12/09/2023 10:39 GMT+7

Đầu tư công: Thúc cho tiền 'chạy'

Trong lúc kinh tế "khó đều trời" thì hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công tiêu xài nhỏ giọt, tiền nằm chờ trong ngân hàng cả triệu tỉ đồng.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Vấn đề đặt ra lúc này là phải thúc cho đồng tiền chạy vào nền kinh tế, tạo ra giá trị mới.

Đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh tư nhân gặp khó hiện nay, nhưng tám tháng qua giải ngân đầu tư công cả nước mới đạt khoảng 299.450 tỉ đồng, tương đương 42,35% kế hoạch cả năm.

Các chuyên gia dự báo nếu hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm nay thì GDP năm 2023 sẽ tăng thêm khoảng 1,3%.

Thúc giải ngân các dự án giao thông lớn

Tại TP.HCM, trong số 68.786 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023, tính đến ngày 17-8 mới giải ngân được 19. tỉ đồng, tương đương 27% kế hoạch vốn được giao. Trong báo cáo tình hình giải ngân năm 2023 vừa gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP cho biết giải ngân vốn ngân sách trung ương trong tám tháng đạt 11.200 tỉ đồng và từ ngân sách địa phương đạt khoảng 7.933 tỉ đồng.

Như vậy, tỉ lệ giải ngân của TP.HCM trong tám tháng thấp hơn khá nhiều so với tỉ lệ giải ngân 42,35% của cả nước.

Cũng theo UBND TP.HCM, một số dự án ODA quy mô sử dụng vốn lớn trên địa bàn đang gặp khó khăn trong giải ngân và phải chờ xin ý kiến từ các bộ ngành. Trong đó, dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương vướng định mức dự toán một số công tác đặc thù, gia hạn thỏa thuận vay vốn chờ xin ý kiến của Bộ Tài chính.

Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 vướng thủ tục vận hành hệ thống pin mặt trời tại dự án và đang chờ xin ý kiến từ Bộ Công Thương.

Trong khi đó, tính tới hết tháng 8-2023 TP Hà Nội đã giải ngân được 28.100 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 54,5% kế hoạch năm. Và trong bốn tháng còn lại của năm nay, TP Hà Nội phấn đấu giải ngân nốt 23.500 tỉ đồng vốn đầu tư công được giao.

TP Hà Nội đang thúc tiến độ nhiều dự án giao thông lớn trên địa bàn để tăng tốc giải ngân vốn, trong đó có các dự án quan trọng như đường vành đai 4, đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Còn theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của bộ tám tháng đầu năm nay mới đạt khoảng 51,55% kế hoạch. Nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia cũng có tỉ lệ giải ngân vốn khá thấp.

Báo cáo tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải cũng cho thấy đến hết tháng 7 năm nay 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 mới giải ngân được 15.315 tỉ đồng, trong số 29.248 tỉ đồng vốn được giao trong năm nay, đạt 52% kế hoạch năm.

Hiện nhiều dự án giao thông quan trọng đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đã đề ra. Trong đó, năm dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và dự án đường vành đai đã được khởi công trong tháng 6-2023, hiện các chủ đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu triển khai thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng, thực hiện công tác chuẩn bị thi công, huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công dự án.

TP Hà Nội và TP.HCM đang thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vào cuối năm 2024.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã nhận bàn giao 100% mặt bằng khu vực xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 47% mặt bằng hai tuyến giao thông kết nối. Đến nay, gói thầu 5.10 - xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành quy mô hơn 35.000 tỉ đồng - đã được khởi công vào đầu tháng 9 vừa qua.

Dự án đầu tư công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án đầu tư công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chờ tăng tốc giải ngân vốn công vào cuối năm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có tác động trực tiếp và lan tỏa tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đồng thời, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%.

Theo ông Lâm, nếu năm 2023 giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1,3%. Trong bối cảnh đó, với sự chủ động và khẩn trương thúc đẩy giải ngân của Chính phủ, vốn đầu tư công được giải ngân trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy, đóng vai trò "gánh vác và bù đắp" tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Dù nhiều bộ, ngành, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới tỉ lệ trung bình cả nước và nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm, nhưng ông Lâm vẫn cho rằng bức tranh giải ngân vốn đầu tư công tám tháng năm 2023 có nhiều điểm sáng khi nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Về thực trạng nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023, ông Lâm nói: "Đây là hệ quả của quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải, theo phương châm "cả làng cùng vui" mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Điều này thể hiện qua việc dự án chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt; năng lực của một số ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém".

Đặc biệt, theo ông Lâm, công tác tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện. Vì vậy, mới đây Thủ tướng đã có công điện 749 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.

Thủ tướng đã chỉ đạo thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công - ông Lâm cho biết thêm.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Muốn tiền ra cần cơ chế đặc biệt

Tuy vậy, theo TS Trần Du Lịch, với thủ tục như hiện nay thì giải ngân đầu tư công chỉ tăng từ từ, thủ tục đầu tư không nhanh được thì rất khó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy chỗ nào có cơ chế đặc biệt thì sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn, những chỗ còn lại tiến độ giải ngân đều chậm giống nhau, ví dụ như các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng gợi ý, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trước hết cần đổi mới, cải tiến công tác lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án đầu tư công trở thành công trình hiệu quả.

Phải xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung vốn đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thời gian thực hiện thủ tục dự án để sớm đưa các công trình vào sử dụng.

Cần cải thiện cơ chế quản lý đầu tư, có giải pháp phát huy vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt nên bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án.

Cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.

Nhiều đơn hàng sản xuất “quay trở lại”, cần khuyến khích dòng vốn cho vay ưu đãi để doanh nghiệp ổn định sản xuất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều đơn hàng sản xuất “quay trở lại”, cần khuyến khích dòng vốn cho vay ưu đãi để doanh nghiệp ổn định sản xuất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vốn công lan tỏa, thị trường lạc quan

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công hiện nay cần thực hiện cùng lúc ba giải pháp. Đó là nút thắt về thiếu vật liệu đắp nền đường các dự án cao tốc trên cả nước, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án cao tốc đang triển khai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, cần mạnh dạn điều chuyển, dồn vốn cho những dự án sẵn sàng tiếp nhận vốn, có thể đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành để đưa vào khai thác. Chẳng hạn như dồn vốn để hoàn thành sớm các dự án đường sắt đô thị đã triển khai nhiều năm tại Hà Nội, TP.HCM.

Hầu hết các dự án này chủ yếu vướng mặt bằng, yếu tố mà các địa phương có thể khắc phục luôn được. Hoặc dồn vốn để triển khai các dự án đường vành đai của Hà Nội và TP.HCM - đây là những dự án lớn có thể đẩy nhanh tiến độ, không bị vướng yếu tố khan hiếm vật liệu đắp nền đường.

Thứ ba, cần điều chỉnh kịp thời đơn giá, định mức đầu vào của dự án để hỗ trợ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án trong bối cảnh giá cả đầu vào biến động mạnh.

"Điều này rất quan trọng bởi muốn tăng được tỉ lệ giải ngân thì buộc phải đẩy nhanh tiến độ dự án, và tiến độ dự án chỉ có thể bảo đảm khi nhà thầu thấy có lợi khi thi công. Thực tế cũng không nhà thầu nào chấp nhận lỗ để làm dự án cả, vì thế vấn đề này cần sớm được khắc phục", ông Việt nói.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay kích thích dòng vốn lưu thông (ảnh chụp ngày 11-9) - Ảnh: T.T.D.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay kích thích dòng vốn lưu thông (ảnh chụp ngày 11-9) - Ảnh: T.T.D.

1 triệu tỉ đồng vốn ngân hàng chờ người vay

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 29-8-2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%. Như vậy, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng trong các tháng còn lại của năm 2023, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng.

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao nguyên nhân không phải xuất phát từ thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bốn nhóm giải pháp, bao gồm: thứ nhất là nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; thứ hai là nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); thứ ba là nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; thứ tư là nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính, Học viện Tài chính - cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc tiêu tiền "không phải việc dễ". Bản thân hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy cho vay.

"Hạ lãi suất cũng hạ rồi, cho vay đảo nợ (ngân hàng này cho vay trả nợ ngân hàng khác) cũng đã làm rồi... Tôi nghĩ việc tăng trưởng tín dụng giờ không phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, bài toán đặt ra ở các bên liên quan", ông Cường nói.

Ông Cường ví dụ, vừa qua cho vay tiêu dùng bất động sản giảm góp phần ảnh hưởng chung đến tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng, giá bất động sản vẫn cao chót vót, ít người dám mạnh tay vay mua nhà.

Với các nhà đầu tư bất động sản cũng vậy, họ cũng lo ngại thị trường đi xuống, không dám vay đầu tư. Để tăng tín dụng với lĩnh vực bất động sản, ông Cường cho rằng chỉ còn cách đẩy mạnh nguồn cung nhà thương mại nói chung, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà giá rẻ... "Nếu không có nhà để mua, giải ngân sao được!", ông Cường nói.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, cần đẩy mạnh một số giải pháp khác như hỗ trợ 2% chênh lệch lãi suất cho một số ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay, thúc đẩy đầu tư công...

Sau khi tín dụng có xu hướng đi xuống trong tháng 7 (chỉ đạt mức tăng 4,3% so với cuối tháng 6-2023 là 4,7%), tín dụng đã nhích lên trong tháng 8-2023 với mức tăng 5,33%. Theo dự báo của chuyên gia, những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tốt hơn.

"Tuy nhiên, không nhất thiết phải tăng đủ 9% còn lại. Nếu cố quá, có thể phát sinh nợ xấu, lạm phát. Chúng ta vẫn phải chấp nhận có thời kỳ chững lại chứ không đẩy tín dụng bằng mọi giá, dòng tiền dễ đi lung tung", ông Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.

Bơm tiền qua giải phóng mặt bằng

Một số hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề tại Bình Dương cho biết do bối cảnh chung của kinh tế thế giới nên việc tìm kiếm đơn hàng vẫn còn nhiều khó khăn, dù vẫn có những tín hiệu le lói.

Ngoài các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thêm các thị trường mới, kể cả những thị trường nhỏ lẻ với tinh thần tận dụng từng đơn hàng. Từ đầu năm tới nay, tuy kim ngạch xuất khẩu có giảm nhưng Bình Dương vẫn xuất siêu hơn 6 tỉ USD và thu hút được hơn 1,2 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, một trong những địa bàn dẫn đầu cả nước về xuất khẩu sản phẩm gỗ, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhận được sự đồng hành khá thiết thực từ phía cơ quan chức năng.

Ví dụ như thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương đã đề nghị hiệp hội tìm kiếm một số trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn hoặc đang gặp vướng mắc để Ngân hàng Nhà nước vào cuộc cùng tiếp xúc, tháo gỡ với doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết nguồn vốn đầu tư công đang được thúc đẩy để làm "vốn mồi", kích thích vốn đầu tư trong xã hội. Vừa qua, Bình Dương đã khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh, chỉ tính riêng tiền giải phóng mặt bằng đã lên tới khoảng 13.000 tỉ đồng (hiện đã bàn giao mặt bằng được khoảng 44%).

Ngoài ra còn nhiều dự án đầu tư khác như mở rộng quốc lộ 13 nối với TP.HCM lên tám làn xe, làm đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng...

Đây đều là những dự án ngàn tỉ nên khi dòng vốn đầu tư được giải ngân không chỉ góp phần kích thích nền kinh tế mà khi các công trình hoàn thành sẽ mang lại giá trị lớn hơn là sự giao thương thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ước tính đến cuối tháng 8-2023, Bình Dương đã giải ngân vốn đầu tư công được 8.625 tỉ đồng, đạt hơn 70% kế hoạch Thủ tướng giao.

Hàng hóa xuất nhập khẩu nhộn nhịp tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức  (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Hàng hóa xuất nhập khẩu nhộn nhịp tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Xuất khẩu có nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã đạt 50,5 điểm, tăng so với mức 48,7 điểm của tháng 7 và cao nhất trong sáu tháng qua. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ. Trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản xuất tăng, các công ty đã tăng mạnh hoạt động mua hàng. Đây là lần tăng đầu tiên trong sáu tháng và là mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9-2022.

Ông Andrew Harker, giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: "Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam mới nhất vẽ một bức tranh tươi sáng hơn về sức khỏe của ngành này so với những tháng gần đây, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại".

Nhận định về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm, tại hội nghị giao ban với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thảo Hiền, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết các nước EU, Mỹ đã có nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Các chính sách này đã bước đầu phát huy hiệu lực, lạm phát ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh đều có chiều hướng giảm xuống. Thời gian tới, với nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi, xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý 4-2023. Bên cạnh đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8-2023 ước đạt 32,37 tỉ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng. Kết quả này giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi tháng sau cao hơn tháng trước, sau tình hình tương đối ảm đạm trong quý 1-2023.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỉ USD, tăng 8,7%; của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỉ USD, tăng 7,3%, thấp hơn mức tăng của doanh nghiệp khu vực kinh tế trong nước.

Kết quả xuất khẩu tháng 8 cũng giúp cán cân thương mại hàng hóa tám tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỉ USD. Về các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8 so với tháng trước có các mặt hàng như sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; dệt may, giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ...

Theo Bộ Công Thương, từ đầu quý 2 đến nay, đặc biệt là bước sang quý 3, hoạt động xuất khẩu đã có sự khởi sắc. Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Mỹ sáu tháng đầu năm tồn kho ở mức 20% nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10% và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Dệt may đã qua thời khó khăn nhất

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay kỳ vọng hàng tồn kho của các thương hiệu sẽ dần ổn định từ cuối quý 2-2023. Đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp sẽ cải thiện giúp kết quả kinh doanh quý 3 và 4-2023 phục hồi.

"Dữ liệu lịch sử cho thấy tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu thường tương quan với tăng trưởng GDP toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu sẽ phục hồi nhẹ, theo sau sự hồi phục của nền kinh tế. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ được cải thiện vào tháng 7-2023 đã cho thấy một dấu hiệu khả quan cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam", VDSC nhận định.

Theo VDSC, thời điểm khó khăn nhất với ngành dệt may đã qua đi và đơn đặt hàng sẽ dần hồi phục sau khi tạo đáy. Tuy nhiên về triển vọng đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể là một sự phục hồi nhẹ, thay vì một chu kỳ phục hồi mạnh mẽ.

7 tháng đạt 27,2%, TP.HCM thúc nhanh giải ngân vốn đầu tư công7 tháng đạt 27,2%, TP.HCM thúc nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến hết ngày 4-8-2023, TP giải ngân được khoảng 18.646 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27,2% tổng số vốn giao (68.490 tỉ đồng).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên