03/04/2016 08:05 GMT+7

Đại gia Tòng “Thiên Mã” và những kiểu làm ăn chụp giựt

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC - YÊN NHIÊN (ledan@tuoitre.com.vn)
LÊ DÂN - CHÍ QUỐC - YÊN NHIÊN ([email protected])

TTO - Được xem là một “đại gia thủy sản” ở miền Tây, sở hữu nhiều nhà máy, siêu xe biển số đẹp nhưng sự thực giá trị tài sản, hợp đồng của đại gia này đã được nâng khống.

Trụ sở Công ty Thiên Mã của ông Tòng tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (Cần Thơ) - Ảnh: Yên Nhiên
Trụ sở Công ty Thiên Mã của ông Tòng tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (Cần Thơ) - Ảnh: Yên Nhiên

Cơ quan cảnh sát điều tra vừa khởi tố, bắt giam Phan Bá Tòng (thường gọi là Tòng “Thiên Mã”, 42 tuổi), giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (trụ sở tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, Cần Thơ), và kế toán trưởng công ty về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tòng được xem là một “đại gia thủy sản” ở miền Tây khi tuyên bố sở hữu nhiều nhà máy cũng như có nhiều siêu xe biển số đẹp. Quá trình trở thành “đại gia” rồi vào vòng lao lý của Tòng ra sao?

Hợp đồng xuất khẩu khống để vay ngân hàng

Một số doanh nhân kinh doanh trong ngành thủy sản ở Cần Thơ cho biết Tòng quê ở Cà Mau, có thời điểm vượt biên sang nước thứ ba, sau đó hồi hương trở về VN sống tại TP.HCM.

Do có vốn tiếng Anh khá tốt nên trong quá trình làm việc tại đây Tòng có quen với một doanh nhân nước ngoài, sau đó Tòng trở thành người đại diện chuyên đi thu mua thủy sản ở miền Tây cho doanh nhân này xuất khẩu sang Mỹ và một số nước Bắc Phi.

Những năm còn làm công, nhiều người biết đến Tòng khi thường xuyên đi mua cá tra ở các công ty thủy sản tại Cần Thơ, Hậu Giang và An Giang.

Tuy nhiên, sau đó Tòng tách ra thành lập công ty để làm ăn riêng trong việc xuất khẩu cá da trơn. Năm 2005, Tòng mới thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã, vốn điều lệ 70 tỉ đồng với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản.

Làm ăn gặp thuận lợi, Tòng phất nhanh, xây dựng ba nhà máy chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên đến 50 triệu USD. Lúc cao điểm, ba nhà máy của công ty này có đến 3.500 công nhân với tổng công suất lên đến 300 tấn nguyên liệu/ngày.

Đến năm 2009 trở đi thì việc làm ăn của Tòng khựng lại. Đến năm 2011, Công ty Thiên Mã đã nợ năm ngân hàng với số tiền 430 tỉ đồng (nợ gốc) và nợ nhiều người bên ngoài hơn 50 tỉ đồng, vì vậy ba nhà máy ngưng hoạt động.

Tuy nhiên khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện ông Tòng có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền nhà nước khi làm nhiều hợp đồng xuất khẩu khống và đem đi vay các ngân hàng.

Chơi sang với nhiều xe xịn biển số tứ quý

Thời điểm làm ăn phát đạt, ông Tòng bắt đầu tậu xe Hummer H2 và lấy biển số tứ quý 3333 mà theo người trong giới làm ăn giá trị của xe này khoảng 12 tỉ đồng, ngoài ra còn sở hữu một chiếc xe Camry biển số tứ quý 9999.

Nói về độ chịu chơi của ông Tòng, một doanh nghiệp trong ngành xây dựng có dịp nhậu chung với ông, kể có lần nhậu chung tại quán TP trên đường 30-4 (quận Ninh Kiều), ông Tòng đi xe Hummer tới, vô phòng VIP rồi lấy cọc tiền 50 triệu (mệnh giá 500.000 đồng) bỏ ra đầu bàn để dành boa.

Một nguồn tin khác cho biết giai đoạn 2010-2011, việc xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, ông Tòng mua cả cá kém phẩm chất (cá vét ao) rồi xuất khẩu với giá thấp hơn giá mà các doanh nghiệp khác xuất khẩu. Từ đó, uy tín của công ty sụt giảm và việc làm ăn cũng khó khăn hơn.

Cuối năm 2012, ông Tòng tuyên bố công ty thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 600 tỉ đồng của các ngân hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang và các doanh nghiệp, người dân nuôi cá... Ông Tòng bắt đầu vay nợ mới để trả nợ cũ, dần dần lún sâu mất khả năng thanh toán.

Cũng theo các doanh nhân từng qua lại và làm ăn với ông Tòng, thời điểm trước khi bị bắt ông này rất ít xuất hiện trong vai trò điều hành công ty bởi thời điểm này nếu ông xuất hiện các ngân hàng sẽ xiết nợ, vì vậy việc giao dịch của công ty thường thông qua người thân của ông.

Chưa nắm được lượng công nhân của Công ty Thiên Mã

Chiều 2-4, ông Nguyễn Hữu Phước, phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết Công ty Thiên Mã không báo cáo tình hình hoạt động nên không nắm được lượng công nhân tại đây.

Hiện chỉ có Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Mã 3 đóng tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn còn hoạt động.

Cuối năm 2015 có thanh tra tại nhà máy này, nơi đây chỉ gia công cho các đơn vị khác, khi có đơn hàng thì làm, không thì nghỉ chứ không hoạt động thường xuyên.

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC - YÊN NHIÊN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên