![Đế chế đồ chơi sưu tầm ở Trung Quốc - Ảnh 1. Đế chế đồ chơi sưu tầm ở Trung Quốc - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/chia-3-copy-17390577407441119842034.jpg)
Từ trái qua: Chương Đình, Vương Ninh, Từ Hào - Ảnh: PHOENIX WEEKLY, THE PAPER
Những ông chủ đứng sau các thương hiệu đồ chơi sưu tầm gây tiếng vang như Baby Three, Brick Studio và Pop Mart còn rất trẻ và đều trải qua quá trình khởi nghiệp đầy gian nan trước khi đạt thành công vang dội.
Baby Three của Chương Đình
Ở tuổi 32, ông chủ Big Beautiful (công ty sản xuất đồ chơi sưu tầm Baby Three) Chương Đình là minh chứng cho sự kiên trì và liều lĩnh.
Bỏ học năm 16 tuổi, anh lao vào các xưởng sản xuất ở Chiết Giang với mức lương chỉ 300 nhân dân tệ (41 USD)/tháng, rồi chuyển sang làm bếp suốt ba năm trước khi tự khởi nghiệp.
Ở tuổi 21, Chương thử sức với đủ nghề từ bán cơm chiên, bán đồ lót vỉa hè đến mở nhà hàng, nhưng thiếu kinh nghiệm quản lý khiến nhà hàng đóng cửa sau nửa năm.
Năm 2017, Chương kiếm hàng triệu tệ từ kinh doanh tại Nam Kinh, nhưng thất bại năm 2019 khiến anh mất trắng nhà cửa, nợ nần chồng chất, vợ ly hôn.
Gia đình giục tìm việc ổn định, nhưng với Chương Đình, "đi làm thuê là điều không thể, trừ khi tôi thực sự không còn gì để ăn", anh nói trong buổi phỏng vấn với tạp chí Phoenix Weekly.
Bước ngoặt đến khi video chia sẻ tài chính trên nền tảng Douyin (TikTok Trung Quốc) của anh đạt 17 triệu lượt xem. Nhận ra tiềm năng, Chương vay 50.000 nhân dân tệ (6.860 USD) đến Nghĩa Ô tìm nguồn hàng. Tình cờ phát hiện hộp mù, anh Chương nhập thử và bất ngờ "cháy hàng" sau một đêm.
Thừa thắng xông lên, Chương lập Công ty Cực Xinh Đẹp (Big Beauty), cái tên do người theo dõi đặt, nhắc đến lời hứa "không thành công không cắt tóc" của anh.
Không có tiền quảng cáo, Chương tận dụng livestream (phát trực tiếp). Ban đầu anh thuê MC, nhưng sau đó quyết định tự làm để giảm chi phí, anh Chương phát trực tiếp hơn 10 giờ/ngày. Nhờ vậy, Big Beauty nhanh chóng xây dựng thương hiệu riêng, trở thành một trong những cái tên nổi bật trong ngành.
Nhìn lại những năm tháng khởi nghiệp, Chương Đình cảm thấy vô cùng may mắn khi anh có cơ hội sớm tích lũy lượng người theo dõi trên Douyin, đồng thời bắt kịp xu hướng kinh doanh hộp mù.
Sau hai năm làm người bán hàng trực tiếp qua livestream, Chương Đình đã tự mình mở rộng và phát triển. Anh đã phá vỡ giới hạn bằng cách tự thiết kế các sản phẩm hộp mù. Sản phẩm nhận vật sở hữu trí tuệ (IP) đầu tiên do anh thiết kế là nhân vật búp bê 3 tuổi được đặt tên là Baby Three.
Brick Studio và Pop Mart
Khác với Chương Đình, Từ Hào (31 tuổi) bước vào ngành công nghiệp đồ chơi với một xuất phát điểm hoàn toàn khác khi anh học tiến sĩ đồ họa máy tính từ Đại học Trung văn Hong Kong.
Năm 2020, Từ Hào và hai người bạn giành giải nhất trong một cuộc thi đổi mới sáng tạo toàn cầu, được đích thân nhà đầu tư huyền thoại Lý Khai Phục đánh giá cao và đề nghị đầu tư.
Không bỏ lỡ cơ hội, họ thành lập Công ty Brick Studio, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất đồ chơi lego sưu tầm thiết kế riêng theo khuôn mặt khách hàng.
Thế nhưng, những ngày đầu không hề dễ dàng. Sản phẩm ban đầu chỉ bán được vài đơn mỗi ngày, doanh thu chưa đến vài nghìn tệ một tháng, không đủ trả lương nhân viên.
Mọi thứ càng thêm khó khăn khi công ty quá tập trung vào nghiên cứu và phát triển mà thiếu chiến lược kinh doanh. Đến năm 2021, khi cần huy động vốn, thị trường đã thay đổi, các nhà đầu tư không còn mặn mà với lĩnh vực tiêu dùng.
Không bỏ cuộc, Từ vay 3 triệu tệ từ ngân hàng, chậm thanh toán cho nhà cung cấp và chủ nhà để cố giữ công ty tồn tại. May mắn thay, nhờ tự động hóa sản xuất, họ đã vượt qua khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ.
Hiện tại, Brick Studio sở hữu nhà máy rộng 4.000m2 tại Đông Quan, sản xuất tối đa 8.000 sản phẩm mỗi ngày, rút ngắn thời gian giao hàng từ 15 - 20 ngày xuống chỉ còn 2 - 3 ngày.
Theo báo cáo của chuyên trang nghiên cứu thương mại điện tử Tianxia E-commerce, trong năm 2023, tổng doanh thu của Brick Studio trên các kênh thương mại vượt mức 35 triệu nhân dân tệ.
Trong khi đó, công ty đồ chơi Pop Mart, "ông trùm" hộp mù của Trung Quốc, cũng gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, đặc biệt khi bắt đầu bán đồ chơi nghệ thuật (artist toy).
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Pop Mart Vương Ninh (37 tuổi) từng chia sẻ vào năm 2014, khi Pop Mart mới bắt đầu, ý tưởng bán đồ chơi cho người trưởng thành là một khái niệm rất khó tin và không ai nghĩ rằng thị trường này sẽ phát triển. Một thách thức lớn khác là sự khác biệt trong văn hóa tiêu dùng giữa các thế hệ. Vương Ninh cho biết thế hệ 9x và 10x có sở thích rất khác biệt và thường sẽ tiêu dùng theo "cộng đồng nhỏ" của riêng họ.
Anh Vương ví dụ rằng trong khi thế hệ trước yêu thích "Tiểu Yến Tử" thì giới trẻ ngày nay lại ưa chuộng "Dung Mama". Điều này phản ánh sự khác biệt trong việc tiêu thụ các sản phẩm, không còn chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu vật chất mà còn là nhu cầu cảm xúc và cá tính.
Xu hướng tiêu dùng cảm xúc
Với sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, Pop Mart đã phải kết hợp giữa cảm tính và lý tính, nghệ thuật và thương mại để thu hút giới trẻ, đáp ứng sở thích cá nhân và sự thỏa mãn cảm xúc của họ.
Năm 2016, Pop Mart ra mắt dòng sản phẩm hộp mù, biến đồ chơi sưu tầm từ một thị trường ngách trở thành một ngành hàng phổ biến. Ngay lập tức, ngành này chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với hàng loạt thương hiệu và sản phẩm mới.
Theo báo cáo từ tổ chức nghiên cứu đầu tư Dolphin Research, Pop Mart ghi nhận doanh thu 45,58 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2024, tăng 62% so với cùng kỳ.
Sự phát triển này phần lớn đến từ xu hướng tiêu dùng cảm xúc. Giới trẻ ngày nay sẵn sàng chi tiền để sở hữu những sản phẩm có giá trị tinh thần cao, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến sở thích cá nhân như mô hình sưu tầm, mô hình nhân vật anime hay các sản phẩm phái sinh từ văn hóa đại chúng, cho thấy tiềm năng vô tận của ngành này.
Tuy nhiên, thị trường ngày càng khắt khe hơn. Chia sẻ với tạp chí Phoenix Weekly, anh Lỗ Ba Đào, chủ một xưởng sản xuất đồ chơi ở thủ phủ sản xuất gia công Đông Quan (Quảng Đông), cho biết trước đây nhiều người nuôi mộng trở thành "Pop Mart thứ hai", nhưng giờ đây, nếu chỉ đầu tư mà không tính toán, chỉ một đơn hàng thất bại cũng có thể khiến họ mất trắng.
Dẫu vậy, cơ hội vẫn không thiếu cho những người dám thử nghiệm. Chương Đình đã tự xây dựng nhân vật Baby Three và có chứng nhận sở hữu trí tuệ.
Hiện tại, Baby Three đã phát triển đến phiên bản thứ 30, thậm chí còn xuất hiện trong hình ảnh của các vận động viên nổi tiếng tại Thái Lan. Trong khi đó, Từ Hào tiếp tục đầu tư vào công nghệ tự động hóa, giúp giảm chi phí và tối ưu thời gian sản xuất.
Dù phía trước vẫn đầy thách thức, nhưng những người trẻ này chưa bao giờ ngừng bước. Với họ, đồ chơi không chỉ là món hàng, mà còn là một giấc mơ được xây dựng từng ngày, từng giờ.
![Đế chế đồ chơi sưu tầm ở Trung Quốc - Ảnh 2. Đế chế đồ chơi sưu tầm ở Trung Quốc - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/edit-9-2-baby-three-read-only-17390578332161558600061.jpeg)
Đồ chơi Baby Three đang gây sốt ở Trung Quốc và nhiều nước - Ảnh: PHOENIX WEEKLY
13,7 tỉ USD
Theo báo cáo của Tổ chức Frost & Sullivan, doanh số bán lẻ đồ chơi sưu tầm tại Trung Quốc đã tăng từ 6,3 tỉ nhân dân tệ vào năm 2015 lên 34,5 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 34%.
Dự kiến, con số này sẽ vượt mức 110 tỉ nhân dân tệ (13,7 tỉ USD) vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm hơn 20%, theo báo cáo được dẫn trên trang The Paper.
Đặc biệt, thị trường quốc tế ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội 440 - 445%, khẳng định hiệu quả của chiến lược mở rộng toàn cầu của Pop Mart.
Tính đến cuối tháng 9-2024, Pop Mart đã mở thêm 22 cửa hàng mới tại thị trường nước ngoài, nâng tổng số cửa hàng quốc tế lên 114, bao gồm cả mô hình hợp tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận