15/01/2025 10:45 GMT+7

Cúc mâm xôi sớm ở làng hoa Sa Đéc hút hàng

Làng hoa Sa Đéc, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang nhộn nhịp mùa hoa Tết, khi du khách từ TP.HCM và nhiều tỉnh thành lân cận đến tận vườn tham quan và mua hoa.

Cúc mâm xôi sớm ở làng hoa Sa Đéc hút hàng - Ảnh 1.

Vườn cúc mâm xôi của ông Trần Văn Thà (phải) dự kiến nở đúng cao điểm vụ Tết - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Trong đó, lượng cúc mâm xôi nở sớm của một số nhà vườn đã được thương lái mua hết. Các điểm đóng hàng hoa Tết tất bật bao gói hoa đưa lên xe chở đi.

Bà Trần Ngọc Hoa, khách du lịch đến từ TP.HCM, cho biết hằng năm gia đình đều tranh thủ thời gian trước Tết để đi làng hoa Sa Đéc tham quan và mua hoa Tết.

"Tại Sa Đéc có nhiều hoa lại đẹp và rẻ, tôi có nhiều sự lựa chọn hơn, ô tô gia đình mỗi lần có thể chở từ 7 - 10 giỏ hoa. 

Vì thế có khi tôi quay lại làng hoa mua hai ba lần đợt Tết, mỗi thời điểm mỗi vẻ đẹp. Đường đi hiện nay rất thuận tiện, có đường cao tốc kết nối nên đi xe từ TP.HCM về Sa Đéc chỉ khoảng ba tiếng", bà Hoa nói.

Anh Lê Duy Minh (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), có hơn 1.000 giỏ cúc pha lê, cho biết thời tiết gần đây rất thuận lợi nên bông vô hột ổn, tỉ lệ đạt 90%.

"Đối với cúc pha lê, thương lái chưa đi xem nhiều, giỏ tầm trung 300.000 đồng/chậu, còn giỏ cỡ nhỏ hơn 80.000 đồng/chậu. Hy vọng bà con đi chợ nhiều để hoa đắt hàng, người trồng hoa có động lực đầu tư cho năm sau", anh Minh nói.

Ông Trần Văn Thà (xã Tân Khánh Đông) cho biết do ảnh hưởng mưa đầu vụ nên có một số chậu mâm xôi vàng nở trễ.

"Số mâm xôi của tôi dự kiến nở đúng vào cận Tết khoảng 22 - 25 âm lịch là đẹp, nên ai mua hoa sớm sẽ chưa thấy màu. Nhưng năm nay ai trồng mâm xôi vàng truyền thống có thể "thắng lớn" do hút hàng", ông Thà nói.

Theo ông Võ Minh Thông - phó trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, hoa Sa Đéc đã được xuất đi các tỉnh miền Trung và Hà Nội, còn các tỉnh miền Tây trễ hơn khoảng 3 - 4 ngày. Hoa Tết sớm được cung cấp cho những nơi làm dịch vụ trang trí, làm đường hoa xuân.

"Đã có trên 80% sản lượng hoa được thương lái đặt mua và xuống cọc cho nhà vườn. Riêng cúc mâm xôi sớm đã được đặt hàng gần 100%, nhưng phải đợi đến cận giờ chót mới biết lượng tiêu thụ có hết hay không, chờ thống kê của các xã", ông Thông nói.

Cuối năm nhộn nhịp đi hái đót

Cúc mâm xôi sớm ở làng hoa Sa Đéc hút hàng - Ảnh 2.

Mùa này dọc quốc lộ 14 qua phía bắc tỉnh Kon Tum dễ gặp hình ảnh bà con phơi đót la liệt bên đường - Ảnh: TẤN LỰC

Những ngày cuối năm, dọc quốc lộ 14 qua các huyện phía bắc tỉnh Kon Tum như Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Glei... không khó bắt gặp cảnh người dân địa phương phơi đót la liệt thành những vạt lớn ven đường.

Dù là nghề tay trái nhưng người hái đót cần cù, giỏi lội rừng có thể kiếm được 300.000 - 400.000 đồng mỗi ngày.

Đó là mức thu nhập không nhỏ so với mặt bằng lao động tại địa phương. Anh A Phan, trú tại Đăk Tung, Đăk Glei, cho hay những ngày trúng nơi có đót nhiều, hai vợ chồng anh có thể hái được 50 - 70kg tươi về bán cho mối lái, thu nhập lên đến 600.000 - 700.000 đồng.

Mùa đót kéo dài khoảng một tháng cận Tết, thu nhập từ hái đót giúp gia đình anh và bà con trong xã có tiền mua sắm Tết, chăm lo cho con ăn học.

Theo anh A Phan, thông thường cây đót chỉ mọc nhiều ở những khe suối hoặc các vùng trũng thấp nơi đất ẩm ướt rất khó tiếp cận. Nếu không có kinh nghiệm, sức khỏe và am hiểu địa bàn thì khó hái được nhiều đót.

Những gùi đót tươi mang về được cân cho đầu mối với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Các mối gom lại phơi khô, đóng bó lớn rồi nhập cho những làng nghề làm chổi tại tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, để sản xuất ra cây chổi đót thành phẩm bán tới tay người tiêu dùng.

Cúc mâm xôi sớm ở làng hoa Sa Đéc hút hàng - Ảnh 3.Nông dân phấn khởi vì dừa khô tăng giá gấp đôi dịp Tết

Do nhu cầu tiêu thụ dừa tăng cao trong dịp lễ, Tết và xuất khẩu, dừa khô tại Kiên Giang có giá gần gấp đôi so với trước, khoảng 90.000 đồng/chục (12 trái).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên