Trạm y tế đồng loạt “đổ bệnh” Phân trạm y tế bị bỏ hoangĐồng Tháp: nhiều trạm y tế thiếu thuốc chữa bệnh
Bác sĩ Tân Văn Chiều (trạm y tế P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) cho biết khi làm việc tại trạm y tế, bác sĩ có nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân của mình - Ảnh: Ngọc Nga |
Trong khi đó đến đầu tháng 6, hầu như các huyện ngoại thành tại TP.HCM đã triển khai khám bệnh BHYT ở 100% trạm y tế xã.
Đóng cửa vì không có bệnh nhân
"Để thu hút người dân về khám BHYT ở trạm y tế phường, một số bệnh viện quận đã đưa bác sĩ về trạm y tế khám bệnh. Ngành y tế TP cũng đã có chủ trương đưa bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi về trạm y tế nên thời gian tới người dân sẽ đăng ký khám BHYT ở trạm y tế phường nhiều hơn" BàLƯU THỊ THANH HUYỀN |
Sáng 11-6 phòng khám BHYT trạm y tế P.11, Q.Bình Thạnh đóng cửa vì không có bệnh nhân. Y sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, trưởng trạm y tế P.11, cho biết trạm triển khai khám BHYT cho bệnh nhân từ tháng 10-2011 nhưng đến tháng 9-2013 đã ngưng khám. Lý do là thời gian này người đăng ký khám BHYT ban đầu tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh nhưng đến khám ở trạm y tế bị coi là trái tuyến, phải đóng tiền khám. Trong khi trạm y tế chưa có mã vạch thẻ riêng nên người dân chưa thể đăng ký khám BHYT tại phường. Từ đầu tháng 5-2014, trạm y tế P.11 có mã vạch thẻ riêng và khám bệnh BHYT trở lại nhưng chỉ có... 120 người đăng ký khám bệnh BHYT tại phường.
Y sĩ Nguyệt khẳng định khi các trạm y tế phường thu hút được bệnh nhân BHYT đến khám chắc chắn sẽ giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Mặc dù khám tại phường có nhiều thuận lợi như gần nhà, không phải chờ đợi lâu, nhân viên y tế phục vụ tận tình, nhưng do thiếu thuốc, chưa có máy siêu âm, chưa có máy xét nghiệm cơ bản nên không thể thu hút được người dân. Đến nay sau hơn một tháng triển khai, trạm y tế P.11 chỉ có 17 bệnh nhân đến khám, trong đó phải chuyển 15 bệnh nhân đến Bệnh viện Q.Bình Thạnh vì trạm không đủ thuốc cho các bệnh chuyên khoa.
Ông Nguyễn Văn Mứng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Bình Thạnh, cho biết Bình Thạnh có ba trạm y tế phường (P.11, P.21, P.24) khám BHYT cho người dân nhưng chưa thu hút được người dân đến khám.
Tạo niềm tin cho người dân
Sở Y tế TP cho biết đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực y tế cho trạm y tế nhằm củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Sở Y tế cũng thực hiện chính sách đãi ngộ thu hút cán bộ y tế đến công tác tại tuyến y tế cơ sở... Ngoài ra, Sở Y tế TP đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP thẩm định và cấp mã số khám chữa bệnh cho 82 trạm y tế (21%) để khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời Sở Y tế TP đã thẩm định đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT ban đầu cho 176/318 trạm y tế tại 24 quận, huyện. |
Bệnh viện Q.Thủ Đức là một trong những đơn vị tích cực phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức triển khai BHYT về bốn trạm y tế phường Bình Chiểu, Linh Xuân, Linh Tây và Hiệp Bình Phước từ cuối năm 2013. Bà Trương Thị Tuyến, trưởng trạm y tế P.Linh Xuân, cho biết một tháng qua trạm chỉ tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân BHYT đến khám. Tại trạm y tế P.Bình Chiểu, sau gần một tháng thực hiện cũng mới có gần 50 bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, theo trưởng trạm y tế phường, tiềm năng để nơi này thu hút bệnh nhân BHYT rất lớn vì trạm đã có các thiết bị y tế cơ bản như máy xét nghiệm, máy chụp X-quang, máy đo điện tim, máy đo đường huyết, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân. Bác sĩ Tân Văn Chiều của Bệnh viện Q.Thủ Đức về khám ở trạm y tế P.Bình Chiểu cho biết bệnh nhân BHYT đến khám tại trạm sau đó quay lại khám lần hai, lần ba khá đông. Họ khá hài lòng vì đi gần, không phải chờ đợi lâu, lại được tư vấn kỹ lưỡng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức, cho biết khó khăn lớn nhất khi đưa BHYT về trạm y tế phường là thiếu nhân lực. Thường mỗi trạm y tế chỉ có một bác sĩ trong khi công việc lại quá nhiều. “Chúng tôi phải có chính sách ưu tiên để khuyến khích bác sĩ về trạm y tế. Đây là bước đi đầu tiên để tạo niềm tin cho người dân” - bác sĩ Quân nói.
Phải đầu tư thêm thiết bị y tế Bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết hiện trạm y tế xã thu hút được bệnh nhân BHYT nhiều hơn trạm y tế phường là do nhân lực nhiều hơn, trạm có bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, dược tá. Ngược lại, cơ sở vật chất ở trạm y tế phường phần lớn chưa khang trang, rộng rãi. Ngoài ra, số cơ sở y tế trên mỗi địa bàn quận cũng tập trung quá nhiều nên người dân không muốn đến trạm y tế phường. Theo bà Huyền, các trạm y tế phường cần phải đầu tư thêm máy siêu âm, máy xét nghiệm thường quy, máy đo đường huyết... giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác thì người dân mới tin tưởng. Ngoài ra, quy định khám chữa bệnh BHYT cần được thông thoáng hơn và cho phép trên cùng một địa bàn quận, huyện thì người dân dù đăng ký BHYT ban đầu ở trạm y tế hay bệnh viện quận, huyện cũng được quyền lựa chọn khám ở một trong hai nơi này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận