Phòng Thanh tra - An toàn III (Cục Đường sắt Việt Nam) vừa có báo cáo gửi Cục Đường sắt Việt Nam sau khi thu thập thông tin, hình ảnh và hồ sơ (doanh nghiệp đường sắt lập) liên quan vụ tai nạn tàu khách SNT5 và xe bán tải tông nhau vào khoảng 20h40 ngày 28-7 tại km1696+458 ở Đồng Nai.
Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên ông Võ Văn Khải (49 tuổi) lái xe bán tải biển số 60C-597... chở theo 3 người gồm cháu B.H.N. (13 tuổi), bà M.P.P. và bà N.T.U. đi từ đường dân sinh song song với đường sắt ra đường Phạm Văn Thuận.
Thêm nhiều góc camera lúc xe bán tải băng ngang đường ray bị tàu hỏa tông ở Biên Hòa
Khi xe bán tải vừa băng ngang đường ray thì tàu hỏa đang lao tới tông trúng, văng mạnh va vào anh L.M.T. (24 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường) khiến người này chết tại chỗ. Vụ tai nạn cũng khiến cháu N. (ngồi trên ô tô) tử vong, 3 người còn lại trên xe bị thương.
Theo Phòng Thanh tra - An toàn III, kiểm tra hiện trường vụ tai nạn cho thấy tại chắn đường ngang có đèn, chuông tín hiệu tại đường ngang đều kêu to, nghe rõ. Biển báo được cắm đầy đủ tại các trục đường bộ chính vào đường ngang theo quy định. Vạch dừng trong phạm vi đến đường ngang hơi mờ.
Tại vị trí hẻm 4 khu phố 3, phường Tân Tiến và đường dân sinh đi vào thẳng đường ngang (xe ô tô bị tàu va chạm khi đi từ đường dân sinh), đâm thẳng vào đường ngang (không qua cần chắn) có biển chú ý tàu hỏa.
Vị trí đường ngang này có đặc điểm là đường Phạm Văn Thuận giao cắt chéo với đường sắt, có 5 hướng lưu thông vào khu vực đường ngang. Khi đóng chắn đón tàu thì hở hai hướng phía phải lý trình đường sắt (hẻm 4, lối đi từ đường dân sinh gom vào chắn).
Tại thông báo kết luận vào tháng 6-2022, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị địa phương phải tự gác phòng vệ tại hai vị trí này, vì có chiều rộng đường lớn hơn 3m đi thẳng vào đường ngang. Đồng thời giải tỏa hàng quán trong khu vực đường ngang nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi qua lại đường ngang.
Bên cạnh đó Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý gác chắn) cũng đã có công văn vào năm 2022 gửi Ban An toàn giao thông tỉnh và Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai về việc triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt tại đường ngang nêu trên.
Theo Phòng Thanh tra - An toàn III, đây là tai nạn rất nghiêm trọng. Vụ việc này lỗi do người lái xe không tuân thủ theo biển báo chú ý tàu hỏa và thiếu quan sát xung quanh. Bên cạnh đó, một phần cũng do trách nhiệm của địa phương, không quyết liệt trong việc thực hiện theo quyết định 358 của Thủ tướng trong việc xóa bỏ lối đi tự mở có trên địa bàn tỉnh quản lý.
Lập hội đồng phân tích, xử lý vụ tai nạn
Phòng Thanh tra - An toàn III đánh giá đây là tai nạn rất nghiêm trọng. Theo quy định, Cục Đường sắt Việt Nam phải là chủ tịch hội đồng phân tích vụ tai nạn này, nhưng phải trình Bộ Giao thông vận tải xem xét phê duyệt (xem lại thiệt hại về tài sản) hoặc để lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt làm chủ tịch hội đồng phân tích.
Tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 89km, qua 5 huyện/thành phố gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom.
Thời gian qua ngành đường sắt cũng đã đề nghị địa phương ưu tiên kinh phí đầu tư để xây dựng đường gom, bố trí cảnh giới nhằm đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận