
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm (bìa trái) trao giải nhất thể loại tản văn tác giả Đinh Ngọc Bảo Trân - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Với chủ đề "Khởi nghiệp văn chương", buổi lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần thứ ba năm 2024, diễn ra chiều nay 18-4 tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Đề tài đa dạng, phong phú, chất suy tư nhiều hơn
Đại diện hội đồng giám khảo Khởi nghiệp văn chương, PGS.TS Võ Văn Nhơn - trưởng ban giám khảo - cho biết đọc từng trang văn thơ của gần 1.000 tác giả trẻ, các giám khảo đều chung nhận định các tác phẩm dự thi năm nay có đề tài đa dạng, phong phú, chất suy tư cũng nhiều hơn song cũng còn kỳ vọng, chờ đợi những sáng tạo mang tính đột phá, những bài viết có tứ độc đáo hơn.
Có tác phẩm bộc lộ cảm xúc sâu nặng đối với Tổ quốc lớn lao, thiêng liêng một cách chân thành, rung động sâu xa, có tác phẩm xoáy sâu vào tình yêu đối với gia đình thân thương, nhỏ bé.
Có những câu hỏi lớn, những suy tư, lo âu, những hoang mang thường thấy của tuổi trẻ trước cuộc sống, thời cuộc và có cả những băn khoăn, trăn trở trong công việc sáng tạo văn chương mà các bạn đang tham gia, thử nghiệm và trải nghiệm.
Và những câu chuyện có tính thời sự của đất nước, những mất mát lớn lao do thiên tai đã khiến bao người dân đất Việt xót xa cũng dội vang vào trong sáng tác của những người trẻ. Như sự hồi sinh của làng Nủ xưa kia đã bị thiên tai làm cho tan nát đã được Nguyễn Lê Bảo Ý (Tâm An) viết bằng cả trái tim vừa buốt đau, nhưng cũng vừa tràn đầy niềm tin tưởng, sự hy vọng vào một tương lai xán lạn hơn trong "Nủ ơi, mình có làng mới rồi".

PGS.TS Võ Văn Nhơn - trưởng ban giám khảo - phát biểu tại lễ trao giải Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần thứ ba năm 2024 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sáng tác của các cây bút trẻ cho thấy họ không chỉ bị cuốn vào những ánh sáng hào nhoáng của cuộc sống đô thị hiện đại mới mẻ, mà còn muốn trở lại đi tìm những giá trị tạo nên hồn cốt của quê hương, đất nước.
Đinh Ngọc Bảo Trân (Trân Mơ) với "Hẻm mùi hương" lại có những khám phá tinh tế về những hẻm nhỏ của TP.HCM. Thông thường, chúng ta hay cảm nhận những con hẻm ở đô thị bằng hình hài hoặc thanh âm, nhưng tác giả lại khám phá ra sự hiện hữu của những con hẻm bằng mùi hương. Những câu văn tinh tế, nhạy cảm về khứu giác ấy cho thấy cái già dặn bất ngờ của những người trẻ bây giờ.
"Các sáng tác này là tiếng nói của người trẻ với bao tâm tư, khát vọng, với bao vui buồn tuổi đôi mươi mà ai trong chúng ta cũng có thể trải qua trong đời.
Chúng ta chưa tìm thấy chủ nhân của giải nhất ở hạng mục thơ và truyện ngắn cho cuộc thi năm nay. Đó là điều đáng tiếc. Nhưng kết quả này cũng cho thấy trong sáng tác văn chương, các cây bút trẻ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi văn chương là trò chơi, nhưng là một trò chơi đòi hỏi nhiều suy tư, sáng tạo và xúc cảm.
Cánh đồng văn chương không phải là một nơi chỉ để dạo chơi, mà còn có nhiều thử thách khắc nghiệt cần phải vượt qua", ông Nhơn nói.
"Các bạn trẻ hãy mạnh dạn viết, sáng tác văn chương"
Điều đặc biệt của kết quả cuộc thi năm nay là chỉ có 1 giải nhất được trao cho tác phẩm "Hẻm mùa hương" của tác giả Đinh Ngọc Bảo Trân, cựu sinh viên ngành báo chí (khóa 2017) Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) ở thể loại tản văn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại buổi trao giải, Bảo Trân cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM nên rất vui và tự hào khi đoạt giải nhất. Hiện tôi đang tiếp tục học văn bằng 2 ngành tâm lý học tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tôi sẽ tiếp tục viết và cũng mong các bạn trẻ hãy mạnh dạn viết, sáng tác văn chương".
Các thể loại còn lại (truyện ngắn, thơ) không có giải nhất.

Các tác giả đoạt giải hạng mục tản văn

Các tác giả đoạt giải hạng mục thơ

Các tác giả đoạt giải hạng mục truyện ngắn
Mùa giải thứ ba "Khởi nghiệp văn chương" này có đến 1.032 tác phẩm thuộc ba thể loại thơ, tản văn, và truyện ngắn từ học sinh, sinh viên đến từ 159 cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Phát động hoạt động trải nghiệm sáng tác "Cất cánh cùng văn chương"
Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết với những kết quả đã đạt được trong 3 năm tổ chức cuộc thi, vừa qua Đại học Quốc gia TP.HCM đã xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án tổ chức Cuộc thi Giải thưởng văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2024 - 2027.
Trong khuôn khổ của đề án, bên cạnh việc tiếp tục duy trì cuộc thi, giải thưởng văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tác nhằm ươm mầm, bồi dưỡng cũng như tạo điều kiện giao lưu, chia sẻ cho những tài năng văn học đã được phát hiện từ cuộc thi. Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên tổ chức hoạt động này.
Dịp này, ban tổ chức cuộc thi chính thức phát động "Hoạt động trải nghiệm sáng tác 2025". Với chủ đề "Cất cánh cùng văn chương", hoạt động dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2025, hứa hẹn mang đến một mô hình mới, tạo môi trường và động lực để phát triển những tài năng văn chương trẻ.
Hoạt động này tập trung vào bốn mục tiêu chính: tăng cường kết nối cộng đồng người viết trẻ; trau dồi năng lực sáng tạo; tạo không gian học hỏi từ các nhà văn, nhà thơ giàu kinh nghiệm và trải nghiệm đời sống để làm phong phú chất liệu sáng tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận