![Đà Nẵng sẽ làm phòng thí nghiệm chế tạo kỹ thuật số về trí tuệ nhân tạo gần cầu Thuận Phước - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/base64-17392637846191841884803.jpeg)
Đà Nẵng dự kiến làm phòng Fablab về trí tuệ nhân tạo gần Trung tâm Công nghệ phần mềm số 2 (trong hình) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
Ngày 11-2, Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết số 57 thành phố Đà Nẵng (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) đã tổ chức họp phiên thứ 1.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết số 57 do ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, làm trưởng Ban Chỉ đạo.
Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết thành phố sẽ đầu tư xây dựng phòng Fablab (phòng thí nghiệm chế tạo kỹ thuật số) về trí tuệ nhân tạo làm nơi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các mô hình AI dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các nhóm nghiên cứu và start-up trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Quảng, trưởng Ban Chỉ đạo, cho biết việc đầu tư xây dựng phòng Fablab về trí tuệ nhân tạo nhằm tạo hạ tầng về không gian đổi mới sáng tạo.
Dự kiến sẽ khởi công xây dựng phòng Fablab này trong năm 2025. Dự kiến trong giai đoạn 1, vốn đầu tư cho phòng Fablab này khoảng 68 triệu USD. Trong đó chi phí đầu tư phòng Fablab sạch chưa có thiết bị khoảng 6 triệu USD (tương đương khoảng 150 tỉ đồng).
Dự kiến diện tích xây dựng phòng Fablab này khoảng 1.500m2 ở vị trí khu đất dưới chân cầu Thuận Phước ở quận Hải Châu (gần Trung tâm Công nghệ phần mềm số 2).
Trước đó vào năm 2024, UBND thành phố Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC). Hiện trung tâm này đặt tại Khu công viên phần mềm số 2.
DSAC có chức năng đào tạo nhân lực, hỗ trợ thu hút đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu và ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Hiện nay DSAC đang tập trung hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu, tổ chức hoạt động, đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển, hợp tác quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận