Sau những vụ phóng viên tống tiền doanh nghiệp vừa xảy ra, bạn đọc Trần Trấn Giang (Cần Thơ) cho rằng đã đến lúc các cơ quan báo chí cũng như quản lý báo chí trả lời rốt ráo các câu hỏi trên để người dân củng cố niềm tin vào nghề báo.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết này.
"Chỉ mới vài hôm trước thôi, cả nước xúc động trước những hình ảnh các phóng viên phải bỏ máy ảnh, máy quay phim để cùng lực lượng cứu nạn vận chuyển lương thực, thuốc men qua những đoạn nước sâu chảy xiết vô cùng nguy hiểm tại các vùng bị lũ quét, lũ ống ở Yên Bái, Sơn La...
Trước đó, công chúng vẫn lưu giữ hình ảnh rất nhiều nhà báo chân chính dù bị bọn xấu hành hung gây thương tích vẫn kiên trì với nghề; những nhà báo đang vất vả trước cuộc mưu sinh nhưng vẫn vượt qua cám dỗ vật chất đời thường để làm tròn nhiệm vụ mà xã hội đã phân công.
Vậy mà mới đây lại xảy ra việc Công an Cần Thơ bắt giữ một nhà báo nữ vì hành vi tống tiền doanh nghiệp. Trước đó vài ngày, một nhà báo bị phát hiện với hành vi cưỡng đoạt tài sản ở một tỉnh miền Trung; hơn một tháng trước là trưởng ban chuyên môn một tờ báo điện tử ở Hà Nội bị bắt giữ vì hành vi tống tiền ở Yên Bái...
Mới đây, một tờ báo thuộc lĩnh vực nông nghiệp thông tin: có một số nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã bị vài nhà báo tìm đến yêu cầu ký hợp đồng làm phim tư liệu, viết bài “lăngxê”... với giá trên trời. Đây có phải là một hình thức “tống tiền” công khai dưới dạng hợp đồng quảng bá?
Những hành vi phạm pháp đã được phát hiện đó chắc rồi sẽ bị nghiêm trị thích đáng. Vấn đề còn lại là hệ lụy của các hành vi đó gây ra có thể phần nào sẽ làm xói mòn niềm tin của cộng đồng với đội ngũ người làm báo, thay vào đó là những ánh mắt đầy nghi ngờ.
Tôi đã nghe một số nhà báo than thở: những nhà báo “nhúng chàm” ấy đã bôi nhọ danh dự, uy tín của chính họ; của đồng nghiệp, của cả nghề báo. Và hành động ấy là rào cản rất lớn cho bước tác nghiệp tiếp theo của những nhà báo đang ra sức hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nhưng tôi cũng mừng khi nghe nhà báo khác nói rằng những người vi phạm pháp luật đó chỉ lợi dụng danh nghĩa nhà báo chứ không phải nhà báo thật, nên không ảnh hưởng gì đến uy tín nhà báo chân chính...
Vẫn biết ngành nghề nào cũng có những "con sâu". Song với nghề báo, nghề của công chúng, những "con sâu" được quan tâm rất lớn.
Làm sao để loại bỏ hết những “con sâu” trong làng báo? Làm sao để những người làm báo chân chính không bị đánh đồng với những kẻ chỉ muốn trục lợi từ nghề báo?
Câu hỏi đau đáu đó của nhiều người còn giữ niềm tin vào nghề báo phải được các cơ quan báo chí cũng như quản lý báo chí trả lời rốt ráo".
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận