03/04/2025 13:29 GMT+7

Đề xuất cơ chế 'một cửa' cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM

Cơ chế 'một cửa' dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể gỡ rào cản thủ tục, tăng tốc độ xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp từ những bước ban đầu.

Đề xuất cơ chế 'một cửa' cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - chia sẻ về một số ý tưởng hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Sáng 3-4, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM đến năm 2030.

Nộp - nhận hồ sơ một lần

Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết nghị quyết 57 là cú hích quan trọng giúp TP.HCM có thêm cơ sở chính trị, pháp lý để hiện thực hóa chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, thành phố xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo trong kỷ nguyên tiếp theo.

"TP.HCM rất cầu thị và mong muốn lắng nghe từ chính những người trong cuộc, những chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, để hiểu rõ thành phố nên đi theo hướng nào, chọn giải pháp nào và ưu tiên lĩnh vực nào nhằm đi nhanh và hiệu quả hơn", ông Thắng nói.

Theo bảng xếp hạng của Startup Link, hiện TP.HCM đang đứng vị trí thứ 111 trong số 1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Tuy nhiên theo ông Thắng, mục tiêu mà TP.HCM hướng tới không đơn thuần là thứ hạng, mà quan trọng hơn là cải thiện toàn diện môi trường đầu tư.

Để làm được như vậy, TP.HCM sẽ tập trung vào ba trụ cột: chính sách - hạ tầng - nguồn nhân lực.

Về chính sách, ông Thắng cho rằng TP.HCM cần có những cơ chế thực sự mang tính "hấp dẫn", chứ không chỉ dừng lại ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Một trong những ý tưởng đang được thành phố nghiên cứu là mô hình "một cửa" chuyên biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, bất kỳ cá nhân hay nhóm nào có nhu cầu thành lập start-up sáng tạo tại TP.HCM sẽ chỉ cần đến một điểm tiếp nhận duy nhất, nơi có cán bộ chuyên trách làm đầu mối liên kết với các sở, ngành liên quan để giải quyết mọi thủ tục.

Theo ông Thắng, "một cửa" không phải là vào một phòng có đầy đủ đại diện của các sở cùng ngồi để rồi doanh nghiệp vẫn phải thông qua từng người. Thay vào đó, mô hình này hướng tới là một người tiếp nhận, theo dõi và chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ quy trình. Doanh nghiệp nộp hồ sơ một lần và nhận kết quả tại một nơi duy nhất.

Để vận hành được cơ chế này, ông Thắng nhấn mạnh TP.HCM sẽ phải tổ chức lại toàn bộ quy trình làm việc, quy định hành chính và phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các đơn vị, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và thực chất.

Về hạ tầng, TP.HCM xác định cần đầu tư không những vào không gian làm việc, mà còn xây dựng mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, quỹ đầu tư và đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn hệ sinh thái.

Về nguồn nhân lực, TP.HCM đang phối hợp với các trường đại học triển khai chương trình lớn mang tên "Đại học Khởi nghiệp", nhằm trang bị cho sinh viên tinh thần, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sở Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành chính sách hỗ trợ với các tiêu chí cụ thể, trong khi các trường đại học là đơn vị trực tiếp vận hành.

Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch bồi dưỡng và nâng cao năng lực khởi nghiệp cho người lao động và cộng đồng doanh nhân hiện hữu, thông qua việc kết nối với các cơ sở đào tạo, chương trình chuyên sâu và cơ chế hỗ trợ linh hoạt, thực chất.

Học bổng học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên

Tại hội thảo, ông Trần Ninh Đông, quyền trưởng phòng quản lý sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết từ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp theo nghị quyết 20/2023 của HĐND TP.HCM, sở đã triển khai tiếp nhận hai đợt hồ sơ với tổng cộng 40 hồ sơ đăng ký trong năm 2024.

Qua đó, 233 dự án đã được tuyển chọn để hỗ trợ, bao gồm 209 dự án trong giai đoạn tiền ươm tạo và ươm tạo, cùng 24 dự án tăng tốc. Tổng kinh phí hỗ trợ dành cho các dự án này là hơn 22 tỉ đồng.

Góp ý thêm cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM, ông Trần Duy Khiêm, đại diện Quỹ đầu tư Expara (Singapore) tại thị trường Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã từng hợp tác với ba trường đại học trong chương trình thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học, nhưng kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Ông Khiêm cho rằng cần có những chương trình chuyên sâu hơn, kết nối thực chất hơn giữa khối đại học và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Khắc Việt Bách, giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase, bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt chương trình đào tạo chuyên sâu cho khởi nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Bách, hiện tại phần lớn các hoạt động vẫn chỉ dừng ở mức workshop ngắn hạn trong các trường đại học, trong khi nguồn lực đào tạo bài bản và dài hạn vẫn còn rất hạn chế, nhất là khi so với các nước phát triển như Mỹ hay Singapore.

"Nhà nước có thể cấp học bổng cho các trường đại học để mở các chương trình đào tạo quốc tế chuyên sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những sinh viên nhận học bổng cần cam kết sẽ khởi nghiệp trong nước sau khi tốt nghiệp, để tạo ra một hệ sinh thái có chiều sâu và mang tính bền vững", ông Bách đề xuất.

Đề xuất cơ chế 'một cửa' cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM - Ảnh 4.TP.HCM tăng cường hợp tác với Anh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Bản ghi nhớ được Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM ký kết với Anh ngày 27-3 tạo cơ sở pháp lý cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên