Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 167 - Báo Tuổi Trẻ. Học bổng “Ươm mầm tài năng” năm 2003. Đơn vị tài trợ: Gạch Đồng Tâm
Phóng to |
Dũng làm gia sư kiếm sống |
Cậu bé mỉm cười, rúc vào lòng cha thanh thản. Nhưng buổi sáng ngày mai ấy người cha đã không bao giờ thức dậy, mang theo cả giấc mơ vời vợi về con tò he của đứa con côi...
Tuổi thơ của con tò he
Đó là giấc mơ của đứa bé út trong gia đình sáu người con ở ngôi làng “ba bề là cát, bề còn lại là làng khác”: làng Trung An - ngôi làng nghèo rớt của xã nghèo Hải Khê (huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Làng không có vịnh, bãi cát thẳng, ít cá tôm, nằm giữa mịt mù đồi cát chỉ có thể trồng được khoai lang và phi lao.
Cái nghèo như cơn gió biển đã thổi tung anh chị lớn của Dũng đi khắp nơi mưu sinh, chỉ còn lại hai chị em út ở với cha già gầy gò gần 60 tuổi hằng ngày phải lặn lội qua những đồi cát ra tới thị xã Quảng Trị cách đó 30km để... ăn xin.
Nhiều đêm, trong cơn gió biển gầm gào, hai chị em ôm nhau run rẩy chờ cha về. Dũng kể: “Không bao giờ mình quên được dáng ba đi xiêu vẹo trên đồi cát trong đêm sau một ngày cầu xin lòng thương xót của mọi người”.
Cũng như không bao giờ Dũng có thể quên được con tò he cha hứa nhưng mãi mãi không thực hiện được vì sáng hôm sau, khi thức giấc, cậu kinh hoàng thấy cha sùi bọt mép. Hoảng hốt kêu cứu, có người đến thì cha đã lạnh từ bao giờ. Vậy là cậu bé đã không còn cả cha lẫn mẹ bởi trước đó, năm 1985, trong một lần đi chợ mẹ cậu đã bị một cơn lũ bất ngờ cuốn trôi, ba bốn ngày sau mới vớt được xác. Lúc ấy Dũng mới 1 tuổi, không thể nhớ được mặt mẹ ra sao...
Vài tháng sau khi cha ra đi, Dũng được cô giáo Mỹ Hạnh, chủ nhiệm lớp 4, thương tình gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị (người chị đã 16 tuổi, trung tâm không nhận). Thế là gia đình tan nát, cậu bé khóc nức nở khi phải rời xa chị...
Ước mơ trên cát
Cả ngôi làng giữa vùng cát biển ấy từ 1975 đến nay chỉ có bốn người được vào đại học. Vì vậy khi nghe tin thằng út của cái nhà mà cả cha lẫn mẹ đều mù chữ, các anh chị đều chỉ học lớp 1, lớp 2 vào ĐH, người làng đều sửng sốt. Mà đậu đến hai trường: ĐH Thủy sản Nha Trang và ĐH Sư phạm Qui Nhơn.
Ngày biết tin đậu đại học, đứa con trai út ấy chạy ngay về làng, về ngôi nhà xưa thắp một nén nhang: “Ba à, con đã vào đại học”. Dũng kể trong ký ức Dũng “cha không biết chữ, ăn xin, dự hội làng cũng phải ngồi mâm cuối nhưng cha đã dạy mình rất nhiều điều mà từ đó mình mới có thể có được như ngày hôm nay...”. |
Thật ra cuộc đời Dũng còn cực hơn cả những em bé ấy. 16 tuổi, đang học phổ thông, Dũng đã phải chạy đến từng căn nhà đang xây xin một chân phụ hồ để có tiền ăn học. (Trung tâm chỉ nhận nuôi trẻ đến 15 tuổi, riêng Dũng được bác giám đốc thương cho ở tiếp nhưng tiêu chuẩn ăn học thì không còn). Đôi tay, đôi chân Dũng nổi rõ những vết chai sần do những năm tháng phụ hồ sau giờ học. Đến giờ Dũng vẫn cứ ho khúc khắc, bệnh mà chưa bao giờ dám khám bệnh. Dũng cười ngượng nghịu: “Nếu khám lỡ có bệnh thì càng không có tiền chạy chữa”.
Khoản chi tiêu hằng tháng của Dũng như sau: tiền dạy thêm mỗi tuần bốn buổi, được 230.000 đồng/tháng, chi 100.000 đồng tiền ở trọ; 130.000 đồng còn lại là tiền ăn, tiền tập vở, sách bút... Nhiều hôm đến lớp không một hột cơm trong bụng. Sau giờ học trên lớp và kiếm sống là những đêm vùi đầu vào tập vở đến 1, 2 giờ sáng.
Bạn bè Dũng kể: “Chừ hắn đỡ một chút rồi chớ hồi đầu năm, để có tiền đóng những khoản chi cần thiết, hắn đi dạy thêm một tuần đến chín buổi (có ngày hai buổi); nội chuyện đạp xe cũng đến vài chục cây số mỗi ngày. Về đến nhà trọ là hắn nằm lăn ra thở dốc, mặt mũi tái xanh tái xám”.
Con tò he là ước mơ thuở nhỏ của cậu bé Dũng, cũng như vào ĐH là ước mơ khát bỏng của người học trò mồ côi. Nhưng thật ra một vài người bạn Dũng bảo: “Đi học như ri cũng cực quá, hắn tính bỏ học vào Sài Gòn làm công nhân hoài”.
Khi nghe hỏi chuyện bỏ học này, cậu học sinh từng đoạt giải ba môn sử toàn tỉnh, hiện là SV khoa hóa Trường ĐH Sư phạm Qui Nhơn, dù đã mím môi vẫn không ngăn được giọt nước mắt: “Cũng tính rứa nhưng còn lời hứa với ba; rồi sự trông đợi của thầy cô, bạn bè... ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận