Không còn “5 gánh 56”?
Một vấn đề “sát sườn” địa phương đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu 61 tỉnh thành dự hội nghị: phân bổ dự toán ngân sách năm 2004. Đây là nội dung Quốc hội sẽ lần đầu tiên thực hiện vào kỳ họp tới. “Về nguyên tắc, chúng ta cần giảm dự toán chi ngân sách của các bộ, ngành trung ương và mạnh dạn phân bổ cho địa phương, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135” - phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư đề nghị.
Trên “nền” Luật ngân sách nhà nước mới, phương án phân bổ lần này đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng “5 gánh 56” tồn tại nhiều năm nay. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá nhấn mạnh: từ năm sau sẽ có thêm mười địa phương có đóng góp ngân sách trung ương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long), thay vì chỉ năm tỉnh thành (Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương) “gánh vác” như hiện nay.
Trong khuôn khổ hữu hạn ấy, ngân sách nhà nước “sẽ ưu tiên đầu tư các vùng kinh tế động lực, trọng điểm và các vùng khó khăn, tăng dần tỉ lệ điều tiết cho các tỉnh, thành phố có đóng góp lớn cho ngân sách” - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho biết
Nợ xây dựng cơ bản: đáng lo ngại!
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2003, Bộ Kế hoạch & đầu tư nêu rõ: Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn vốn; ước vốn đầu tư xã hội cả năm đạt khoảng 217.000 tỉ đồng, tăng 18% so với năm ngoái.
Tuy nhiên một vấn đề bức xúc đang đặt ra là nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản xuất hiện từ năm 2001 đến nay vẫn tiếp diễn và có xu hướng ngày càng gia tăng, chưa được xử lý dứt điểm. Tổng hợp của một số bộ ngành và 57 tỉnh thành cho thấy khoản nợ này đã lên tới con số đáng lo ngại: 11.000 tỉ đồng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận