Lê Huỳnh Đức với giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm 1997 do bạn đọc báo Tuổi Trẻ bình chọn (ảnh bìa báo xuân Tuổi Trẻ - T.T.D.) |
Có một bài viết trên Tuổi Trẻ mà gần 20 năm đã qua nhưng tôi không thể nào quên và thấm thía với nỗi đau khôn nguôi.
“Hoa rơi sao rụng”
Hai ngày sau sự cố rượt đuổi trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng trên sân Cao Lãnh trong trận chung kết Giải vô địch quốc gia 1996 giữa Đồng Tháp với Công An TP.HCM (ngày 3-1-1996), tôi choáng người khi đọc được bài báo của một cổ động viên nữ viết từ Đồng Tháp được đăng trên Tuổi Trẻ có cái tít “Hoa rơi sao rụng”.
Tác giả đã chê trách tôi về hành vi phi thể thao ấy và bày tỏ cô ấy thật sự sụp đổ về một thần tượng. Lòng tôi đau như cắt, muốn giãi bày mà không thể.
Tôi tham gia cuộc rượt đuổi vì muốn hỏi trọng tài cho ra lẽ tại sao xử ép đội bóng chứ thật tâm không thể và không được phép hành hung trọng tài.
Án kỷ luật đi kèm theo - treo giò một năm (về sau giảm còn sáu tháng). Đó là khúc quanh bi đát đầu đời cầu thủ của tôi. Gần 20 năm đã qua nhưng tôi không thể nào quên và thấm thía với nỗi đau khôn nguôi về cái tít của bài viết.
Một khúc quanh khác của cuộc đời tôi là vào mùa hè năm 2003, sau lúc dẫn trước LG Hà Nội ACB 3-0 (tôi ghi được hai bàn thắng) ở giải vô địch quốc gia thì tôi được huấn luyện viên Vital rút ra để dưỡng sức chuẩn bị cho trận gặp Thể Công.
Nghiệt ngã thay khi trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 3-3, huấn luyện viên trưởng rồi lãnh đạo câu lạc bộ phê bình, chỉ trích rằng một số cầu thủ thi đấu không trung thực. Với tư cách đội trưởng, tôi phân tích đầy đủ về các bàn thua và khẳng định rằng đó là sai lầm về đấu pháp của huấn luyện viên, nhất là thay người không đúng vị trí.
Là đội trưởng, tôi có trách nhiệm phải bảo vệ đồng nghiệp, nói rõ đúng sai của từng người. Oái oăm thay, sự phân tích ấy bị quy chụp là “quyền lực đen”, mở đầu cho cơn sóng dữ ập đến lần thứ nhì trong đời cầu thủ.
Những tháng ngày ấy không biết cơ man nào là bài viết, lời chỉ trích thậm tệ trút vào tôi, kể cả dựng và thêu dệt nên những chuyện không có thật về cuộc đời tôi. Nước mắt tủi hờn, tâm trạng ngổn ngang, đau xót đến mức trong tôi xuất hiện ý nghĩ: đoạn tuyệt bóng đá và tìm nghề khác để mưu sinh.
Đang chấp chới trong cơn sóng dữ ấy, tôi thường xuyên nhận những cuộc điện thoại khuyên nhủ, tỉ tê tâm sự hết sức chí tình từ nhà báo Hoài Lê của Tuổi Trẻ. Nếu không có chữ tình, không hiểu nhau thì làm gì đến với nhau trong cơn hoạn nạn. Tôi xem đó là chiếc phao và càng thấm thía hơn về cái nghĩa đầy đủ của chữ tình.
Tôi đứng dậy mạnh mẽ hơn để khẳng định lại mình sau những cuộc trò chuyện ấm áp, chân tình từ một nhà báo thể thao kỳ cựu của Tuổi Trẻ.
Qua cơn sóng gió
Sau án kỷ luật, tôi quay lại với Giải vô địch quốc gia 1997. Năm đó, Công An TP.HCM không nằm trong nhóm ba đội mạnh nhất vào cuối mùa bóng, nhưng tôi thâu tóm mọi danh hiệu cá nhân như Vua phá lưới với 16 bàn thắng, Cầu thủ xuất sắc nhất giải, đoạt giải thưởng Quả bóng vàng lần thứ nhì.
Nhưng bất ngờ lớn nhất lại đến vào dịp cuối năm khi tôi được bạn đọc báo Tuổi Trẻ bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất của mùa bóng 1997. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình lại được trao tặng giải thưởng đầy vinh dự ấy, phải chăng đó là sự ghi nhận mà bạn đọc Tuổi Trẻ ưu ái dành cho những nỗ lực của tôi nhằm góp phần xua đi vết đen đáng nhớ trên sân Cao Lãnh năm trước?
Rồi đến một ngày giữa năm 2005, tôi nhận được điện thoại gọi từ Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM mời đến dự lễ trao giải thưởng là một trong số 30 gương mặt trẻ tiêu biểu của thành phố nhân kỷ niệm 30 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Trên bục nhận giải thưởng, trao giải thưởng cho tôi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nói chân tình rằng: “Đức hãy để mọi chuyện lùi vào quá khứ. Giải thưởng này chính là sự tôn vinh cho những đóng góp và giá trị của bản thân Đức với ngành thể thao...”.
Thêm một lần nữa tôi để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Nhưng lần này là giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào.
Mấy ai thanh thản, không chao đảo trước những cơn sóng gió. Và cũng từ những khúc quanh nghiệt ngã ấy, tôi chiêm nghiệm được rõ hơn nữa về những người xung quanh mình. Cảm ơn Tuổi Trẻ và những người vẫn luôn đặt niềm tin vào tôi.
Đến chiều 11-8, báo Tuổi Trẻ đã nhận được thêm bài viết tham gia “Tuổi Trẻ 40 năm & tôi” của các tác giả: Quốc Khánh, Phạm Thị Đức, Nguyệt Anh (Hà Nội), Đặng Văn Khoa, Trần Văn Tám, Lê Thị Tùng Thư, Nguyễn Đước, Thanh Thủy, Huỳnh Trí Dũng, Thái Hoàng, Nguyễn Văn Tám, Mai Trung, Trần Vinh (TP.HCM), Đỗ Minh Thuyết (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Hải Vân (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng), Vĩnh Linh (Kon Tum), Văn Quang (Lâm Đồng), Phan Tuyết (Bình Thuận), Nguyễn Văn Công (Đồng Nai), Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Kim Thủy (Bình Dương), Trần Đình Thư, Bùi Thanh Hóa (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Hữu Phi (Long An), KTS Lê Công Sĩ, Thanh Vân, Triệu Ngọc Diệp, Nguyễn Chiêu Dương (Trà Vinh), Thành Công (Bạc Liêu), Lê Thị Ngọc Vi, Kim Dung, Hoàng Thanh... Tòa soạn báo Tuổi Trẻ mong nhận được thêm nhiều bài viết của bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ với chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & tôi”. Bài viết vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia “Tuổi Trẻ 40 năm & tôi”) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015.Tòa soạn |
Mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển (2-9-1975 - 2-9-2015), báo Tuổi Trẻ đã nhận được sự gắn bó, sẻ chia của biết bao thế hệ bạn đọc. Không chỉ với tư cách người đọc báo mà bạn đọc còn cùng làm báo, góp sức, hiến kế để Tuổi Trẻ ngày càng lớn mạnh, vững vàng và chuyên nghiệp hơn. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo, như một sự tri ân bạn đọc, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài trên trang bạn đọc mang chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ. Đó có thể là câu chuyện, là bài học rút ra từ chính những nhân vật của Tuổi Trẻ như những tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường, những nông dân chân chất với chương trình Tiếp sức nhà nông... chia sẻ những hỗ trợ để họ vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời và bắt đầu gặt hái được thành công. Đó có thể là câu chuyện của chính những người “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” khi chia sẻ thông tin đến đường dây nóng, đồng thời lăn lóc cùng phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập thực tế với ước mong ngăn chặn cái xấu, tìm lại sự công bằng cho người yếu thế, những số phận kém may mắn. Đó cũng có thể là những tâm tình của bạn đọc khi gửi gắm những kỳ vọng đến Tuổi Trẻ, khi cảm nhận được những điều mới mẻ từ những bài học vượt khó của các nhân vật mà Tuổi Trẻ giới thiệu. Và đó cũng có thể là những hiến kế khả thi mà bạn đọc đề nghị báo Tuổi Trẻ thực hiện để góp phần nâng chất lượng tờ báo với mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt hơn. Báo Tuổi Trẻ hi vọng sẽ đón nhận được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm và Tôi”. Những bài viết hay, tâm huyết sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và 20 tác giả có bài viết hay, hiến kế thiết thực sẽ tham gia giao lưu, nhận quà tặng trong dịp kỷ niệm 40 năm của Tuổi Trẻ. Bài viết chia sẻ vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận