi đều có đèn chiếu sáng và rất nhiều người đến viếng những người anh hùng.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 19.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 20.

Tới Côn Đảo, vừa hóng gió vừa ngắm máy bay - Video: VY CHIẾN - MY LĂNG - THƯ TRẦN

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 22.

Viếng nghĩa trang Hàng Dương xong chúng tôi đi bộ về thay vì đi taxi. Đêm tối ở Côn Đảo thích nhất là sự bình yên. Xe máy để đầy ngoài đường cũng không sợ mất. Đêm ở hòn đảo linh thiêng này tĩnh lặng, không ồn ào, không nhạc bar sập xình, không karaoke ầm ĩ... Nhưng khu ăn uống ở chợ đêm (đường Phạm Văn Đồng) nhộn  nhịp khách.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 23.

Nếu ban ngày, khách đổ đến các quán hải sản trên đường Nguyễn Huệ như Hai Đình, Tri Kỷ, Thu Tâm, Ớt, Cánh Buồm… thì buổi tối, gần như du khách dồn về đây. Hải sản Côn Đảo tươi ngon nhưng giá cả đắt đỏ. Chú Hồ Ngọc Thành, một người dân bản địa, thừa nhận: "Hải sản Côn Đảo ngon nhưng không rẻ, vì cung không đủ cầu. Khách du lịch ra nhiều quá, từ tháng 3 đến tháng 5 là dịp cao điểm, cứ một ngày đón 2.500 - 3.000 khách. Dịp 30-4, 1-5 thì 6.000 - 7.000 người. Giờ người dân đảo cũng phải ăn với giá du lịch. Xưa một ngày đi chợ chỉ cần 100.000 đồng mua thoải mái nhưng giờ 200.000 đồng không đủ".

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 24.

Không chỉ ăn uống đắt đỏ, giá thuê phòng nhà nghỉ, khách sạn ở Côn Đảo cũng cao, trung bình 600.000 đồng cho phòng một người và 800.000 đồng phòng hai người! Chi phí dịch vụ đắt đỏ nhưng bù lại, người dân ở đảo rất dễ thương, hay cười và lành tính.

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 25.

Đi chợ lúc bình minh - Video: VY CHIẾN - MY LĂNG - THƯ TRẦN

Chia tay Côn Đảo, cứ nhớ mãi những buổi tối bình yên, những ngôi nhà cổ mái ngói rêu phong, hàng cây bàng cổ thụ, con đường lãng mạn với hoa lau, cỏ xanh dọc dài uốn lượn quanh đảo từ bến tàu về đến trung tâm huyện đảo, nhớ mãi bàn chân trần đi trên cát trắng mịn và cả cái run run khi thả từng chú rùa con về biển, hy vọng một sự sống sẽ lớn dần cho đến ngày quay về bờ, sản sinh ra những thế hệ rùa biển tiếp nối...

Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 27.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 28.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 29.
Đến Côn Đảo ngắm sắc xanh ôm cả đất trời - Ảnh 30.

MY LĂNG
DUYÊN PHAN
VY CHIẾN - MY LĂNG - THƯ TRẦN
Kiều Nhi
Bảo SuZu
2-12-2019
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0