
Đại biểu Quốc hội Phan Đình Trạc - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính Trung ương - phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ở tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: M.V
Ngày 18-4, trong buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Lâm Đồng của đại biểu Quốc hội Phan Đình Trạc - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính Trung ương - cử tri đã bày tỏ sự lo lắng cho cán bộ các tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận sau sáp nhập.
Nhu cầu đi lại và chỗ ở tại Đà Lạt của cán bộ rất lớn
Trước đó, Chính phủ đã ban hành đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Theo đề án, tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ sáp nhập thành một tỉnh mới là Lâm Đồng, trung tâm hành chính đặt tại Đà Lạt.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hồ Trung Hiếu (ở phường 4, TP Đà Lạt) băn khoăn khi sáp nhập tỉnh sẽ có gần 2.000 cán bộ, công chức, viên chức của hai tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận về Đà Lạt làm việc, bên cạnh việc đi lại khó khăn, nhu cầu định cư tại Đà Lạt sẽ lớn.
"Tôi mong muốn tỉnh Lâm Đồng cần có định hướng và biện pháp khẩn trương để giải quyết những nhu cầu cấp thiết về đi lại, chỗ ăn ở cho số lượng cán bộ ở hai tỉnh sáp nhập về Đà Lạt làm việc. Hiện nay tại Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng, việc giải quyết, xây dựng nhà ở xã hội rất chậm, trong khi nhu cầu của cán bộ công chức, người lao động rất lớn”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Lâm Đồng bố trí xe đưa đón và đề xuất cơ chế hỗ trợ
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết địa phương đã có phương án chuẩn bị cho vấn đề này.
“Hiện nay chúng tôi đang cho khảo sát khoảng 10 cơ sở để cán bộ các tỉnh đến làm việc. Nơi ở, nhà công vụ thì cũng đang khảo sát, đánh giá để đảm bảo anh em có chỗ ở ổn định. Phương tiện di chuyển, chúng tôi ước tính nếu xe 50 chỗ thì Đắk Nông cần khoảng 10 xe một lúc, xuất phát trong ngày chủ nhật hoặc sáng thứ hai để đi làm, Bình Thuận cũng cỡ 20 xe.
Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành làm việc để có tuyến xe dịch vụ đi vào khung giờ cố định nhằm phục vụ cho cán bộ đi làm việc tại tỉnh Lâm Đồng", phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay.
Ông Phúc cũng nói tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho những cán bộ ở Đắk Nông, Bình Thuận di chuyển đến Đà Lạt làm việc sau khi sáp nhập.

Cử tri Lâm Đồng lo lắng cho những khó khăn của cán bộ đến từ Bình Thuận, Đắk Nông - Ảnh: L.A
Ngoài băn khoăn lo lắng cho cán bộ từ các địa phương Đắk Nông, Bình Thuận sau sáp nhập, cử tri tiếp tục quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng; xử lý nạn hàng giả, kém chất lượng; tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội; quảng cáo sai sự thật…
Ông Phan Đình Trạc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị và góp ý của cử tri Lâm Đồng. Đồng thời khẳng định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã làm rất tốt, bài bản và có lý luận riêng trong đấu tranh, phòng ngừa…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận