22/04/2025 08:21 GMT+7

Đảo ngược xu hướng ghép tạng, được không?

Ghép tạng từ người cho bị chết não là xu thế của thế giới. Tại Việt Nam chủ yếu ghép tạng từ người cho tạng còn sống, còn cho tạng từ người chết não, chết tim... chỉ chiếm khoảng 5%.

ghép tạng - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM xử lý mảnh gan thùy trái sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong khi đó, trên thế giới có 50-80% ghép tạng từ người cho tạng là người chết.

Gần đây, nhiều gia đình khi có người thân bị chết não đã có một nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng để cứu sống nhiều người bệnh khác.

Một người chết vẫn cứu sống được nhiều người 

Chỉ trong vòng hơn một tháng nay, với 2 ca chết não hiến tạng, 3 bệnh viện tại TP.HCM là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhi đồng 2 lần đầu tiên đã thực hiện ghép thận, ghép gan từ tạng người cho đã bị chết não.

Dù trước đó, Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện gần 50 ca ghép thận thành công nhưng cũng nhờ nguồn ghép tạng này, lần đầu tiên Bệnh viện Quân y 175 thực hiện ca ghép thận từ chính nguồn tạng hiến sau chết não. Tương tự, cũng từ nguồn hiến tạng này, đến ca ghép gan thứ 50, Bệnh viện Nhi đồng 2 mới lần đầu tiên thực hiện được ca ghép gan cho bệnh nhi từ người cho bị chết não.

TS Trần Thanh Trí, trưởng khoa gan - mật - tụy và ghép gan Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành ghép gan trẻ em từ rất sớm, từ năm 2005, thế nhưng mới đây bệnh viện mới ghép gan cho bệnh nhi từ nguồn cho tạng là người cho bị chết não.

"Việc phối hợp lấy và ghép gan cũng tương tự như lấy và ghép gan người cho sống, chỉ khác nhau ở khoảng cách mà khoảng cách này không quá xa, cùng với sự hỗ trợ của đơn vị nơi lấy tạng, đội ngũ cảnh sát giao thông nên khá suôn sẻ", TS Thanh Trí thông tin.

Nguồn tạng tiềm năng

PGS Thái Minh Sâm, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho hay hiện Việt Nam ghép thận cho khoảng 1.000 người/năm. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu ghép thận còn rất nhiều khi có khoảng 90.000 người đang phải chạy thận nhân tạo. Vấn đề hiện nay là tại Việt Nam chủ yếu ghép thận từ người cho tạng còn sống, còn tạng từ người chết não, chết tim... chỉ chiếm khoảng 5%. Còn trên thế giới 50-80% ghép tạng từ người cho tạng là người chết.

TS Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết không phải bất kỳ người bệnh bị suy tạng nào cũng có người thân trong gia đình hiến được tạng để ghép, đặc biệt là các tạng như tim, phổi... chỉ có thể nhận được từ người hiến chết não hay chết tuần hoàn mà thôi. 

Trong hơn một tháng tại TP.HCM có 2 người hiến tạng chết não và 3 bệnh viện trong TP lần đầu tiên thực hiện ghép thận, ghép gan từ người hiến chết não là một tín hiệu vui. Ngày càng có nhiều hơn những tâm nguyện hiến tặng mô, tạng khi chẳng may qua đời của chính người bệnh và gia đình thì sẽ có nhiều cơ may cho người bệnh có cơ hội được cứu sống.

Sau khi được ghép tạng, người bệnh trở lại sinh hoạt bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống, có thể đi làm, cống hiến được năng lực, tài năng cho xã hội và gia đình. Mặt khác, người thân có thể đi làm được, tăng thu nhập... và đặc biệt chi phí của Nhà nước phải chi trả cho việc điều trị sau ghép chỉ bằng 1/3 hay 1/5 chi phí chi trả cho các bệnh mạn tính nhưng không bao giờ khỏi.

Hiện tại TP.HCM có 9 trung tâm ghép tạng chủ yếu là ghép thận, ghép gan với nguồn ghép đa số từ người hiến sống.

Kỹ thuật tiếp nhận tạng hiến từ người hiến sống hay từ người hiến chết não đều phức tạp như nhau. Tuy nhiên, khi nguồn tạng hiến lấy từ người hiến sống thì phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sau hiến tạng. Nhưng về lâu dài, khả năng suy thận, gan do các bệnh lý mới mắc sau hiến tạng không phải là không có. Cho nên an toàn nhất, các chuyên gia vẫn khuyến khích phát triển chương trình hiến - ghép tạng từ người hiến chết não hay chết tuần hoàn.

Truyền thông trong chương trình hiến tạng từ người hiến chết não hay chết tuần hoàn là một việc không thể tách rời khỏi sự phát triển của chương trình ghép của một quốc gia.

Ghép tạng hiến mang lại sự sống cho nhiều người

Theo thiếu tướng Trần Quốc Việt, giám đốc Bệnh viện Quân y 175, hiện nay nhu cầu ghép tạng là rất lớn, trong khi số người hiến vẫn còn rất khiêm tốn. Ghép tạng là câu chuyện chuyên môn, nhưng hiến tạng là một hành động nhân văn, là câu chuyện của xã hội - của những con người sẵn sàng trao đi một phần cơ thể mình để mang lại sự sống cho người khác...

Đảo ngược xu hướng ghép tạng? - Ảnh 2.Bệnh viện Quân y 175 thực hiện thành công ca ghép tạng đầu tiên từ người hiến chết não

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) vừa thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ người hiến chết não đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển kỹ thuật ghép tạng tại bệnh viện này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ghép tạng