Do mâu thuẫn trong việc tranh chấp 45m2 đất giữa gia đình ông Vương Hữu T. với ông Phạm Xuân V. (cùng trú tại phường Chính Gián,Thanh Khê, Đà Nẵng), lúc 22g ngày 5-7-2000, ông D. (sinh 1957, con ông T.) khi đi ngang qua nhà ông V. đã dừng xe và buông lời đe dọa sẽ giết gia đình ông V..
Nói xong D. đi một chặng thì gặp Phạm Tôn H. (con ruột ông V.); H. nói với D.: “Chú làm gì mà đòi giết gia đình con?”. Nghe H. nói, D. liền dừng xe quay lại đánh H. nhưng không gây thương tích. H. la lên thì cả hai gia đình ông V. và ông T. chạy ra. Ông V. bị gia đình D. đè xuống đất. Thấy cha mình bị đè H. nhảy vào can, đầu gối của H. đã thúc vào mặt ông D..
Tại bản giám định thương tích số 1091 ngày 6-7-2000 do Công an (CA) phường Chính Gián cấp giấy giới thiệu kết luận: nạn nhân bị gãy kín xương chính mũi với tỉ lệ thương tích 11%.
Sau khi vụ việc xảy ra, bên bị hại làm đơn kiện. Hồ sơ vụ án được chuyển lên CA quận Thanh Khê thụ lý. Tại đây CA quận Thanh Khê đã yêu cầu ông D. trực tiếp đến Hội đồng pháp y (HĐPY) thành phố để tiến hành giám định lại thương tích.
Tuy nhiên ông D. cho rằng đã giám định pháp y theo giấy giới thiệu của CA phường Chính Gián nên ông không đi giám định nữa.Việc ông D. không chịu đi giám định đã buộc CA quận Thanh Khê đình chỉ vụ án do không đủ hồ sơ.
Tuy nhiên sau đó ông D. làm đơn khiếu nại gửi CA,VKS thành phố Đà Nẵng. Ngày 23-9-2002, CA thành phố Đà Nẵng ra quyết định phục hồi vụ án.
Trước đó, ngày 10-8-2002 tại quán 81 Hàm Nghi, Đà Nẵng, ông D. đã bị bốn người khách đánh gãy xương mũi, rách da đỉnh đầu, trầy xước vùng mặt; tỉ lệ thương tích được xếp là 11% - theo hồ sơ giám định (HSGĐ) số 1523/PY của HĐPY Đà Nẵng kết luận ngày 10-10-2002.
Năm ngày sau (tức 15-10-2002) ông D. yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra cho đi giám định lần nữa. Tại đây, dựa vào HSGĐ số 1523, HĐPY Đà Nẵng xếp thương tích của nạn nhân D. là 11% (theo HSGĐ số 1544/PY kết luận ngày 15-10-2002).
Dựa vào HSGĐ số 1544/ PY, CA và VKS thành phố Đà Nẵng kết luận: Phạm Tôn H. phạm tội cố ý gây thương tích, truy tố H. ra tòa. Trong khi Tòa án quận Thanh Khê (được ủy quyền thụ lý) xét xử đã phát hiện hồ sơ vụ án có nhiều bất hợp lý (cụ thể là ở hai HSGĐ số 1523/PY và 1544/PY) nên đã hoãn phiên tòa, trả lại hồ sơ cho các cơ quan chức năng điều tra bổ sung.
Tuy nhiên đã có không dưới ba lần ông D. không đến giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Ngày 4-4-2003, HĐPY Đà Nẵng đã tiến hành giám định (vắng mặt) dựa trên phim X quang (chụp ngày 8-10-2002) và qua bản tóm tắt hồ sơ bệnh án (ngày 5-7-2000), nhất trí xếp tỉ lệ thương tích cho ông D. là 11%.
Dựa trên bản “kết luận điều tra bổ sung”, ngày 7-4-2003 CA Đà Nẵng truy tố Phạm Tôn H. về tội cố ý gây thương tích. Theo đó ngày 7-8-2003,VKS Đà Nẵng có giấy triệu tập bị can Phạm Tôn H. đến nhận cáo trạng.
Dư luận Đà Nẵng đang đặt câu hỏi tại sao người khởi kiện lại không chấp hành qui định của Nhà nước trong việc đến HĐPY để giám định khiến vụ án kéo dài? Việc giám định vắng mặt trong trường hợp của ông D. liệu có được pháp luật cho phép (ông D. hiện đang cư trú tại địa phương, sức khỏe bình thường)?
Việc cơ quan chức năng dùng HSGĐ số 1544/ PY (kết luận ngày 15-10-2002) để bổ sung vào hồ sơ của vụ việc (xảy ra trước đó, ngày 5-7-2000) ở phường Chính Gián, sau đó ra quyết định truy tố với bị can H. là đúng hay sai?
Vụ án đã kéo dài gần bốn năm và theo “bị cáo” thì tương lai của mình đang đi vào ngõ cụt! Suốt bốn năm qua bị can Phạm Tôn H. đã không được đi khỏi nơi cư trú do lệnh cấm của cơ quan điều tra, ước mơ vào đại học của H. vì thế cũng tắt lịm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận