24/09/2019 17:56 GMT+7

Cứ 70 người Đông Nam Á có 1 người kiếm sống từ Grab

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Hơn 9 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ đang kết nối trên nền tảng này và cứ 70 người ở Đông Nam Á có một người kiếm sống qua nền tảng Grab với những công việc như tài xế, giao hàng, nhà hàng...

Cứ 70 người Đông Nam Á có 1 người kiếm sống từ Grab - Ảnh 1.

Grab muốn tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nâng cao kỹ năng và các dịch vụ kỹ thuật số cho người dân - Ảnh: N.BÌNH

Con số này được ông Anthony Tan - giám đốc điều hành, đồng sáng lập Grab - công bố tại sự kiện "Tech for Good" diễn ra ngày 24-9 tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Đây là lần đầu tiên Grab công bố báo cáo tác động xã hội từ các khoản đầu tư của mình. 

Siêu ứng dụng đa dịch vụ này ước tính đã đóng góp 5,8 tỉ USD vào nền kinh tế Đông Nam Á trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 3-2019. 

Theo đó, hơn 9 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, tức xấp xỉ 1 trên 70 người ở Đông Nam Á đang kiếm được thu nhập thông qua nền tảng Grab với những vai trò như đối tác tài xế, đối tác giao nhận, đối tác nhà hàng hoặc đại lý. 

21% đối tác tài xế Grab không có việc làm trước khi hợp tác với Grab, trong khi 31% đối tác đại lý không có thu nhập trước khi tham gia Grab-Kudo, một hợp tác giữa Grab và một doanh nghiệp khởi nghiệp về tài chính ở Indonesia. 

Bên cạnh việc mở ra những cơ hội kinh tế, báo cáo cũng cho thấy Grab đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và thanh toán di động. Ước tính đã có 1,7 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ mở tài khoản ngân hàng lần đầu tiên thông qua ứng dụng này. 

Grab phát triển thanh toán không tiền mặt và tỉ lệ thanh toán này trên nền tảng Grab cao hơn gấp 9 lần so với tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của mỗi quốc gia nơi này hiện diện. 

Tuy nhiên, theo ông Anthony Tan, sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh trên nền tảng Grab mới đang là yếu tố chính để làm nên các giá trị của ứng dụng này. 

"Không có họ, chúng tôi không có khách hàng. Grab làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, những người muốn trở thành một phần của nền kinh tế số bằng cách xây dựng hệ thống hạ tầng, làm việc chặt chẽ với chính phủ và các công ty khác", nhà sáng lập Grab nói ngay tại thị trường lớn nhất của ứng dụng này ở khu vực Đông Nam Á.  

Là startup kỳ lân của Malaysia, nhưng Grab đang có sự bành trướng mạnh mẽ ở thị trường Indonesia, nơi có dân số đông nhất khu vực Đông Nam Á. 

Tại Việt Nam, ứng dụng này công bố sẽ đầu tư 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics... 

Trong một tương lai không dùng tiền mặt, tại Việt Nam, Grab ước tính tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt mà nền tảng này đạt được khoảng 35%, so với tỉ lệ 11,5% thanh toán không tiền mặt mà nền kinh tế Việt Nam đang đạt được.

Trong số đó, tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hằng tháng tăng hơn 70%.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên