Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Ảnh: CÔNG TOẠI
Nhìn trên bản đồ, tỉnh Long An mang dáng vẻ là thân trước của một con rồng ngay cửa ngõ vùng Tây Nam Bộ, hướng đầu về TP.HCM.
"Con rồng" này mang nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn đang được khẩn trương đánh thức thời gian gần đây.
Thích thú và… tiếc
Đến nay, chúng tôi vẫn nhớ rõ cảm xúc ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu đi qua con đò kéo tay, băng ngang qua dòng kênh 79 vào Láng Sen, khi trung tâm bảo tồn này được công nhận là khu ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 2.227 của thế giới ở huyện Tân Hưng, Long An cuối năm 2015.
Trước đó, dù đã rất nhiều lần ngược xuôi tuyến kênh 79 qua vùng đất này, chúng tôi cũng chỉ thường nhìn lướt qua những rừng tràm âm u của Láng Sen từ bên ngoài, để rồi chọn Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) cách đó hơn 30km làm điểm dừng chân.
Đến thời điểm ấy, Láng Sen vẫn chưa được "check in" (định vị) trên Google map, vì chỉ là một khoảng xanh chiếm chưa tới 20% diện tích của Tràm Chim, ít được ai để ý. Nhưng rồi khi bước vào, chúng tôi mới biết được đây mới chính là vùng rốn đặc trưng nhất của Đồng Tháp Mười - nơi còn lưu giữ một "tổ chim" tự nhiên 200ha mà nơi đó chim… không sợ người, mỗi sáng sáng kéo nhau đi ăn rợp kín cả bình minh.
Nơi đó còn lưu giữ gen cá lóc bông "khủng" to đến hơn hai chục ký mà những vùng bảo tồn thiên nhiên khác ở miền Tây Nam Bộ phải đến xin giống về thả, còn lưu giữ những con cá tra dầu hơn trăm ký, giống cá đã được đưa vào sách đỏ bảo tồn.
Và từ ấy, Láng Sen trở thành một điểm đến lý tưởng nhất của chúng tôi vào mùa nước nổi. Thích thú để rồi… tiếc, vì dù Láng Sen đang có rất nhiều đặc điểm hấp dẫn có thể nói không thua kém những điểm du lịch danh tiếng khác của miền Tây như Tràm Chim (Đồng Tháp), rừng tràm Trà Sư (An Giang), U Minh Hạ, U Minh Thượng…, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Long An.
Việc đầu tư vào du lịch nơi đây cứ loay hoay ở khâu kêu gọi nhà đầu tư, chưa có một mô hình du lịch bài bản vừa khai thác tốt yếu tố cảnh quan, vừa bảo vệ môi trường được triển khai "chính quy".
Nối dài du lịch từ TP.HCM
Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp duy nhất trong bán kính 50km về Cà Mau - Ảnh: T. TRÌNH
Ông Nguyễn An Dũng - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An - cho biết đa số các điểm hấp dẫn của Long An rời rạc, chưa kết nối được để trở thành một "hướng đi" cho người tìm đến du lịch. Hiện Long An đã cho xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh trên di động tỉnh Long An để giới thiệu tất cả các điểm du lịch trên địa bàn đến với du khách.
Theo ông Dũng, đây là chương trình nằm trong đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.
"Chúng tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ, sẽ khởi động thử nghiệm vào ngày 10-7 để những ai quan tâm đến du lịch Long An có thể tham khảo trước. Sau 6 tháng, cổng thông tin và ứng dụng thông minh này sẽ đi vào hoạt động chính thức", ông Dũng hồ hởi nói.
Không chỉ việc giới thiệu các điểm du lịch tại Long An qua một cái nhấp tay, mà quan trọng hơn là thông qua cổng thông tin và ứng dụng thông minh này, du khách có thể tìm hiểu thêm về các dịch vụ, nơi ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn để thuận tiện hơn khi đến với Long An.
Một hướng phát triển quan trọng khác mà ngành du lịch Long An đang hướng đến là gắn bó chặt chẽ với ngành du lịch TP.HCM. Ông Dũng giải thích: "Có vị thế sát bên, Long An hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch nối dài đối với du khách đến TP.HCM. Cụ thể hóa điều này, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, và đơn vị này vừa qua đã có chuyến khảo sát các sản phẩm du lịch của Long An để xem xét việc mở thêm tour cho du khách".
Hấp dẫn đồn Rạch Cát
Hiện tại, Long An đang kêu gọi đầu tư một điểm du lịch, nghỉ dưỡng khá độc đáo là di tích lịch sử đồn Rạch Cát (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước).
Với vị thế nằm ở cửa 4 con sông lớn Nhà Bè - Rạch Cát - Vàm Cỏ - Soài Rạp thông với cửa biển Vàm Láng, từ năm 1903 đồn Rạch Cát được Pháp cho xây dựng thành công trình quy mô với đồn chính dài 300m, rộng 100m, 5 tầng (3 tầng chìm, 2 tầng nổi).
Pháo đài hình vòng cung với tường dày 60-80cm, cửa thép dày 10cm. Bên ngoài có hào rộng, tường bao với tổng thể diện tích khoảng 3ha. Công trình được xây dựng đến 11 năm mới hoàn thành, với chi phí khoảng 7 triệu francs (cao hơn rất nhiều so với chi phí 2 triệu francs mà Pháp xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội vào khoảng cùng thời gian trên).
Đến nay, quần thể di tích này vẫn gần như nguyên vẹn, hiện đang được bộ đội biên phòng quản lý, và ít ai biết đến. Từ năm 2016, địa điểm này đã được tỉnh Long An kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái.
Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist (Saigon Tourist Group). Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước từ nay đến 15-8. Bài dự thi xin gửi về: [email protected].
Xem thêm các bài dự thi tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận