01/01/2017 20:32 GMT+7

Dâu con phải đón giao thừa nhà chồng, truyền thống hay hủ tục?

HUYỀN PHAN
HUYỀN PHAN

TTO - Chỉ vì chuyện đón giao thừa ở nhà nội hay nhà ngoại mà có biết bao cặp vợ chồng trẻ quê tôi xảy ra bất hòa. Nhiều lúc tôi tự hỏi có cần thiết phải “gia giáo” như thế không, đây là hủ tục hay văn hóa?

Vợ chồng cậu em giận nhau cả tuần mà không khí vẫn còn căng thẳng. Thấy tôi, cô em dâu nức nở: “Chị xem anh ấy xử sự như vậy có được không? Con nào cha mẹ chẳng dứt ruột sinh ra nhưng cứ hở một tí là chì chiết, phân biệt: Em là con gái, lấy chồng là làm ma nhà chồng. Con dâu không thể vắng mặt ở nhà chồng đêm giao thừa và ngày mùng 1. Những ngày khác, em có ở lại nhà cha mẹ đẻ vài ngày cũng chẳng hề gì”.

Rồi em dâu nói nhiều năm nay từ ngày em đi lấy chồng chỉ được về ăn Tết cùng ba mẹ từ ngày mùng 2. Đêm giao thừa năm nào ba mẹ em cũng thui thủi một mình.

Từ chính bản thân mình, tôi hiểu điều em dâu muốn nói, tôi hiểu được cả nỗi buồn của ba mẹ em. Bởi từ ngày tôi đi lấy chồng, ba mẹ tôi cũng cảm thấy rất buồn. Mỗi năm khi gần đến giao thừa, hai ông bà đều trông ngóng con cháu về chơi. Được cái, chồng tôi tâm lý nên cứ năm này hai vợ chồng đón giao thừa nhà anh, năm sau lại đến nhà vợ nên tôi và ba mẹ của mình cũng thấy quen dần.

Riêng cậu em trai của tôi thì gia trưởng vô cùng. Mặc dù gia đình tôi có tới 6 người con trai nhưng chưa bao giờ em trai tôi cùng vợ hoặc cho vợ về đón giao thừa cùng ba mẹ. Cũng vì chuyện này, cứ mỗi khi đến gần Tết hai vợ chồng lại tiếng bấc tiếng chì nên gia đình luôn bất hòa.

Dù thế, vốn chiều chồng, không muốn mất hòa khí trong gia đình, cô em dâu luôn nhún mình rút lui. Thế nhưng nhìn nét u sầu của em, tôi thấy cũng nghẹn lòng. Bởi gia đình em dâu chỉ có hai chị em gái, cô chị lấy chồng xa xứ, mà em dâu lại không thể về vào những ngày đầu năm mới nên hai ông bà rất buồn.

Thương con, biết tính con rể, ông bà không đòi hỏi gì, nhiều lần thấy con gái than vãn, ông bà còn mắng con gái té tát và ra chiều ủng hộ con rể.

Năm nay, gần chục năm ăn Tết ở gia đình chồng, em dâu nói thẳng thừng: “Em sẽ chẳng nhịn nữa, muốn ra sao thì ra, em không làm điều gì có lỗi với chồng là được”. Và em nói cương quyết: “Em sẽ về ăn Tết cùng bố mẹ mình trong năm này”.

Cậu em nghe vợ nói có vẻ giận lắm: “Cô có giỏi thì đi luôn đi, đừng về cái nhà này nữa. Lấy chồng là phải theo gia quy nhà chồng. Tôi chẳng có thứ vợ chồng nói một câu cứ cãi đôm đốp và làm theo ý mình”.

Nhìn em dâu có vẻ lần này hạ quyết tâm lắm. Thấy em trai vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình. Tôi nghĩ: “Tình hình kiểu này thì căng thật đấy, chỉ vì ăn Tết nơi nào trước, khéo thành to chuyện thì gay”. Nghĩ thế, tôi khuyên cậu em: “Chiều vợ lấy một lần, cả gia đình về ngoại ăn Tết cho vui cửa vui nhà. Ba mẹ mình cũng có trách chi đâu”.

Đáp lại, cậu em sừng sộ: “Chị đừng làm cho vợ em được nê. Em là trai trưởng không thể vắng mặt trong đêm giao thừa ở nhà mình. Vợ em là dâu trưởng cũng nên làm tròn trách nhiệm mới đúng”.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Kể lại câu chuyện của gia đình mình, cuối bài viết, bạn đọc Huyền Phan hỏi: Nếu bạn là cậu em của tôi, bạn có xử sự với vợ như thế không? Nếu bạn là cô vợ ấy, bạn sẽ xử trí thế nào cho êm ấm cửa nhà?

Mời bạn gửi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

HUYỀN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên