01/04/2025 16:23 GMT+7

Đề xuất cấp phiếu cho người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội

Đừng bắt chủ đầu tư xếp hàng chờ xét duyệt hồ sơ bán nhà ở xã hội, cơ quan quản lý địa phương nên xét duyệt đối tượng mua, ai đủ điều kiện thì cấp phiếu để họ đăng ký mua nhà ở bất cứ dự án nào.

Đề xuất cấp phiếu cho người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội - Ảnh 1.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại tọa đàm ngày 1-4 - Ảnh: B.NGỌC

Ông Lê Văn Bình - phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - đề xuất tại tọa đàm giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, do báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt tổ chức ngày 1-4 tại Hà Nội.

Chờ xét duyệt hồ sơ bán nhà xã hội rất vất vả

Cho rằng thủ tục phê duyệt đầu tư, mua bán nhà ở xã hội còn nhiều phức tạp, ông Bình kiến nghị nên đơn giản thủ tục cấp phép đầu tư, phê duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội để rút ngắn thời gian đầu tư, giảm chi phí đầu tư dự án.

"Việc bắt chủ đầu tư dự án phải xếp hàng chờ xét duyệt hồ sơ bán nhà ở xã hội rất vất vả, không chuyên nghiệp, nên quy định theo hướng người đủ tiêu chuẩn, được cơ quan nhà nước cấp phiếu có thể đến đăng ký mua nhà ở xã hội ở bất cứ dự án nào và phiếu mua nhà chỉ được đăng ký mua một lần", ông Bình nói thêm.

Cùng quan điểm này, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - nhấn mạnh quy trình thủ tục xét duyệt dự án nhà ở xã hội thay vì 4 năm như thời gian qua nên rút xuống 1 năm, nếu giảm được 70% thủ tục đầu tư dự án sẽ tốt hơn việc tăng định mức lợi nhuận dự án từ 10% lên 13% đang được đề xuất.

Tuy nhiên ông Lực cũng thừa nhận thủ tục với đầu tư dự án nhà ở xã hội đã đơn giản hơn sau khi sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các văn bản liên quan. Cụ thể thủ tục mua nhà đã đơn giản hơn, người mua không cần xác nhận nơi ở, định mức thu nhập để mua nhà ở xã hội cũng tăng từ 11 triệu đồng/tháng lên 15 triệu đồng/tháng với cá nhân mua nhà, với cặp vợ chồng mua nhà định mức thu nhập cũng được nâng lên 30 triệu đồng/tháng.

Vấn đề các địa phương còn vướng hiện nay trong xác nhận đối tượng mua nhà ở xã hội, theo ông Lực, là xác nhận thu nhập của lao động tự do có nhu cầu mua nhà.

Và để rút ngắn thời gian triển khai các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang đề xuất chỉ định chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới, thay vì đấu thầu lựa chọn đầu tư kéo dài như hiện nay.

nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Dự án nhà ở xã hội Ecohome 3, TP Hà Nội - Ảnh: B.NGỌC

Vì sao nhà ở xã hội mỗi nơi một giá?

Trao đổi tại tọa đàm về vấn đề vì sao các dự án nhà ở xã hội được ưu đãi như nhau nhưng mỗi nơi một giá, ông Chử Văn Hải - trưởng phòng phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết theo quy định, giá bán nhà ở xã hội được xác định dựa trên chi phí đầu tư xây dựng cộng thêm lợi nhuận định mức 10%. Mức giá này được cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thẩm định.

Ông Hải nói thêm: Nhà ở xã hội theo quy định là nhà chung cư, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đều áp dụng quy chuẩn 04/2021 và các quy chuẩn khác có liên quan. Nhà ở xã hội so với nhà ở thương mại chỉ khác nhau là khống chế về diện tích căn hộ để giảm giá bán.

Cùng với đó, dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ban hành một số cơ chế chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn phải đảm bảo giống nhà ở thương mại, đầy đủ hạ tầng giao thông, xã hội.

"Giá thành là chi phí đầu tư xây dựng được tính toán theo quy định của pháp luật. Việc giá bán nhà ở xã hội có sự chênh lệch giữa các dự án là do sự khác nhau về yêu cầu thiết kế, quy mô dự án. Ngoài ra nếu sử dụng thiết kế mẫu, nhà lắp ghép giá sẽ còn khác biệt nữa", ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm trước đây giá nhà ở xã hội dưới 20 triệu đồng/m2, nhưng nay tăng lên khoảng 25 triệu đồng/m2 là do ảnh hưởng từ chi phí nhân công và giá vật liệu đầu vào tăng.

Trong khi ông Lực lại cho rằng: "Mặc dù chúng ta đưa ra định mức lợi nhuận với dự án nhà ở xã hội là 10%, nhưng cực kỳ khó để xác định khi nào doanh nghiệp vượt định mức lợi nhuận. Công thức, cách làm có vẻ chưa hiệu quả, vì vậy tôi nghĩ sang phương án khác, có thể khống chế giá trần nhưng không phải vô tội vạ".

Theo ông Lực, một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà ở tăng trong thời gian qua là do quá khan hiếm nguồn cung. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Lực nên gỡ vướng cho khoảng 1.500 dự án bất động sản đang bị "treo" trên cả nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chuyển đổi nhà ở thương mại đang bị bỏ hoang chuyển sang làm dự án nhà ở xã hội.

Cục phó đề xuất cấp phiếu cho người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội - Ảnh 3.Lập đoàn kiểm tra hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội năm 2025 trên cả nước

Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của các địa phương trong năm 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên