07/05/2025 09:16 GMT+7

Cựu binh Mỹ 30 năm hàn gắn vết thương chiến tranh: Học được rất nhiều về lòng tốt của người Việt Nam

Ông Chuck Searcy, 81 tuổi, một cựu sĩ quan Mỹ, đã dành 30 năm sống ở Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh. Ông trở thành một minh chứng sống động về sự hòa giải và hồi sinh trên dải đất hình chữ S sau 50 năm hòa bình.

Cựu binh Mỹ 30 năm hàn gắn vết thương chiến tranh: Học được rất nhiều về lòng tốt của người Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Chuck Searcy (trái) dành phần lớn cuộc đời ở Việt Nam để đóng góp vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh - Ảnh: NGÔ XUÂN HIỀN

Nhìn về tương lai, cựu binh Mỹ Chuck Searcy đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, hy vọng họ học từ quá khứ để bằng mọi giá tránh chiến tranh, và nhận thức được hậu quả lâu dài của chiến tranh.

Hai chuyến đi định hình cuộc đời 

Tháng 6-1967, Chuck Searcy, 23 tuổi, đến Sài Gòn với vai trò chuyên gia phân tích tình báo quân sự, chuyên thu thập thông tin về các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Công việc xử lý báo cáo dần khiến ông và nhiều đồng đội nhận ra một sự thật phũ phàng: phần lớn thông tin không chính xác, đều nhằm củng cố thông điệp rằng Mỹ đang thắng thế. Sự vỡ mộng này nhen nhóm lòng phản đối chiến tranh trong ông.

Trở lại Mỹ sau 1 năm tham chiến, Chuck Searcy tích cực tham gia phong trào phản chiến, truyền đi thông điệp rằng "cuộc chiến là sai lầm, chúng tôi cần rời khỏi Việt Nam".

Năm 1992, ông cùng một cựu binh khác quay trở lại Việt Nam trong 30 ngày. Ông đi từ TP.HCM qua Đồng bằng sông Cửu Long, ra Hà Nội và đi dần về phía Nam. Điều khiến ông kinh ngạc và xúc động là thái độ nồng nhiệt, hiếu khách và thân thiện của người dân Việt Nam đối với hai cựu chiến binh. Người dân không thể hiện sự giận dữ, mà thay vào đó là sự tha thứ.

Tuy nhiên, ông cũng bị sốc khi thấy hậu quả chiến tranh, đặc biệt là bom mìn chưa nổ ở khắp nơi. Hình ảnh những người dân nghèo phải mưu sinh bằng cách tháo gỡ phế liệu chiến tranh đầy hiểm nguy đã ám ảnh ông và định hình lại cuộc đời ông.

cựu binh Mỹ - Ảnh 2.

Ông Chuck Searcy tham gia một hoạt động nhân đạo - Ảnh: NGÔ XUÂN HIỀN

Cựu binh Mỹ thầm lặng

Năm 1995, Chuck Searcy trở lại Việt Nam làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Ban đầu, ông nghĩ sứ mệnh này sẽ kéo dài 3 năm. Thế nhưng những chuyến đi đến các vùng nông thôn, chứng kiến những thách thức khổng lồ từ bom mìn và chất độc da cam ở các tỉnh bị tàn phá nặng nề như Quảng Trị, đã thôi thúc ông.

Ông cảm thấy Mỹ có nghĩa vụ đạo đức giúp người Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Suy nghĩ đó đã giữ chân ông ở lại Việt Nam lâu hơn dự định, kéo dài đến 30 năm.

Ông nỗ lực vận động Chính phủ Mỹ tài trợ thiết bị rà phá bom mìn trị giá 3 triệu USD cho tỉnh Quảng Trị vào năm 1996. Năm 2001, ông cùng chính quyền tỉnh Quảng Trị và các đối tác đồng sáng lập dự án RENEW (Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh) tại Đông Hà. Từ đó, cuộc đời ông gắn bó mật thiết với mảnh đất này.

Trong 30 năm qua, ông Chuck Searcy trở thành gương mặt quen thuộc tại Quảng Trị, liên tục có mặt trong các sự kiện khắc phục hậu quả chiến tranh. Dự án RENEW dưới sự đóng góp của ông và nhiều tổ chức đã miệt mài thực hiện rà phá bom mìn, giáo dục phòng tránh tai nạn, phục hồi chức năng và tạo thu nhập cho các nạn nhân.

Ông khiêm tốn nói rằng chính ông đã học được rất nhiều từ lòng tốt và sự tha thứ của người Việt Nam. 

cựu binh Mỹ - Ảnh 3.

Ông Chuck Searcy đã góp một phần công sức thầm lặng để giải phóng bom mìn khỏi đất đai ở Quảng Trị - Ảnh: NGÔ XUÂN HIỀN

Ông xúc động trước sự thay đổi của Quảng Trị sau 50 năm, từ một "túi bom" trở thành một cộng đồng đang phát triển với nhiều thành tựu trong nông nghiệp, du lịch và năng lượng sạch. Thành tựu lớn nhất khiến ông tâm đắc là "việc giảm đáng kể số vụ tai nạn, thương tích và tử vong do vật nổ còn sót lại - giờ đây gần như bằng không".

Với những đóng góp miệt mài đó, ông Chuck đã vinh dự nhận được Huân chương Hữu nghị của Việt Nam vào năm 2003.

Ông Đinh Ngọc Vũ - phó giám đốc Trung tâm hành động bom mìn Quảng Trị - cho hay ông Chuck Searcy trở thành cầu nối đầy ý nghĩa giữa nhân dân hai nước. "Những đóng góp bền bỉ và sâu sắc của ông, đặc biệt tại Quảng Trị - vùng đất chịu nhiều hậu quả chiến tranh - đã để lại dấu ấn quan trọng và hết sức đáng trân trọng đối với Việt Nam", ông Vũ nói.

Chung quan điểm, ông Thái Hữu Liêu - phó giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị - khẳng định ông Chuck Searcy là người bạn thân thiết, "đại sứ vì Hòa bình" gắn bó sâu sắc với Việt Nam và Quảng Trị.

"Với tâm huyết của một cựu chiến binh Mỹ và hiểu biết phong phú về đất nước, con người Việt Nam, ông Chuck Searcy đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong nỗ lực chung về hòa giải, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. 

Ông và những người Mỹ yêu Việt Nam luôn ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam hàn gắn những di chứng bom mìn để lại của chiến tranh", ông Thái Hữu Liêu nói. 

Hình ảnh người cựu binh Mỹ tóc bạc miệt mài hàn gắn vết thương chiến tranh ở Quảng Trị không chỉ là câu chuyện cá nhân về lòng nhân ái, mà còn là biểu tượng mạnh mẽ của sự hòa giải và khả năng cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Cựu binh Mỹ 30 năm chữa lành đất Quảng Trị - Ảnh 5.Trao 21 bộ hồ sơ mộ liệt sĩ tập thể do cựu chiến binh Mỹ cung cấp

Ngày 5-3, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức lễ trao kết quả giám định ADN cho thân nhân liệt sĩ và bàn giao 21 hồ sơ mộ liệt sĩ do cựu chiến binh Mỹ cung cấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên