Phóng to |
Cảnh sát tìm vân tay hung thủ trên thang cuốn |
Pháp: bộ máy cận vệ khổng lồ
Sau vụ Tổng thống Jacques Chirac bị Maxime Brunerie, một thành viên cực hữu, nhằm bắn ngay ngày quốc khánh 14-7-2002 trên đại lộ Champs-Élysées, người ta không ngớt bàn tán về tính hiệu quả của bộ máy cận vệ.
Không dưới 4.000 cảnh sát và hiến binh, cả mặc sắc phục lẫn giấu mình bằng đồ dân sự đã không làm được gì sau khi hung thủ rút súng ra từ một túi đựng đàn ghita và nhằm bắn vào tổng thống. Chính những người dân bình thường đã ngăn chặn được hắn tiếp tục nổ súng.
Ở Pháp, tổng thống là người được bảo vệ tính mạng rất cẩn mật với một đơn vị chuyên trách mang tên Nhóm an ninh phủ tổng thống nước cộng hòa (GSPR). Nhóm tinh binh này gồm khoảng 50 người, phân nửa là cảnh sát và phân nửa là hiến binh. Mỗi khi ông công du nơi đâu thì quanh địa điểm đến đều có bố trí xạ thủ trên các mái nhà và, từ trước, nhân viên dò mìn đã dọn sạch khu vực.
Lực lượng cận vệ bao quanh tổng thống không ít lần xanh mặt khi ông “phá qui cách” vượt qua vòng bảo vệ để bắt tay đám đông như trong lần công du chính thức Israel năm 1996.
Thủ tướng Pháp có đội cận vệ riêng mang tên Nhóm an ninh thủ tướng (GSPM), không đông đảo bằng GSPR. Nhưng mỗi khi thủ tướng đi ra ngoài thì đều được tiền hô hậu ủng với các đội xe của cảnh sát hoặc hiến binh.
Các thành viên nội các và các chủ tịch hai viện quốc hội được đặt dưới sự bảo vệ của Cơ quan bảo vệ yếu nhân (SPHP) gồm khoảng 400-500 nhân viên an ninh. Tuy nhiên, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, nội vụ và kinh tế - tài chính lại được bảo vệ cẩn mật hơn các đồng sự khác vốn chỉ được một sĩ quan an ninh đi kèm.
Các cựu thủ tướng Pháp cũng được chế độ bảo vệ riêng do chính quyền chi trả. Ngoài ra, một số nghị sĩ hoặc một số cựu chính khách cũng được SPHP cắt cử người bảo vệ nếu chứng minh được mình đang bị đe doạ tính mạng.
Hà Lan: sự ngây thơ đã mất
Sự gần gũi giữa dân chúng và chính khách cũng từng là một đặc điểm nổi bật ở Hà Lan nhưng nó đã mất đi sau vụ ám sát chính khách cực hữu Pim Fortuyn ngay trên đường phố tại Hilversum vài ngày trước kỳ tổng tuyển cử ngày 6-5-2002.
Khi hàng ngàn người Hà Lan xuống đường tiễn đưa linh cữu của Fortuyn thì họ cũng tiễn đưa luôn cả sự ngây thơ của đất nước (về an ninh cho chính khách). Nó chấm dứt một thời kỳ bình lặng kéo dài đến 330 năm khi xảy ra vụ ám sát chính trị cuối cùng (Cornelis và Johan De Witt bị đám đông sát hại năm 1672).
Đức: vẫn còn tranh luận về việc bảo vệ chính khách
Ở Đức, cảnh sát tư pháp (BKA) lãnh trách nhiệm đánh giá mức độ nguy hiểm đến tính mạng của từng chính khách. Hơn 10 năm trước, việc bảo vệ chính khách ở Đức đã làm bùng nổ cuộc tranh luận kéo dài đến ngày nay, sau khi xảy ra hai vụ ám sát chính khách cách nhau chỉ vài tháng trước kỳ bầu cử quốc hội năm 1990.
Trong vụ thứ nhất (25- 4-1990 tại Cologne), Oskar Lafontaine, thuộc Đảng Dân chủ xã hội (SPD), đã bị một phụ nữ tâm thần đâm dao vào cổ gây trọng thương khi bà này giả vờ đem hoa đến tặng. Trong vụ thứ hai (12-10-1990 tại Oppenau, miền tây Đức), bộ trưởng nội vụ dưới trào chính phủ Kohl, ông Wolfgang Schauble, đã bị một kẻ tâm thần dùng súng bắn vào cột sống trọng thương dù đã được cảnh sát bảo vệ cẩn mật.
Thụy Sĩ: nền dân chủ trực tiếp bị tổn thương
Ngày 28-9-2001, một công dân Thụy Sĩ 57 tuổi mang theo mình một khẩu súng lục và một khẩu tiểu liên đã khai hỏa ngay trong kỳ họp hội đồng thành phố Zug khiến 15 người thiệt mạng (trong đó có 11 dân biểu và ba cố vấn nhà nước) và 14 người khác bị thương. Hung thủ ngay sau đó đã quay súng tự sát. Hành vi bạo lực chưa từng có đó đã làm thay đổi quan niệm về dân chủ trực tiếp ở Thụy Sĩ. Sau vụ đó, khách yêu sách ly khai.
Trong thập niên 1990, ETA thậm chí còn nhắm đến cả các mục tiêu “thượng tầng” như đương kim Thủ tướng Aznar (khi đó còn là thủ lĩnh phe đối lập) và vua Juan Carlos.
Chính vì vậy, tất cả chính khách cao cấp của Tây Ban Nha và hàng trăm dân biểu địa phương ở xứ Basque hiện được che chắn bởi 6.000 cảnh sát và 4.500 cận vệ tư nhân. Đó là chưa kể các vị quan tòa, giáo sư, chủ doanh nghiệp và nhà báo phải thuê cận vệ và người ta không thể nào thống kê được con số chính xác.
Ý: nỗi ám ảnh Lữ đoàn đỏ
Sau một thời gian im lặng, năm 1998 Lữ đoàn đỏ - một tổ chức cực tả ở Ý - khiến công luận phải nhắc lại tên của nó khi ám sát cố vấn bộ trưởng lao động Massimo D’Antona, ngay giữa thủ đô Roma.
Năm 2002, tại Bologna, một biệt đội của Lữ đoàn đỏ đã hành quyết nhà kinh tế học Marco Biagi, cựu cố vấn của Bộ trưởng các vấn đề xã hội Roberto Maroni. Sau vụ việc, Bộ trưởng Maroni mới tiết lộ rằng ông Biagi từng yêu cầu được cảnh sát bảo vệ do nhận được những lời đe dọa sát hại.
Khi ấy, vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát, nạn nhân đã nhận được phúc đáp lạnh lùng của Bộ trưởng Nội vụ Claudio Scajola: “Cuộc chiến chống khủng bố không thể thành công được với sự bảo vệ như vậy”.
Dư luận Ý đã rất phẫn nộ khi cho rằng bộ trưởng đã quá xem thường quá khứ của Lữ đoàn đỏ: tháng 2-1986 họ đã sát hại cựu thị trưởng Florencia Lando Conti và tháng 4-1988 nạn nhân mới là thượng nghị sĩ Roberto Ruffilli của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo.
Anh: bí mật quốc gia
Phủ thủ tướng Anh luôn từ chối bình luận về những biện pháp an ninh dành cho thủ tướng. Người ta chỉ được biết rằng trong mỗi lần di chuyển, nguyên thủ nước Anh nằm trong sự bảo vệ của một đơn vị tinh nhuệ của cảnh sát London có tên gọi là Đội cận vệ hoàng gia và ngoại giao.
Quan trọng hơn nữa, thủ tướng Anh thường di chuyển trong một xe hơi bọc thép mà bên sản xuất khẳng định là chống lại được cả một vụ tấn công bằng bom.
Người ta phải nhìn nhận rằng các biện pháp an ninh của Anh khá thành công vì chưa một lãnh đạo nào bị tấn công kể từ khi nước Anh tuyên chiến với lực lượng quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Duy nhất một lần vào năm 1991, IRA đã bắn một quả đạn cối vào phủ thủ tướng Anh ở số 10 Downing Street (khi ấy John Major làm thủ tướng). Quả đạn không làm ai bị thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận