![Cuộc sống không phải là dòng sông êm ả, nên ta cần đến thơ - Ảnh 1. Cuộc sống không phải là dòng sông êm ả, nên ta cần đến thơ - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/base64-17394000033452141725691.jpeg)
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TTX
Chọn chủ đề Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ, ban tổ chức muốn hội thảo mổ xẻ, phân tích đánh giá để cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của nhà thơ, để thơ ca có ích hơn trong việc làm giàu có thêm đời sống tinh thần cộng đồng và góp sức vào công cuộc phát triển toàn diện của đất nước.
Hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhận những ý kiến tham luận của các nhà thơ nhiều thế hệ xung quanh chủ đề trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ trước xã hội hôm nay.
Con người không có cánh nhưng có thơ ca
Theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhà thơ không chỉ trách nhiệm đưa ra những sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo nhất, ưng ý nhất trong khả năng của chính mình, còn có cả trách nhiệm trước vấn đề mình đặt ra với công chúng và độc giả.
“Cuộc sống không phải là dòng sông êm ả, vì thế mới cần đến thơ. Thơ không chỉ là chốn thanh khiết để con người tìm đến soi mình vào đó xem bản nguyên của mình còn giữ được vuông tròn hay đã nghiêng lệch méo mó đi, không chỉ là chốn cho con người buông mình vào đó để chữa trị những vết thương của tinh thần.
Nó là cái chốn cho những kẻ thất bại hay thất vọng tìm đến để lấy lại nghị lực và niềm tin của mình”, ông Nguyễn Bình Phương nói về vai trò của thơ, cũng chính là trọng trách mà thơ gánh vác.
Theo tác giả tập thơ Xa xăm gõ cửa, lịch sử loài người không bị kéo nhau ngã nhào vào sự phi nhân mà luôn tiến về phía những điều tốt đẹp nhất của nhân tính, cũng là bởi một phần do “chúng ta biết vịn vào sự tử tế do thơ ca mang tới”.
Theo ông, thơ ca chính là đôi cánh của con người, đưa con người bay tới cả những nơi mà khoa học kỹ thuật chưa chắc đã chạm tới.
Tuy nhiên cái đích cuối cùng mà thơ ca hướng đến vẫn chính là phục vụ con người. Nên chốt lại, bổn phận của thơ là đưa con người tới với bến bờ của tình yêu thương nhân ái, của sự thấu hiểu, sẻ chia giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.
Ở đó, thơ cho con người có cơ hội ngoái nhìn lại để nhận ra rằng “những bon chen, những mưu mô, những sân hận của đời thường sẽ bị vẻ đẹp của lòng nhân ái và tinh thần mộng mơ san phẳng”.
Trách nhiệm, đồng thời cũng là khát vọng của thơ là giải phóng con người khỏi bóng tối của chính con người.
Thi ca đứng dậy bằng gì trong kỷ nguyên mới?
Tham luận tại hội thảo, nhà thơ Khuất Bình Nguyên nói gần 25 năm đầu thế kỷ 21, anh chưa tìm được câu thơ nào rung chuyển thời cuộc. Anh trăn trở với câu hỏi: “Thi ca đứng dậy bằng gì trong kỷ nguyên mới?”.
Và anh cho rằng có lẽ chủ nghĩa lãng mạn cách mạng sẽ đi tiên phong trong sáng tạo thi ca ở giai đoạn này.
Tác giả Đặng Huy Giang cũng không đánh giá cao thơ ca hiện nay. Ông nói thơ hiện nay có diện nhưng không có đỉnh, rất khó tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới.
“Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản, lại đẻ non, rất sẵn.
Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm”, ông Giang nói.
Và ông kêu gọi trách nhiệm của các nhà thơ: Trước khi có những câu thơ hay, người làm thơ hãy có một tinh thần lao động sáng tạo thực sự và có một thái độ nghiêm túc trong cách hành xử với thi ca.
Nhà thơ phấn đấu để thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận