
N.V.T. tại cơ quan công an - Ảnh: Công an Nam Định
Công an tỉnh Nam Định cho biết ngày 7-5 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự N.V.T. (33 tuổi, trú tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi "gây rối trật tự công cộng".
Nam thanh niên ở Nam Định đánh điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị tạm giữ hình sự là hệ lụy của cái đầu nóng trong giây phút không giữ được mình, đồng thời cũng là bài học để cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành y tránh rủi ro không cần thiết cho cơ quan, gia đình và bản thân.
Trả giá đắt cho phút giây nóng giận
Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, nhân viên y tế bị con trai bệnh nhân chửi mắng và đánh vào đầu, mặt là nam điều dưỡng N.V.H., công tác tại khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.
Báo cáo của bệnh viện cho biết từ ngày 25-4, ông N.V.K. (68 tuổi) đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường trong tình trạng viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường, suy thận. Tình trạng không cải thiện, ông được chuyển tuyến lên khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Sáng 4-5, bệnh nhân kêu mệt, khó thở. Bác sĩ kiểm tra, huyết áp không đo được, chuyển người bệnh đến khoa hồi sức tích cực - chống độc. Đến 6h30 cùng ngày, bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở. Khoảng 30 phút sau người bệnh có mạch trở lại.
Khoảng 7h50, người nhà bệnh nhân xông vào đánh chửi, mắng bác sĩ. Tuy nhiên ê kíp vẫn tiếp tục cấp cứu cho bệnh nhân. Đến 15h40, người bệnh tiếp tục ngừng tim lần 2, được cấp cứu tích cực. Khoảng 16h20, người bệnh hôn mê, tim nhịp nhanh, phổi thông khí đều, bụng mềm, gia đình viết đơn xin ra viện.
Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, sáng 4-5 nam điều dưỡng N.V.H. được phân công xuống khoa hồi sức tích cực - chống độc để hoàn thiện thủ tục bàn giao và hỗ trợ người nhà bệnh nhân. Sau đó anh bị người thân bệnh nhân chửi mắng và đánh vào đầu, mặt.
Kíp trực đã đưa nam điều dưỡng đi khám và mời cơ quan công an vào làm việc. Nam điều dưỡng sau đó được điều trị tại khoa ngoại thần kinh của bệnh viện với chẩn đoán chấn thương đầu, mặt.
Lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra của N.V.T. cho thấy nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do anh ta cho rằng điều dưỡng viên H. đã chậm trễ trong việc can thiệp y tế khi tình trạng của bố anh ta chuyển biến xấu.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nhân viên y tế bị hành hung. Trước đó rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra mà nạn nhân chính là các bác sĩ, nhân viên y tế, những người trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân.
Điển hình ngày 25-4 tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Khuất Văn Sinh (sinh năm 1984, trú tại khu 24, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe của nhân viên y tế.
Theo cơ quan công an, ông Sinh có con trai là K.B.L. (sinh năm 2013) bị tai nạn giao thông phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba. Trong khi các y, bác sĩ đang tiến hành cấp cứu cháu L., ông Sinh đã đạp vào bụng một nam điều dưỡng trong ê kíp, gây bức xúc dư luận. Trong khi đó các y, bác sĩ vẫn tiếp tục quá trình cấp cứu và đã cứu được cháu bé.
Làm gì để "hạ nhiệt" những cái đầu nóng
Theo cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế Hà Anh Đức, những vụ việc nhân viên y tế bị đánh gần đây đều diễn ra ở khu vực đang điều trị, có người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh giải quyết thấu đáo các khúc mắc có thể xảy ra từ phía nhân viên y tế, như cải cách thêm ở khâu tiếp xúc, giải thích cho người bệnh, nâng chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh hơn nữa, các bệnh viện cũng không nên để thân nhân người bệnh vào các khu vực cấp cứu, làm thủ thuật cho người bệnh vì trong lúc chờ đợi có thể phát sinh những hiểu lầm không đáng có, qua đó cũng tránh nguy cơ xảy ra xung đột.
Bên cạnh đó cũng cần tăng cường khâu an ninh tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn cho y, bác sĩ, giúp họ yên tâm hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Tại TP.HCM những năm qua ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Thực tế cho thấy số vụ việc gây rối mất trật tự, tấn công y, bác sĩ nhất là khu vực cấp cứu, đã giảm hẳn.
Cụ thể, năm 2019 để giải quyết nỗi lo chung của các bệnh viện khi có sự cố mất an ninh, trật tự trong bệnh viện dù đã có bảo vệ, ngành y tế đã thiết lập "hàng rào an ninh" phản ứng khẩn cấp khi có sự cố chính là hệ thống "Code grey". Hệ thống này được Bệnh viện Nhân dân Gia Định nghiên cứu áp dụng từ năm 2019, sau đó được Sở Y tế TP nhân rộng ra các cơ sở y tế trên địa bàn TP.
Điểm đặc biệt là khi kích hoạt hệ thống thì ngay lập tức các lực lượng được phân công nhiệm vụ từ bảo vệ đến các chuyên trách an ninh, trật tự trong bệnh viện, đến sự chi viện và hỗ trợ kịp thời của công an sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hệ thống "Code grey" đã được ngành y tế áp dụng nhiều năm nay với sự phối hợp giữa địa phương, công an và bệnh viện. Thực tế cho thấy những năm qua số vụ việc gây mất trật tự tại các cơ sở y tế giảm hẳn.
Điển hình là tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong năm 2019 đã có 31 trường hợp gây rối trật tự (mức độ 1) được đội an ninh bệnh viện xử lý nhanh chóng và 2 trường hợp gây rối có nguy cơ đe dọa, hành hung, có sử dụng hung khí như dao nhọn (mức độ 3), tất cả đều được xử lý nhanh gọn, hiệu quả, không gây tổn hại về con người và tài sản nhờ "Code grey".
Không chỉ vậy, ngành y tế TP còn yêu cầu các bệnh viện tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu, thay vào đó cho nhập viện nếu có đủ tiêu chuẩn nhập viện hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn (vài giờ) đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện.
"Nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ"
Ngành y tế TP đã áp dụng "nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ" là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa cấp cứu và phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu.
Ngoài ra, các bệnh viện đã tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa cấp cứu giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết. Trực lãnh đạo bệnh viện chủ động điều phối tăng cường nhân viên cho khoa cấp cứu trong tình huống số lượng bệnh nhân tăng đột ngột (như ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích...).
Đặc biệt là tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ của bệnh viện có chốt trực tại khoa cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định "1 người bệnh, 1 thân nhân", bố trí tủ để vật dụng có khóa cho thân nhân người bệnh gửi vật dụng mang theo trước khi vào khu vực buồng bệnh.
Nhân viên bảo vệ có trách nhiệm kết nối ngay với công an phường nơi bệnh viện trú đóng để được hỗ trợ kịp thời khi phát hiện có tình huống gây rối hoặc đe dọa nhân viên y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận