14/05/2025 15:59 GMT+7

Đề xuất cán bộ dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Theo dự luật đề xuất cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng có thể được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

gìn giữ hòa bình - Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 14-5, Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã trình Quốc hội dự Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Mở rộng đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Đại tướng Phan Văn Giang cho biết tháng 6-2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 13 sĩ quan công an) đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNMISS (Nam Sudan), phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), phái bộ EUTM-RCA (phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại CH Trung Phi) và trụ sở Liên hợp quốc.

Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ, chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ dự luật quy định nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách.

Hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đối tượng gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Ngoài ra còn có cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Như vậy dự luật đã mở rộng phạm vi đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Theo cơ quan soạn thảo, tại một số cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo Liên hợp quốc đã đề nghị Việt Nam cân nhắc mở rộng lực lượng, phạm vi, địa bàn, đối tượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, bao gồm cả các vị trí lãnh đạo dân sự, chuyên gia dân sự tại các phái bộ thực địa và các vị trí dân sự tại Ban thư ký Liên hợp quốc.

Qua đánh giá, việc cử các thành viên dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích tiềm năng.

Việc bổ sung thành viên dân sự sẽ giúp huy động thêm nguồn nhân lực để tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Nhất là các vị trí lãnh đạo, các vị trí tại các cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, qua đó giúp mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự kiến các hành vi bị nghiêm cấm

Dự luật quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trên thực tế, ý thức dân tộc, ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật của các cá nhân, đơn vị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc rất tốt.

Tuy nhiên xuất phát từ vị trí, vai trò của lực lượng này là đại diện cho Việt Nam, do đó cần thiết có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vì an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và uy tín Việt Nam với quốc tế.

Thẩm tra về dự án luật, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nêu rõ cơ bản nhất trí việc bổ sung đối tượng áp dụng là "cán bộ, công chức, viên chức nhà nước" tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tuy là nội dung mới nhưng phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các quy định của Liên hợp quốc về cử viên chức dân sự...

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chung về lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

Gồm lực lượng trực tiếp và lực lượng gián tiếp. Việc này làm cơ sở cho việc quy định chế độ, chính sách được đầy đủ, đúng đối tượng và thành phần tham gia.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ, phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội mở rộng đối tượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình - Ảnh 3.Đại biểu đề xuất HĐND không bầu chức danh chủ tịch UBND

Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề xuất quy định HĐND tỉnh không bầu chức danh chủ tịch UBND mà có thể giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên